Start-up Riolish - Video: C.NHẬT - T.UYÊN - M.HUỲNH - H.TRIỀU - D.HƯỜNG - Q.HUY
Tự học lập trình, đi phát tờ rơi
Chia sẻ về giấc mơ start-up, anh cựu cán bộ Đoàn Văn phòng UBND huyện Cần Giờ cho biết bản thân từng tốt nghiệp hai trường là Học viện Hành chính quốc gia và ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM).
"Điều tôi khát khao chinh phục nhất là tiếng Anh, vì cơ hội phát triển bản thân sẽ tăng cao nếu giỏi ngoại ngữ. Tiếc là việc học tiếng Anh của tôi cũng như những bạn trẻ Cần Giờ trước đây quá khó khăn, chẳng hạn tôi từng chạy xe hơn 60 cây số, đón phà vào trung tâm thành phố để học tiếng Anh sau giờ tan sở. Có những ngày về đến nhà là gần 12h khuya, mệt lả", Tấn Cảnh nhớ lại khoảng thời gian trước khi nhận học bổng toàn phần chương trình cao học ĐH Công nghệ Swinburne (Úc).
Huỳnh Tấn Cảnh (thứ hai từ trái sang) là một trong 30 gương mặt khởi nghiệp được vinh danh tại giải thưởng Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2022 - Ảnh: BSSC
Khi hoàn thành chương trình học và trở về nước, Tấn Cảnh có được vị trí tốt, thu nhập cao tại một tập đoàn lớn. Tuy nhiên vài năm sau, anh quyết định "ra riêng", thành lập Công ty tư vấn giáo dục Vinh Danh Education, vì đau đáu với câu chuyện giải "bài toán" học tiếng Anh cho con nhà nghèo năm nào.
Con đường khởi nghiệp công nghệ chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là với "kẻ ngoại đạo" như Tấn Cảnh. Do thiếu nhiều kiến thức và sự chuẩn bị cần thiết, anh từng phải bán một căn nhà để trả nợ, chia tay người mình rất yêu thương, nhân sự giỏi trong công ty liên tục ra đi...
Thời điểm đội ngũ công nghệ thông tin tan vỡ, niềm hy vọng về một ứng dụng hỗ trợ tiếng Anh bị lung lay. Dẫu vậy, Tấn Cảnh không bỏ cuộc, quyết tự đi học lập trình và bắt đầu ngồi code ở tuổi 35. Việc quay lại giảng đường và ngồi chung với những học viên tuổi cách mình cả một thế hệ đầy thử thách. Có những kiến thức lập trình bạn chung lớp đọc chỉ một lần là rõ, còn Tấn Cảnh phải đọc đến 10 lần mới lờ mờ hiểu, "dày mặt" đi hỏi và học lại nhiều lần.
Khi sản phẩm dần thành hình, anh lại rơi vào tình trạng cạn kiệt về tài chính. Không còn tiền, chàng thạc sĩ từ Úc chấp nhận đi phát tờ rơi trên đường phố để giới thiệu "đứa con tinh thần" của mình đến mọi người.
Huỳnh Tấn Cảnh (đứng) trao đổi công việc với các cộng sự - Ảnh do nhân vật cung cấp
Không ngừng cải tiến, sống sót qua đại dịch
Năm 2020, lúc Tấn Cảnh và các cộng sự đang đứng đường phát tờ rơi giới thiệu Trợ lý Anh ngữ Riolish, anh gặp lại người bạn là thủ lĩnh thanh niên một đơn vị từng cùng tham gia chiến dịch Mùa hè xanh thời còn học ở Học viện Hành chính. "Người bạn đó thương mình nên hỗ trợ kết nối với các hệ thống Đoàn, Hội", anh nhớ lại.
Đến nay bộ khung năng lực Anh ngữ ứng dụng Riolish đã hoàn thiện 52 chủ đề với 280 cấu trúc, 4.500 cụm từ phổ biến, một API chuyên cung cấp và xử lý dữ liệu của người học và một nền tảng web để tạo nội dung giáo trình và dạy học trực tuyến... sau 250.000 dòng code.
Ứng dụng hiện đã có trên cả hai nền tảng Android và IOS, tiếp cận hơn 20.000 người dùng. Rất nhiều cán bộ Đoàn, Hội và học sinh, sinh viên ở các vùng sâu, vùng xa đã được tặng mã học miễn phí từ Riolish. Gần đây nhất, Tấn Cảnh được mời làm giám khảo các cuộc thi tiếng Anh của Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM... tổ chức.
"Hiện chúng tôi đã tích hợp nhiều chức năng quan trọng trong ứng dụng, như mô hình Quick Learn giúp người học có thể học 30 từ vựng chỉ trong vòng 3 phút, mô hình Dictation giúp tái hiện tính năng đọc chính tả, giúp người học có thể viết lại những câu đã nghe, mô hình Interactive Exercise giúp người học có thể mô tả lại các bức tranh ảnh theo thông tin và cấu trúc gợi ý... Dĩ nhiên ứng dụng vẫn còn nhiều lỗi về trải nghiệm, chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý, thông cảm để sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn", Tấn Cảnh cho biết.
Chia sẻ về câu chuyện start-up vẫn sống sót qua đại dịch, anh cho biết đội ngũ phải linh động, liên tục thay đổi, nhất là khi trong nhóm có bạn trở thành F0. Chẳng hạn các bạn áp dụng chuyển đổi số, phát triển nền tảng giảng dạy trực tuyến… và không ngừng lắng nghe, tìm hiểu nhu cầu của thị trường.
"Cảm hứng khởi nghiệp" truyền lửa đến giới trẻ
Chuỗi sự kiện Tuổi Trẻ Golf Tournament For Start-up 2022 đã khép lại bằng chương trình talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp", tổng kết, vinh danh và trao giải các start-up tiêu biểu mùa 3 tại Đại học Quốc gia TP.HCM ngày 31-3.
Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa và khích lệ tinh thần khởi nghiệp cho start-up cả nước, báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM triển khai các hoạt động liên quan, thu hút hàng ngàn bạn trẻ và các chuyên gia uy tín tham dự.
Trước đó, các nhà khởi nghiệp trẻ cũng đã được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và được truyền cảm hứng khởi nghiệp từ các golf thủ vào đêm gala tại Long Thành (Đồng Nai).
Đây là hoạt động thường niên nhằm kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn, hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp. Qua đó, khuyến khích tinh thần thể thao, vận động, tạo sự lan tỏa, kết nối các doanh nghiệp, thêm cơ hội giao lưu giữa cộng đồng doanh nhân.
Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng.
Ban tổ chức đã chọn 30 start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, Hưng Thịnh Land, FE Credit, Number 1, An Hòa, Tân Thuận CT&D, Esuhai...; trong đó có giải thưởng đặc biệt trị giá 100 triệu đồng do Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông trao tặng.
MINH HUỲNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận