05/01/2019 12:33 GMT+7

Mia Nguyễn: 'Tôi từng phải sống hai cuộc sống khác nhau'

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Mia Nguyễn là người được cộng đồng những người chuyển giới ở Việt Nam tôn trọng, ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ vì chị rất “phụ nữ”, nói năng nhẹ nhàng, tự tin, cử chỉ duyên dáng, có học thức và có một tình yêu trọn vẹn.

Mia Nguyễn: Tôi từng phải sống hai cuộc sống khác nhau - Ảnh 1.

Chị Mia Nguyễn hạnh phúc cùng chồng - Ảnh: NVCC

Để có những điều ấy, Mia Nguyễn trải qua một hành trình vất vả nhưng đầy nghị lực, luôn tin vào bản thân mình.

Chị là người chuyển giới đầu tiên làm việc trong tổ chức phi chính phủ thuộc Bộ Xã hội Úc.

Chị tham gia các hoạt động nhằm đẩy mạnh quyền của cộng đồng LGBT, bình đẳng giới và thúc đẩy để luật chuyển đổi giới tính được thông qua tại Việt Nam. Chị giảng dạy cho sinh viên ngành tâm lý về sức khỏe tâm trí và tính dục...

Biến điểm yếu thành cơ hội tỏa sáng

Như bao người chuyển giới khác, từ nhỏ Mia Nguyễn đã bị bạn bè kỳ thị, trêu chọc, bị chọi đá, bị chửi mắng khi bộc lộ tính cách yếu đuối, nữ tính. Cái tên Đức luôn dính với các từ "bêđê", "bóng lại cái"...

Quãng thời gian từ lớp 1 đến lớp 8 là ngày tháng áp lực nhất. "Tôi phải sống hai cuộc sống khác nhau. Xuất hiện trước mẹ, thầy cô giáo, bạn bè là đứa con trai vui vẻ. Về nhà, tôi thường ngồi trong căn phòng riêng để tự vấn mình là ai, có bị bệnh không, điều ấy có xấu không..." - Mia Nguyễn nhớ lại.

Mệt mỏi, hoang mang nhưng chị luôn ý thức phải học thật tốt, tự lập và có sự cầu tiến cao. Ngoài giờ học, chị biết ra chợ bán hàng, đêm ngủ lại chợ coi hàng cho người ta kiếm chút tiền đi học.

Đến năm lớp 8, thầy cô phát hiện chị có khả năng viết văn tốt, đưa chị vào lớp chọn văn và chị biến điều ấy thành thế mạnh của mình. Chị đọc thật nhiều sách, được đi thi học sinh giỏi văn, bạn bè dần có cách nhìn khác về chị.

"Điểm yếu không phải là điểm chết, nếu biết vận dụng điểm yếu thì nó sẽ biến thành điểm mạnh. Thay vì chấp nhận sự trêu ghẹo ác ý thì tôi nhân cơ hội để mọi người nhớ đến mình theo cách tốt nhất, gần gũi nhất - Mia Nguyễn kể lại - Tôi vốn rất yếu, đánh nhau không đánh nổi, bạn chửi không chửi lại được. Tôi nhận ra rằng để không bị ăn hiếp, một là chơi với các bạn quậy nhất, hai là mình học thật giỏi và chơi với các bạn giỏi để các bạn bảo vệ mình. Đó cũng là một cách để mình sinh tồn".

Visa thay đổi cuộc đời

17 tuổi, Mia Nguyễn rời quê lên Sài Gòn học. Chị thi vào ngành văn hóa du lịch của Trường đại học Văn hóa TP.HCM. Vừa học, chị vừa đi làm kiếm tiền tự lo cho mình. Năm 2 đại học chị làm chính thức cho một công ty du lịch. Học đến năm 3 thì em trai vào đại học, chị bắt đầu lo cho em trai. Ra trường đi làm, chị vừa nuôi em ăn học, vừa bắt đầu gửi tiền về lo cho mẹ, cho bà ngoại.

Ở tuổi 24, đó là lúc chị nghĩ đến việc đi ra nước ngoài, phải đi tìm xem mình là ai. Chị quyết định nộp hồ sơ đi Úc du học và đã đậu visa. "Đi để tìm xem mình là ai, hạnh phúc của mình ở đâu. Cuộc sống ở phía bên kia - một nền văn hóa hoàn toàn khác với đất nước mình thì mình có được hạnh phúc hay không?" - chị kể.

Visa đi Úc lúc ấy đã thay đổi cuộc đời chị, còn phẫu thuật chuyển giới sau này chỉ là cột mốc.

Học làm phụ nữ ở Úc

Khăn gói sang Úc, chị xin làm bất cứ công việc nào có thể kiếm được tiền, từ rửa chén thuê, phục vụ quán bar vào buổi tối, bán hàng ngoài chợ trời vào cuối tuần. Chăm chỉ quét dọn, lau tủ đựng sản phẩm... ở tiệm làm tóc một thời gian, chị được cho gội đầu và học được cái nghề để kiếm thêm tiền. Chị lên mạng tìm hiểu rất nhiều thông tin bằng tiếng Anh về người chuyển giới trên khắp thế giới. Cảm giác mình thuộc về cộng đồng ấy và câu hỏi "mình là ai" sau bao năm đã được giải tỏa.

Ba năm sau ngày đến Úc, Mia Nguyễn đã tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh. Trong hai năm sau ấy, chị vừa kiếm tiền sinh tồn, vừa dành dụm tiền để bay sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới vào năm 2011 - lúc ấy chị 28 tuổi. Không đủ tiền, phải mượn thêm nhưng chị vẫn quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành một người phụ nữ, được sống với con người thật của mình.

Phẫu thuật xong, Mia Nguyễn về lại Việt Nam thăm mẹ. Thế nhưng cuộc gặp gỡ ấy làm mẹ chị rất buồn. Buồn vì trước đây bà còn hi vọng một ngày nào đó con mình sẽ thay đổi và bà sẽ không bị mất đi đứa con trai. Thế nhưng "cô con gái từ trên trời rơi xuống" ấy nhắc người mẹ biết rằng mọi hi vọng đã hết.

Mia Nguyễn rơi nước mắt nhớ lại khoảnh khắc: "Lúc đó, bà nói thôi con đi về Úc đi, con đừng ở Việt Nam nữa. Ở Việt Nam không ai chấp nhận con hết. Rồi ai sẽ cưới con, công việc của con thế nào, sau này không có con cái thì ở với ai. Ở Úc còn có viện dưỡng lão, môi trường bên đó hợp với con, con đừng về nữa...". Nghe lời mẹ, Mia Nguyễn nghẹn lòng quay về Úc. Khoảng thời gian 2-3 tháng sau đó, chị nghĩ rất nhiều về cuộc sống, suy nghĩ rằng tương lai không thể cứ đi làm tóc.

Từng bước nhỏ thay đổi cái nhìn của xã hội

Từ những điều dai dẳng mà chính bản thân không tìm được câu trả lời, không có ai giải đáp cũng như hỗ trợ, Mia Nguyễn quyết định thi và theo học đại học ngành tâm lý học hành vi. Khi ấy chưa có nhiều người chuyển giới theo ngành tâm lý nên chị muốn học để hỗ trợ những người yếu thế như mình. 

Cũng có người từng nói với Mia Nguyễn rằng dù có học đại học, thạc sĩ hay gì đi chăng nữa thì người chuyển giới cũng không xin được việc vì chẳng ai nhận. Vì thế, chị muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng: "Người chuyển giới được quyền bình đẳng trong xã hội, có thể làm được mọi thứ nếu bản thân cố gắng!".

Trước đó, từ năm thứ 2 đại học ngành tâm lý, chị đã đi làm tình nguyện viên cho Hội Chữ thập đỏ Úc, tình nguyện viên cho dự án chăm sóc sức khỏe người già, đến các viện dưỡng lão để nghiên cứu tâm lý người già và nói chuyện để họ đỡ cô đơn vào dịp cuối tuần...

Chị cũng là người chuyển giới đầu tiên làm trong một tổ chức giúp đỡ người yếu thế thuộc Bộ Xã hội Úc tính đến thời điểm ấy.

Chị là Mia Nguyễn (35 tuổi, quê Bến Tre, tên khai sinh là Nguyễn Công Đức) - một người chuyển giới nữ. Từ ngày còn rất nhỏ, Mia Nguyễn vẫn luôn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "Mình là ai".

Ngày ấy thông tin về cộng đồng LGBT không nhiều. Khi còn ở tuổi học trò, chị viết thư hỏi một tờ báo: "Em sinh ra là nam nhưng có tính tình rất yếu đuối của con gái và em thích một người con trai khác. Vậy em là ai?". Lúc đó báo trả lời đó là người đồng tính. Chị cũng tin rằng mình là người đồng tính.

LGBT là tên viết tắt của cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (lesbian), đồng tính luyến ái nam (gay), song tính luyến ái (bisexual) và hoán tính hay còn gọi là người chuyển giới (transgender).

Trở về sau 11 năm

mai1

Chị Mia Nguyễn tin rằng: “Người chuyển giới được quyền bình đẳng trong xã hội, có thể làm được mọi thứ nếu bản thân cố gắng!” - Ảnh: NVCC

Trong thời gian học ngành tâm lý, Mia Nguyễn đã gặp gỡ anh Austin Rennie vào năm 2013. Lúc biết chị là người chuyển giới, anh bất ngờ nhưng sau đó vẫn yêu thương và quyết định gắn bó với chị. Gia đình anh cũng đã chấp nhận chị. Cả hai đã làm lễ đính hôn trước gia đình. Năm 2017, Mia Nguyễn và Austin Rennie đã đăng ký kết hôn. Ở Úc, hôn nhân của chị và anh Austin được pháp luật Úc công nhận. Tuy nhiên, khi về Việt Nam thì chị gặp rất nhiều khó khăn vì trên giấy tờ giới tính và tên khai sinh của chị vẫn là nam.

Bỏ tất cả ở Úc để về sống tại Việt Nam - đó là quyết định không dễ dàng. Tuy nhiên, chị đã chọn mẹ mình, đã ở lại Việt Nam và bắt đầu lại từ đầu. Chị nhận một bé gái làm con nuôi.

"Anh Austin cùng tôi về Việt Nam định cư. Anh làm cho một công ty âm nhạc với công việc là thiết kế các chương trình ca nhạc cho các nhà hàng, khách sạn, sòng bài... trên khắp thế giới nên có thể làm việc từ xa" - Mia Nguyễn cho biết.

Rơi nước mắt lắng nghe người chuyển giới Cấp phép thi người đẹp chuyển giới và công nhận hoa hậu chỉnh sửa? Hoa hậu Hoàn vũ Tây Ban Nha là một người chuyển giới
MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp