29/06/2014 10:10 GMT+7

Miền Bắc lo viêm não Nhật Bản, phía Nam ngại tay chân miệng

LAN ANH
LAN ANH

TT - Số ca mắc viêm não Nhật Bản ở các tỉnh thành phía Bắc đã gia tăng nhanh trong tháng 6.

nu21plFX.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư khám cho một trẻ bị viêm não Nhật Bản - Ảnh: Thụy Anh

Còn tại các tỉnh phía Nam, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết số ca mắc tay chân miệng đang gia tăng cục bộ.

Gia tăng dịch bệnh

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết so với tuần trước, số ca mắc tay chân miệng trong tuần này đã tăng 9%, ở mức 2.000 ca mắc mới. Theo ông Phu, mặc dù dự đoán từ đầu năm 2014 số mắc tay chân miệng năm nay sẽ tăng cao theo chu kỳ dịch, nhưng thực tế đến nay (đang ở đỉnh dịch thứ nhất trong năm, đỉnh dịch thứ hai là tháng 9-11) tổng số ca mới từ đầu năm vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2013, nhưng lại gia tăng cục bộ ở các tỉnh phía Nam, kể cả TP.HCM.

Trong khi đó, các tỉnh thành phía Bắc lại đang nóng dịch viêm não Nhật Bản. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Hà Nội đã có chín ca mắc viêm não Nhật Bản trong tháng vừa qua. Còn tại Bệnh viện Nhi T.Ư, hiện có 10/36 bệnh nhi đang điều trị tại khoa truyền nhiễm là bệnh nhân viêm não Nhật Bản. Thống kê từ đầu năm 2014 đã có 30/135 bệnh nhi viêm não điều trị tại khoa này là mắc viêm não Nhật Bản, nhưng có đến 28 ca trong đó vào viện trong tháng 6.

Theo bác sĩ Bùi Vũ Huy - trưởng khoa nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, vật chủ truyền virút gây viêm não Nhật Bản là heo. Heo mang virút nhưng không có biểu hiện bệnh, trong khi đó muỗi đốt heo bệnh và lại đốt sang người sẽ truyền virút viêm não Nhật Bản. Đầu những năm 2000, khi chương trình tiêm ngừa viêm não Nhật Bản mới được triển khai ở quy mô nhỏ, có đến 60%/tổng số ca mắc viêm não ở VN là viêm não Nhật Bản, nhưng năm 2013 và sáu tháng đầu 2014 tỉ lệ này còn mức 9%. Tuy nhiên tại Bệnh viện Nhi T.Ư, số mắc bệnh viêm não Nhật Bản vào viện lên đến trên 20%/tổng số bệnh nhi viêm não các thể.

Nên tiêm ngừa đúng lịch

Theo ông Nguyễn Trần Hiển - chủ nhiệm dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, năm nay là năm đầu tiên văcxin viêm não Nhật Bản được cấp miễn phí đến 100% các huyện thuộc 63/63 tỉnh thành trong cả nước (năm 2013 chương trình chỉ triển khai ở 90% số huyện). Ông Hiển nhắc các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm văcxin viêm não Nhật Bản B theo đúng lịch tiêm chủng, đây là biện pháp phòng viêm não tốt nhất hiện nay. Tại Hà Nội đã có 80.000 trẻ vừa được tiêm ngừa viêm não cuối tuần trước, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ triển khai một đợt tiêm ngừa tiếp tục để đảm bảo tỉ lệ trẻ được tiêm ngừa viêm não Nhật Bản đạt 95% trong độ tuổi.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, phó trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư, khuyến cáo cha mẹ thấy trẻ có biểu hiện sốt, co giật, nôn vọt, cứng gáy... nên sớm đưa vào bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để trẻ ở nhà tự điều trị và có thể gặp biến chứng nguy hiểm. Với bệnh tay chân miệng, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là rửa tay sạch cho trẻ và người chăm sóc, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chế biến thức ăn cho trẻ. Gia đình và các trường mẫu giáo cũng cần thường xuyên rửa sạch đồ chơi, mặt sàn nhà bằng xà phòng hoặc dung dịch khử trùng để phòng bệnh.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp