Phóng to |
Các chuyên gia tiếp tục phân tích dữ liệu và tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia - Ảnh: CNN |
Hôm qua 6-4, một tàu tuần tra của Trung Quốc nhận được hai tín hiệu âm thanh ở phía nam Ấn Độ Dương, người đứng đầu bộ phận hợp tác tìm kiếm của Úc đã nói đó là “một đầu mối quan trọng với nhiều dấu hiệu tích cực”. Các điều tra viên hi vọng các tín hiệu âm thanh này phát ra từ những máy ghi dữ liệu trên máy bay, nhưng họ chưa thể chắc chắn.
Dưới đây là bốn lý do để tin tưởng và sáu lý do để nghi ngờ, theo Hãng tin CNN.
Những lý do để tin tưởng
1) Tần số âm thanh không có trong tự nhiên
Theo Hãng tin Tân Hoa xã, tàu tuần tra Haixun 01 (Hải Tuần 01) của Trung Quốc đã xác định được các tín hiệu âm thanh ở tần số sóng 37,5 kHz, cùng tần số phát với hộp đen trên máy bay và việc lựa chọn tần số này không hề ngẫu nhiên, do trong tự nhiên không có thứ gì phát ra tần số tương tự.
2) Có hai lần phát hiện tín hiệu âm thanh khác nhau
Tàu Haixun 01 báo về là các tín hiệu âm thanh phát hiện được cách nhau khoảng 2km. Thượng tướng không quân Angus Houston, chỉ huy trưởng của Trung tâm phối hợp tìm kiếm, nói đó là những lần nhận âm thanh “lướt nhanh qua”, một lần kéo dài khoảng 90 giây, lần kia ngắn hơn. “Việc chúng ta nhận được hai lần tín hiệu âm thanh khác nhau ở cùng một khu vực hứa hẹn cần điều tra toàn diện hơn ở khu vực đó”, Houston nói.
3) Những tín hiệu âm thanh “ping” là dễ nhận biết
Trong điều kiện lý tưởng, các tiếng “ping” rất dễ nhận biết, như tiếng máy đánh nhịp hoặc tiếng âm thanh báo hiệu máy tính đã được kết nối mạng, với mức độ rung ổn định của tần số cứ một lần mỗi giây.
4) Gần với địa điểm xác định ban đầu
Theo các phân tích mới nhất của Công ty dữ liệu vệ tinh Inmarsat, Haixun 01 đang ở đúng khu vực cần tìm kiếm. “Đó là khu vực nhiều khả năng nhất, chúng tôi nghĩ giờ là ở phía nam khu vực đó, khá gần với nơi Haixun 01 đang hoạt động”, Houston nói.
Sáu lý do để nghi ngờ
1) Đại dương rất ồn ào
Các tín hiệu âm thanh bắt được trong thời gian gần nhau cho thấy đại dương ồn ào ra sao. Tàu của Anh HMS Echo cũng từng ghi nhận được một tín hiệu âm thanh như thế, nhưng sau đó không định vị được gì. Tàu Ocean Shield của hải quân Úc có trang bị các hệ thống nhận dạng sóng âm tinh vi cũng phát hiện tín hiệu ở một khu vực khác về phía bắc vùng tìm kiếm, cách vị trí của tàu Haixun 01 khoảng 560km.
2) Chỉ một lần rung cho mỗi tín hiệu âm thanh nhận được
Haixun 01 chỉ ghi nhận được một lần rung cho mỗi tín hiệu âm thanh mà tàu bắt được. Nếu như thiết bị phát tiếng “ping” trong hộp đen còn hoạt động, còn ở gần hộp đen và không bị địa hình hay các mảnh vỡ cản đường (đó là một giả thiết khá rủi ro) thì tàu Haixun lẽ ra phải nhận được hai tiếng “ping”.
3) Không trong điều kiện hoàn hảo
Các tiếng “ping” dễ phát hiện trong điều kiện hoàn hảo, nhưng điều kiện hiện giờ không hề hoàn hảo.
4) Tiếng “ping” có thể từ chính chiếc tàu
Một đoạn video quay lại tàu Haixun 01 cho thấy trên tàu có vẻ cũng có một thiết bị phát tiếng “ping” dự phòng. Anish Patel, chủ tịch Hãng chế tạo thiết bị phát tiếng “ping” Dukane Seacom, nói không nên để một thiết bị như thế ở gần khu vực mà bạn đang cố tìm kiếm một tiếng “ping” khác. Nếu thiết bị bị ướt, nó sẽ bắt đầu phát đi sóng âm có thể gây nhiễu loạn cuộc tìm kiếm.
5) Thiết bị trên tàu được thiết kế cho vùng nước nông
Thiết bị nghe sóng âm của Trung Quốc “được thiết kế cho các vùng nước nông” chứ không phải vùng nước sâu, theo lời Thomas Altshuler thuộc Hệ thống theo dõi tín hiệu viễn thông hải dương, một hãng chế tạo các thiết bị nghe trong điều kiện dưới nước, cho biết.
6) Cuộc tìm kiếm dưới đáy biển mới chỉ bắt đầu
Khu vực tìm kiếm quá rộng và cuộc tìm kiếm cho khu vực đáy đại dương mới chỉ bắt đầu, rất khó tin là các đơn vị tìm kiếm nhận được tiếng “ping” sớm như thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận