Hành khách chờ đợi tại nhà ga Gare du Nord, sau sự cố mất điện khiến hoạt động vận chuyển của các chuyến tàu phải tạm ngừng vào ngày 7-12-2016 - Ảnh: Reuters |
Người dân tại Paris vừa có ngày thứ hai liên tiếp sử dụng các phương tiện vận tải công cộng mà không phải trả tiền, trong bối cảnh mức độ ô nhiễm không khí tại thủ đô nước Pháp đang ở mức nghiêm trọng nhất trong ít nhất một thập kỷ qua.
Cùng với đó, một số ôtô cũng bị hạn chế lưu thông theo quy định để giảm bớt khí thải.
Ngày không xe hơi
Theo thông báo của Airparif - tổ chức chịu trách nhiệm theo dõi chất lượng không khí tại Paris, thủ đô nước Pháp đang trải qua đợt ô nhiễm vào mùa đông kéo dài và tồi tệ nhất.
Trong ngày 7-12, chỉ những xe biển số lẻ được phép lưu thông ở khu vực thủ đô. Ưu đãi này được dành cho các xe biển số chẵn vào hôm trước. Những trường hợp vi phạm quy định có thể bị xử phạt tới 35 euro. Hơn 1.700 tài xế ôtô đã bị phạt vì các vi phạm lưu thông trong ngày 6-12.
Thị trưởng thành phố Paris Anne Hidalgo cho rằng việc khói bụi bao trùm mù mịt toàn thủ đô là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy nhu cầu cần phải giảm bớt lượng sử dụng xe cộ tại khu vực trung tâm thành phố.
Tình trạng ô nhiễm không khí tăng vọt tại thời điểm này ở Paris là kết quả của nhiều yếu tố tác động cùng lúc. Ngoài khí thải của xe cộ thì khói đốt than củi cũng như điều kiện thời tiết ít gió khiến các hạt bụi bẩn trong không khí không được khuếch tán nhanh.
Với một lượng khách tăng bất thường dồn vào mạng lưới tàu điện công cộng ở Paris, hoạt động tại khu vực này cũng cho thấy những dấu hiệu căng thẳng.
Trong ngày 6-12, tuyến tàu điện RER B bị hoãn nhiều chuyến vì sự cố điện, tới sáng 7-12 vẫn còn một số phần chưa hoạt động. Ngày 7-12, các dịch vụ tại ga Gare du Nord cũng bị đình đốn do mất điện.
Quận trưởng Michel Cadot ở Paris cho biết lệnh cấm các phương tiện giao thông sẽ còn mở rộng tới ngày thứ ba nếu cần thiết. Ông Cadot nói: “Chừng nào tình hình khí tượng vẫn không đổi và mức khí thải vẫn như vậy, chúng ta sẽ không thể mong tình trạng ô nhiễm tăng vọt này chấm dứt”.
Reuters cho biết đây mới chỉ là lần thứ 4 trong 20 năm qua Paris áp dụng một lệnh cấm xe như vậy và cũng là lần đầu tiên lệnh cấm được duy trì trong nhiều ngày liên tiếp.
Theo thông tin mới nhất của Reuters thì ngày 8-12, Paris tiếp tục thực hiện ngày cấm xe hơi thứ 3 sau ngày 6 và 7-12, do mức độ ô nhiễm không khí vẫn còn rất nghiêm trọng.
Các biện pháp giảm tải giao thông đang được áp dụng tại Paris cũng từng được chính quyền Trung Quốc triển khai tại Bắc Kinh, nhằm đối phó với mức độ ô nhiễm không khí tới mức báo động đỏ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 3 triệu người chết vì các nguyên nhân liên quan tới ô nhiễm không khí. Trong khi đó, báo cáo mới nhất của WHO cũng chỉ ra có khoảng 92% dân số thế giới đang sống tại những khu vực mà mức độ ô nhiễm đã vượt quá tiêu chuẩn an toàn của tổ chức này. |
Anh cũng vạ lây
Trong lúc tình trạng ô nhiễm không khí đang ở mức báo động tại thủ đô của Pháp thì các cư dân ở thủ đô London của Anh cũng bị vạ lây, khi khói bụi đã dạt từ Pháp qua Anh. Ngày 6-12, người dân tại London cũng được kêu gọi nên bỏ xe hơi ở nhà trong tình cảnh này, đặc biệt những người ở vùng Westminter.
Các chuyên gia thuộc Trung tâm theo dõi ô nhiễm London Air của Đại học King's cho rằng mức độ khói bụi độc hại tại thủ đô Anh thời điểm này là do không khí ô nhiễm tràn từ Pháp sang.
Chính trị gia Caroline Russell thuộc Đảng Xanh cho rằng việc áp dụng các ngày không xe hơi không thể coi là giải pháp thay thế cho một hành động quyết liệt hơn để giải quyết vấn đề giao thông của thủ đô London.
Theo thống kê của chính quyền thành phố, mỗi năm có gần 10.000 người chết vì các nguyên nhân liên quan tới chất lượng không khí tồi tệ của London.
Chấm dứt xe chạy dầu diesel vào năm 2025 Đầu tháng 12-2016, trong hội nghị thượng đỉnh hai năm một lần của các lãnh đạo thành phố trên thế giới tổ chức tại Mexico, thị trưởng của bốn trong số những thành phố thủ đô lớn nhất thế giới là Paris (Pháp), Mexico City (Mexico), Madrid (Tây Ban Nha) và Athens (Hi Lạp) đã cam kết chấm dứt việc sử dụng các phương tiện chạy bằng dầu diesel vào năm 2025. Với các nhà hoạt động môi trường, quyết tâm mang tính biểu tượng này sẽ gửi đi một thông điệp thay đổi mạnh mẽ tới ngành công nghiệp sản xuất năng lượng liên quan và cả với giới lãnh đạo các thành phố lớn khác trên thế giới. Các động cơ chạy bằng diesel hiện chiếm khoảng 50% thị trường ôtô châu Âu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận