Thanh toán không dùng tiền mặt tại một điểm bán nước ép ở TP.HCM - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Đề nghị trên được nêu tại Diễn đàn Banking VN 2109 với chủ đề tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt, do Ngân hàng nhà nước chủ trì tổ chức hôm 30-5.
Đánh giá về việc triển khai các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền - phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, cho biết trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng tiền gửi và dư nợ tín dụng tăng trưởng mạnh duy trì 10%. Tỉ lệ tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán 11,57%, giảm 14,02% năm 2010.
Bổ sung thêm, ông Nghiêm Thanh Sơn - phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng nhà nước, cho hay cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng ấn tượng. Số lượng thẻ đến tháng 5-2018 đạt 147,3 triệu thẻ. Máy ATM, POS đạt lần lượt 18.587 và 243.123 máy.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán như xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh, sử dụng QR code, Tokennization, thanh toán phi tiếp xúc… Đây là các hình thức thanh toán hiện đại, an toàn, tiện lợi, được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Việc thanh toán bằng QR code hay còn gọi là một chạm, được các tổ chức quan tâm để thúc đẩy thanh toán qua điện thoại di động. Đến nay đã có 16 ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán này, toàn thị trường có 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code.
Giao dịch qua ATM trong quý 1 đạt 232,8 triệu giao dịch với giá trị 676.550 tỉ đồng, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoài. Giao dịch qua POS cũng tăng trưởng ấn tượng hơn 50% so với quý 1 năm ngoái, đạt 55,8 triệu giao dịch với 132.922 tỉ đồng.
Ngoài thanh toán thẻ, thanh toán qua ví điện tử cũng đang bùng nổ ở Việt Nam. Đó là nhận định của bà Nguyễn Thu Hương - giám đốc bán lẻ của VIB tại hội thảo. Hiện Việt Nam có khoảng 10 triệu ví điện tử.
Dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, bà Hiền cho biết tỉ lệ người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam tăng nhanh từ 21% năm 2011 lên 30,7% năm 2017. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì tỉ lệ này ở Việt Nam vẫn còn thấp, đơn cử Trung Quốc 80,2%, Malaysia 85,3%.
Rõ ràng bên cạnh những mặt tích cực như trên, theo bà Hương, có đến 99% người dân vẫn thanh toán thiền mặt hằng ngày, nhất là ở nông thôn và vùng sâu vùng xa. Đây là thách thức rất lớn cho chính phủ.
Nguyên nhân chính khiến thanh toán bằng tiền mặt vẫn khá phổ biến ở Việt Nam, các diễn giả có chung nhận định là do thói quen dùng tiền mặt của người dân.
Giải pháp đầu tiên dẫn đường cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thay đổi đột biến, các ý kiến đều thống nhất cho rằng là sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách. Đặc biệt, có các chính sách đặc biệt ưu đãi cho mở tài khoản cơ bản như không thu phí hoặc không yêu cầu duy trì số dư tối thiểu.
"Tài khoản cơ bản được hiểu là chuyên dùng để chuyển và nhận các khoản thanh toán cần thiết của người dân. Nên miễn phí mở tài khoản và không cần thiết quy định người dân phải duy trì số dư" - bà Hiền nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận