23/10/2015 08:24 GMT+7

Miễn học phí cho giáo sinh: Không thay đổi là lãng phí

TRẦN HUỲNH thực hiện (tranhuynh@tuoitre.com.vn)
TRẦN HUỲNH thực hiện ([email protected])

TT - Hằng năm Nhà nước phải chi khoản ngân sách rất lớn để miễn học phí cho sinh viên khối ngành sư phạm. Trong khi đó, nhiều sinh viên sư phạm tốt nghiệp nhưng lại không theo nghề giáo hoặc thất nghiệp.

Một tiết học tiếng Anh của sinh viên năm 3 khoa Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Một tiết học tiếng Anh của sinh viên năm 3 khoa Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng
- hiệu trưởng Trường
ĐH Sư phạm TP.HCM -
Ảnh: C.T.V

Vậy có nên tiếp tục thực hiện chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm? Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho biết: "Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm được thực hiện đã gần 20 năm nay.

Vào thời điểm đó Chính phủ quyết định thu học phí đại học. Chính sách miễn học phí cho sinh viên các trường sư phạm lúc đó thật sự là phương thức hữu hiệu, nếu không nói là “phương thuốc nhiệm mầu” để thu hút sinh viên. Kết quả là chúng ta đã có một thế hệ vàng những học sinh phổ thông giỏi vào các trường ĐH sư phạm".

Hiện nay Nhà nước không thực hiện phân công công tác sau tốt nghiệp, và cũng chẳng có những ràng buộc pháp lý rõ ràng sau tốt nghiệp nên sinh viên không phải chịu trách nhiệm gì cả. Phần thiệt thòi dĩ nhiên thuộc về Nhà nước, và sự đầu tư như hiện nay là lãng phí

PGS.TS NGUYỄN KIM HỒNG

Phải giải quyết được bài toán việc làm

* Ông đánh giá thế nào về chính sách này khi triển khai trên thực tế, hiện nay vẫn đang áp dụng?

- Như tôi đã nói, giai đoạn đầu chính sách này thật sự có tác dụng thu hút học sinh phổ thông giỏi vào các trường sư phạm.

Nhưng sau này, do tác động của cơ chế thị trường, nhất là khi thu nhập sau tốt nghiệp là yếu tố quyết định việc sinh viên chọn ngành, nên miễn học phí không còn là phương thuốc nhiệm mầu nữa, nhiều học sinh giỏi không chọn nghề giáo.

* Một trong những mục tiêu của việc miễn học phí nhằm thu hút người học, thu hút người tài... Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ cho rằng khoản học phí ưu đãi được miễn suốt bốn năm học không phải là sức hút hấp dẫn và họ chọn nghề khác vì dễ kiếm việc và có thu nhập cao hơn, tương xứng với giá trị lao động của mình.

- Trường sư phạm có rất nhiều sinh viên vốn sinh sống ở nông thôn nên việc miễn giảm học phí rất có ý nghĩa. Nhưng muốn thu hút người tài vào các trường sư phạm thì phải giải quyết được bài toán việc làm (nhiệm sở sau tốt nghiệp) và thu nhập.

Nếu thu nhập của thầy cô vẫn thấp như hiện nay thì khó có người giỏi vào sư phạm.

Duy trì thực hiện chế độ bổ nhiệm viên chức giáo dục

*Có ý kiến cho rằng thay vì miễn học phí, Nhà nước cần có chính sách khác dành cho sinh viên sư phạm, như có quỹ học bổng riêng với giá trị lớn dành cho các thầy cô tương lai để khuyến khích người tài, đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên... Ý kiến của ông về việc này ra sao?

- Tôi ủng hộ việc có chính sách ưu đãi tín dụng cho sinh viên sư phạm (được vay và không phải trả lãi nếu làm việc cho các trường phổ thông, các cơ sở giáo dục ít nhất là năm năm).

Bên cạnh đó, Nhà nước duy trì thực hiện chế độ bổ nhiệm viên chức giáo dục (thay vì phải tự chạy vạy xin việc như hiện nay), cấp học bổng (sinh hoạt phí) đủ sống cho sinh viên giỏi, và sau cùng vẫn phải là có chế độ đãi ngộ giáo viên cho xứng với công sức của họ (chế độ thâm niên là một trong những chính sách tốt, nhưng cần thêm những chính sách khác đảm bảo thu nhập cho giáo viên khi hành nghề)...

* Thực tế cho thấy vấn đề không còn ở chính sách miễn giảm học phí mà nằm trong chính sách tiền lương, kèm các ưu đãi khác dành cho giáo dục thì mới thu hút được học sinh giỏi chọn nghề dạy học... Theo ông, cần có điều chỉnh chính sách thế nào cho phù hợp?

- Đó là việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp. Nhà nước phải quy hoạch lại những trường được đào tạo giáo viên.

Theo tôi, chỉ cần khoảng 10 trường (hoặc khoa) đào tạo giáo viên là đủ cung cấp giáo viên cho cả nước. Trong đào tạo khối ngành sư phạm, chúng ta cần tinh hơn là cần số lượng. Hai là cải thiện chế độ tiền lương (thu nhập). Và thứ ba là bổ nhiệm viên chức giáo dục trong các cơ sở giáo dục.

Làm được vậy chất lượng giáo dục sẽ tăng. Nên nhớ, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, cho tương lai.

Cần có điều chỉnh phù hợp hơn

Ở góc độ của cơ quan đại diện cho nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Hải Thập (phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục Bộ GD-ĐT) cho rằng mỗi chính sách thường chỉ có giá trị trong một giai đoạn lịch sử, đến giai đoạn tiếp theo cần có điều chỉnh phù hợp hơn.

Nhưng chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm thực hiện từ năm 1997 đến nay chưa hề được điều chỉnh.

“Trước đây, học phí là gánh nặng nên thí sinh và gia đình tìm đến các cơ sở giáo dục để không phải đóng học phí. Bây giờ, học phí không còn là gánh nặng với nhiều gia đình như trước thì cần thiết phải điều chỉnh chính sách. Thực tế, vấn đề này đã từng được đặt ra để nghiên cứu, nhưng đúng là chưa được đưa vào văn bản cụ thể nào” - ông Thập nói.

Theo ông, ngành sư phạm đào tạo giáo viên là một ngành đặc thù vẫn cần có chính sách ưu đãi riêng, thể hiện đúng quyết tâm coi giáo dục là quốc sách hàng đầu.

“Thứ nhất là cần điều chỉnh chính sách để tính đúng, tính đủ trong chi phí đào tạo sinh viên sư phạm. Thứ hai, phải có chính sách phù hợp cho giáo viên, để chính sinh viên khi vào trường nhìn thấy được tương lai sau này của mình, thêm gắn bó với nghề. Thứ ba, cần nâng cao tiêu chí tuyển sinh sư phạm, sàng lọc được người giỏi.

Tất nhiên, để thực hiện được điều thứ ba thì phải thực hiện tốt hai giải pháp đầu tiên” - ông Thập nói.

NGỌC HÀ

TRẦN HUỲNH thực hiện ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp