Băng giá bao phủ trên đỉnh Mẫu Sơn - Ảnh: MINH ĐỨC
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay hôm qua Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục rét hại.
Sáng 10-1, nhiệt độ tại Hà Đông (Hà Nội) là 10 độ C, Đồng Văn (Hà Giang) 1,2 độ C, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 1,8 độ C, Mộc Châu (Sơn La) 1,9 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -2 độ C, Sa Pa (Lào Cai) -0,7 độ C.
Băng giá tiếp tục xuất hiện ở nhiều vùng núi cao như Mù Cang Chải (Yên Bái), Tà Xùa (Sơn La), Ô Quy Hồ (Lào Cai)…
Theo ông Hoàng Phúc Lâm - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ đêm 10-1 do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời tiếp tục rét hại với nhiệt độ thấp nhất 7-10 độ C, vùng núi 4-7 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C và có khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá.
"Ở miền Bắc sẽ chuyển rét khô, ngày nắng, đêm rét buốt, băng giá sẽ giảm dần nhờ có nắng. Rạng sáng và ngày 11-1, dọc dãy Hoàng Liên Sơn có thể có mưa tuyết" - ông Lâm nhận định.
Riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế nhiệt độ 9-12oC, các tỉnh thành từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi nhiệt độ thấp nhất phổ biến 15-18oC, Tây Nguyên đêm và sáng trời rét. Khu vực Nam Bộ, từ đêm 10 đến 17-1, đêm không mưa, ngày nắng, đêm và sáng sớm trời lạnh.
ĐBSCL đối mặt với đợt mặn xâm nhập
Trong khi đó, từ ngày 11 đến 20-1 ở Đồng bằng sông Cửu Long mặn xâm nhập với xu thế tăng dần và đạt mức cao nhất tuần vào ngày 14 đến 16-1, sau đó giảm chậm. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất cùng kỳ 2020, phạm vi mặn xâm nhập từ 35-55km.
Dự báo mặn xâm nhập vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2020-2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020.
Các đợt mặn xâm nhập cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2, tháng 3; riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 và 4, sau đó giảm dần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận