Cụ thể, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén bởi bộ phận áp cao lục địa ở phía Bắc nên từ chiều tối và đêm mai (23-7) ở khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông.
Từ ngày 24-7 mưa dông sẽ mở rộng xuống khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế và có thể kéo dài trong vài ngày tới. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố lốc, mưa đá và gió giật mạnh.
Đợt mưa này khiến trên các sông suối vùng núi phía Bắc có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lên từ 1-2m. Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cũng cho biết trong 3 ngày qua ở trung và thượng lưu sông Mê Kông đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa từ ngày 19-7 đến 7 giờ ngày 22-7 phổ biến từ 100-200mm, có nơi cao hơn như: Mường Mai (Lào): 593mm, Mahaxai (Lào): 598mm, Thakhet (Lào): 374mm, Nakhonphanon (Thái Lan): 354mm. Đợt mưa này khiến lũ ở trung và thượng lưu sông Mê Kông đang lên nhanh.
Do vậy, mực nước đầu nguồn sông sông Cửu Long đang lên. Mực nước cao nhất ngày 21 -7 trên sông Tiền tại trạm Tân Châu là 1,35m, trên sông Hậu tại Châu Đốc 1,41m ( thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,3-0,7m).
Dự báo trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh với cường suất 8-15cm/ngày.
Đến ngày 2- 8, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 2,4m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 2,15m, sau đó biến đổi chậm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận