Cảng quốc tế Long An có thể tiếp nhận tàu biển đến 30.000 DWT - Ảnh: T.T.D.
Ngày 3-7, ông Nguyễn Thành Thanh - trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An - cho biết tỉnh đang khẩn trương thực hiện các thủ tục xin Chính phủ điều chỉnh mở rộng Khu công nghiệp (KCN) Xuyên Á (giai đoạn 3) với diện tích khoảng 177,09ha tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa.
Đồng thời, Long An cũng xin Chính phủ giảm diện tích hơn 767ha của KCN Long Hậu 3 tại huyện Cần Giuộc (tổng diện tích 891ha) và xin quy hoạch lại, điều chỉnh bổ sung diện tích KCN này thành 867ha tại vị trí khác ở xã Long Hậu, Tân Tập thuộc huyện Cần Giuộc.
Ông Thanh cho biết đó là kết quả một phần của đề án rà soát các KCN với mục tiêu rà soát tổng thể các KCN trên địa bàn tỉnh, trình Thủ tướng xem xét cho phép điều chỉnh, bổ sung.
Theo ông Thanh, việc xin điều chỉnh, bổ sung quy hoạch công nghiệp tại tỉnh Long An hiện nay đang thực hiện khẩn trương để tận dụng cơ hội đón làn sóng đầu tư sau đại dịch COVID-19 nhằm phát triển kinh tế của địa phương.
Thực tế trong vòng 2 tháng gần đây đã có 5 nhà đầu tư khởi công xây dựng hạ tầng KCN, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh.
"Mới nhất là CCN Hải Sơn - Đức Hòa Đông đi vào hoạt động, trước đó là các KCN Silico - Đức Hòa 3, KCN Việt Phát, KCN An Nhựt Tân, KCN IDICO Hựu Thạnh. Đây là một tín hiệu vui và cho thấy hơi hướng một làn sóng đầu tư công nghiệp vào Long An đang bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ", ông Thanh nhận định.
Theo ông, hiện tượng đầu tư mạnh tại Long An là do diện tích đất có khả năng cho thuê tại một số KCN ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu… ngày càng bị thu hẹp, nên một số doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN ở nơi khác có năng lực và kinh nghiệm gần đây đã đến Long An xin đầu tư hạ tầng KCN.
Cũng vì thế, nhiều KCN như KCN Hải Sơn, KCN Thuận Đạo mở rộng diện tích lên đến lần thứ 2 hoặc thứ 3 nhưng vẫn đạt tỉ lệ lấp đầy cao, cần thêm nhu cầu mở rộng.
Ông Trịnh Văn Hải - tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Sơn, chủ đầu tư đang xin chủ trương mở rộng KCN Xuyên Á - cho biết: "Sau 18 năm đầu tư làm khu, cụm công nghiệp ở Long An, hiện Hải Sơn đã có hơn 500 đối tác sẵn sàng tham gia hợp tác. Tuy nhiên, diện tích KCN mà chúng tôi hiện nay đang sở hữu chưa đủ để khai thác hết tiềm năng, nên việc xin mở rộng KCN là rất cấp bách.
Hay như CCN Hải Sơn - Đức Hòa Đông vừa mới khởi công lúc đầu chỉ tính làm phương án cụm, nhưng hiện nay vừa đi vào hoạt động đã có nhu cầu cao từ phía đối tác và chúng tôi cũng bắt đầu các thủ tục để xin chuyển lên KCN".
Doanh nghiệp tìm đất nhờ sân bay Long Thành
Ông Võ Tấn Đức - chủ tịch UBND huyện Long Thành (Đồng Nai) - cho biết đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đổ vốn vào địa bàn, đầu tư ở các lĩnh vực, ngành nghề có liên quan đến dự án sân bay quốc tế Long Thành. Chẳng hạn đã có nhà đầu tư muốn thuê đất ngoài KCN đầu tư làm khu đô thị thông minh với diện tích khoảng 900ha để phát triển các ngành nghề có liên quan.
"Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã đăng ký các thủ tục đầu tư để làm các khu công nghiệp, dịch vụ logistics với quy mô khoảng 8.000ha…" - ông Đức khẳng định.
Đại diện Công ty CP Sonadezi Long Thành (SZL) - đơn vị cho thuê hạ tầng - cho biết đang đẩy mạnh phát triển nhà xưởng cho thuê với tổng quỹ đất dành cho sản phẩm này khoảng 100ha.
Còn đại diện Sonadezi Long Bình dự báo thời gian tới sẽ là thời điểm của các sản phẩm nhà xưởng cao tầng, nhà xưởng xây sẵn tích hợp các dịch vụ và công nghệ 4.0, đặc biệt là ở các khu vực mà nguồn cung đất công nghiệp ngày càng hạn chế như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... và một số đô thị, địa phương lân cận.
HÀ MI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận