Trên xe buýt công cộng tại đường phố Seoul, hành khách cũng không đeo khẩu trang - Ảnh: Trần Mạnh |
Hình ảnh này ngay lập tức được một nữ nhà báo Hoa Kỳ đưa lên Facebook của mình kèm theo lời bình: “Các nhà khoa học Hàn Quốc khẳng định thật vô nghĩa khi đeo khẩu trang nếu bạn không bị bệnh”.
Hết giờ làm việc, thử xuống “đại siêu thị” nằm trong lòng đất, ngay dưới Trung tâm hội nghị, triển lãm COEX, lại thêm điều bất ngờ tương tự: hoàn toàn không có gì bất thường!
Vẫn tấp nập kẻ bán người mua, cười nói và chỉ lác đác vài người đeo khẩu trang. Trên đường phố, dưới tàu điện ngầm, trên xe buýt cũng vậy, tại sân bay quốc tế Incheon cũng vậy, cuộc sống cứ bình thường diễn ra...
Có ở Seoul những ngày này mới thấy báo chí thế giới, trong đó có Việt Nam, đang vẽ nên một Seoul đáng sợ và khó gần, không như những gì hiện đại, nhộn nhịp và đáng yêu của thành phố hơn 10 triệu dân nằm bên dòng sông Hán này. Trò chuyện với người dân Seoul mới biết hóa ra sự bình thường đó có lý do của nó.
Từ dân thường, người bán hàng đến công chức đều có thể nói vanh vách MERS đến từ đâu, bệnh nhân đầu tiên từ Trung Đông trở về trải qua bốn bệnh viện khác nhau ra sao, cơ chế lây bệnh, triệu chứng bệnh, cách phòng tránh bệnh như thế nào...
Sống ở một trong những quốc gia phát triển vào loại bậc nhất thế giới về khoa học - công nghệ, gần như mọi người dân Hàn Quốc đều kết nối với Internet. Họ nắm thông tin, hiểu tình hình nên không sợ nhưng cũng không lơ là, mất cảnh giác.
Đến đây chợt nhớ câu chuyện với vị bác sĩ đầu ngành về nhiễm của Việt Nam buổi tối trước khi sang xứ sở kim chi. Lúc đó hơn 9g tối, chuông điện thoại của vị bác sĩ reo lên.
Phía bên kia, một cô (sau này mới biết là phóng viên và đi cùng đoàn) giọng lo ngại: mai em phải đi công tác Hàn Quốc, không biết tính sao đây, thưa bác sĩ...
Vị bác sĩ nửa đùa nửa thật: “Còn tính gì nữa cô, nhà báo là nhà mà khi có việc các nhà khác chạy đi thì nhà báo phải chạy đến”.
Rồi ông thủng thẳng giải thích MERS là bệnh lây qua hô hấp. Triệu chứng chính cũng giống bệnh đường hô hấp do virút: sốt, ho, nặng hơn sẽ thở mệt, nặng nữa suy hô hấp, nhưng virút này có thể gây thêm suy thận. Có bệnh nhân cũng kèm ói và tiêu chảy.
Theo ông, hiểu đường lây và thời gian ủ bệnh là quan trọng nhất cho phòng bệnh. Thời gian ủ bệnh ít nhất 14 ngày. Vì sao phải nhắc đi nhắc lại chuyện này: nếu ra khỏi vùng có bệnh mà 14 ngày không bị bệnh thì không có tiếp xúc với virút và không thể lây cho ai cả.
Chưa đủ 14 ngày sau khi ra khỏi vùng có bệnh vẫn phải theo dõi dấu hiệu phát bệnh. Nói Hàn Quốc hay các nước Trung Đông có bệnh nhân không có nghĩa virút có mọi nơi trên đất nước họ, mà có ở những vùng, những khu nhất định. Vậy “lỡ” đi Hàn Quốc rồi về nhà phải làm gì?
Trả lời câu hỏi này của tôi, vị bác sĩ khẳng định nếu khỏe mạnh thì cứ sinh hoạt, đi làm bình thường và sau 14 ngày thì... quên bệnh này luôn. Nhưng trong vòng 14 ngày thấy sốt, ho là tự mang khẩu trang để bảo vệ những người xung quanh (dù chưa chắc mắc bệnh) và đi khám bệnh...
Hiểu dịch bệnh tất yếu sẽ có cách phòng tránh hiệu quả và không hoang mang, cũng không lơ là. Ngược lại, sợ hãi, mù mờ, né tránh dịch bệnh nhưng lại làm không đúng cách thì cẩn thận đến mấy cũng có thể dính bệnh. Cảm nhận này xuất phát từ những gì đang diễn ra ở Hàn Quốc cũng như từ câu chuyện của bác sĩ nổi tiếng kia.
Việt Nam đủ điều kiện chống dịch nếu MERS-CoV xâm nhập Đây là đánh giá của ông Masaya Kato (Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại VN). Theo ông Kato, hệ thống y tế của VN đủ điều kiện chống dịch, chỉ cần kích hoạt lại hệ thống này và trong tuần qua, liên tiếp các hoạt động được tổ chức kích hoạt toàn bộ hệ thống y tế để chống dịch MERS-CoV. Theo Bộ Y tế, nếu có ca bệnh, các ca đầu tiên được chuyển về tuyến T.Ư. Các ca bệnh kế tiếp điều trị tại chỗ. Bộ Y tế khuyến cáo người dân bình tĩnh, thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân như thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng, hạn chế đến nơi đông người... Trong khi đó bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết ngành y tế TP đã triển khai các hoạt động phòng chống MERS-CoV. Khi phát hiện ca nghi ngờ mắc MERS-CoV ngay từ khâu kiểm dịch của sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm cấp cứu 115 sẽ chuyển ca nghi ngờ đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hoặc Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tùy độ tuổi. Tại Đà Nẵng, Cảng vụ hàng không miền Trung và Sở Y tế TP Đà Nẵng đã họp với đại diện các hãng hàng không có chuyến bay trực tiếp từ Hàn Quốc đến Đà Nẵng. Trung tâm khai thác ga bố trí khu vực cho hành khách khai báo y tế, đồng thời dành riêng luồng vào để không lẫn với khách của các chuyến bay khác, tạo thuận lợi cho việc kiểm tra tờ khai y tế và khử trùng môi trường. |
Người Hàn Quốc bình tĩnh trước dịch bệnh Hội nghị toàn cầu các nhà báo khoa học (WFSC 2015) diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc) đúng thời điểm dịch bệnh MERS đang diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc. Trước lo lắng của nhiều đại biểu, trong đó có những người đã hủy tham gia, ban tổ chức Liên đoàn Các nhà báo khoa học thế giới (WFSJ) 2015 đã gửi thư trấn an mọi người rằng dịch bệnh không đến nỗi phức tạp như báo chí đăng, họ đã chuẩn bị mọi thứ để đảm bảo cho đại biểu tham dự và cả hội nghị. Cô Yoon Kim, giám đốc dự án đào tạo của WFSJ từ Canada đến Hàn Quốc một ngày trước hội nghị, email cho chúng tôi rằng cuộc sống ở Hàn Quốc vẫn bình thường và không có gì đáng phải lo lắng. “Tôi chỉ là một trong số khoảng 10% số người đeo khẩu trang khi đi xe buýt và tàu điện ngầm ở Seoul” - cô Yoon Kim cho biết. Dịch bệnh MERS cũng dẫn đến một sự thay đổi nhỏ trong lịch trình của WFSC 2015, đó là các nhà khoa học đã có buổi nói chuyện với các nhà báo khắp thế giới về tình hình dịch bệnh này tại Hàn Quốc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận