Phóng to |
BS Thảo trong một lần tới thăm Tùng bị liệt nửa người được anh và những người bạn chăm sóc - Ảnh: Thế Anh |
Cứ thế, mỗi ca bệnh nhân nghèo phải chuyển viện anh lại dõi theo họ từng bước đi như chính người thân của mình. Ngày bệnh nhân ra viện, họ tìm đến nhà anh gửi mớ cam, trái bưởi để cảm ơn, anh gạt phăng: “Chuyện có chi mô mà mần dữ rứa hè. Về nhà nằm cho khỏe, khi mô khá giả thì giúp ai đó trong xóm còn nghèo là tui vui rồi...”.
Lời hứa cho bữa cơm trưa
Ở Bệnh viện Duy Xuyên (Quảng Nam), BS Nguyễn Ngọc Thảo là người thường xuyên đứng ra bảo lãnh cho những bệnh nhân nghèo. Gặp người suy sụp về tinh thần, tranh thủ sau giờ làm anh ghé lại kể vài câu chuyện tiếu lâm để giúp bệnh nhân ổn định tâm lý. Gặp người nghèo khó, anh chạy vạy đi vận động người này người kia để lo cho họ hộp sữa, bát cơm.
Anh tâm sự: “Bệnh nhân ở đây chủ yếu là người nghèo ở quê. Ngoài tiền uống thuốc, chữa trị, họ chẳng còn tiền để bồi dưỡng sức khỏe, vì thế bệnh này chồng lên bệnh khác. Người nhà đi nuôi chỉ dám ăn mì gói qua bữa, nhiều khi người bệnh vừa xuất viện thì người nuôi lại nhập viện...
"Tui chỉ mong làm sao đó để khi nhắm mắt không cảm thấy hối hận vì điều gì cả. Mục đích của tui chỉ là đi tìm sự thanh thản và vui vẻ cho bản thân mình, mà không gì thanh thản và vui vẻ bằng cách chia sẻ với những người xung quanh!" BS Nguyễn Ngọc Thảo |
Anh là người âm thầm khởi xướng chương trình cơm trưa miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Duy Xuyên. Những ngày đầu anh bỏ tiền rồi tổ chức mọi thứ. Cơm cho bệnh nhân được anh đặt căngtin bệnh viện làm, rồi phát phiếu cho những bệnh nhân nghèo đến ăn miễn phí. Thấy chương trình ý nghĩa, một nhóm từ thiện ở TP.HCM đã tiếp sức cùng anh duy trì chương trình tại Bệnh viện Duy Xuyên và mở rộng thêm ở Bệnh viện Tam Kỳ. Ngồi ở căngtin bệnh viện nhìn những bệnh nhân nghèo đang ăn những suất cơm đầy đủ dinh dưỡng một cách ngon lành, anh tâm sự: “Trưa nào tui cũng ra đây, thấy bà con ăn mà tui no lây ông ạ. Tui còn nhớ hình ảnh một bà cụ bị ung thư giai đoạn cuối, bưng đĩa cơm trên tay mà rưng rưng: Đến khi gần chết mới được ăn bữa ăn ngon! Lời bà cụ làm tui nghẹn lòng... Từ đó tui hứa với mình rằng sẽ cố hết sức để không còn những con người đến khi gần đất xa trời mới được một bữa ăn ngon!”.
Phóng to |
BS Thảo trong một lần tới thăm Tùng bị liệt nửa người được anh và những người bạn chăm sóc - Ảnh: Thế Anh |
Ở một góc khác, bác sĩ Thảo còn là cha nuôi của nhiều đứa trẻ chẳng may phải mất mẹ khi mới lọt lòng. Anh Nguyễn Văn Toàn, một người ở gần bệnh viện, cho biết: “Ở đây có ca nào mới sinh mà mẹ qua đời là đều tìm đến bác sĩ Thảo. Cách đây mấy năm, có một bệnh nhân nhập viện vì băng huyết rồi qua đời. Nhà nghèo quá nên gia đình định cho đứa con.
Nghe chuyện, bác Thảo hớt ha hớt hải chạy tới, tìm mọi cách khuyên ngăn họ ráng giữ lại đứa nhỏ. Để gia đình tin tưởng, anh đưa trước cho gia đình vài triệu đồng, rồi cam kết mua sữa và nuôi dưỡng đứa bé đến 18 tuổi. Nhắc lại chuyện cũ, bác sĩ Thảo chỉ cười: “Lúc đó hoảng quá tui làm liều chứ có kịp suy nghĩ chi mô. Tui thương đứa nhỏ đã mất mẹ khi mới lọt lòng, giờ để nó mất cha nữa thì tội lắm. Nghĩ rứa rồi tui làm đại, sau đó chạy vạy tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ lo cho nó, chứ một mình làm sao lo cho xuể cả mấy chục đứa con nuôi...!”.
Biết ơn cuộc đời
Một ngày miền Trung trời mưa bão, vừa tan ca trực về đến nhà thì nước đã ngấp nghé thềm. Bác sĩ Thảo chỉ kịp dặn vợ: “Bà lo coi nhà cửa, tui chạy đi vô thăm thằng Tùng xem sao. Mình còn có chân mà chạy chứ nó ngồi xe lăn coi chừng chết đuối bà ơi”. Tùng là một thanh niên bị liệt nửa người sau một vụ tai nạn mà BS Thảo tình cờ biết được. Anh kể lại: “Đang đi trên đường thì tui thấy một ông già còng lưng đạp xe kéo theo đứa con ngồi xe lăn ở sau. Thấy thế tui mới dừng xe lại hỏi, rồi mấy ngày sau tìm đến nhà để tìm hiểu. Thấy cảnh cha già, con thì tàn tật nên tui mới kêu gọi anh em, bạn bè gần xa xây cho hắn cái nhà, mỗi tháng gửi cho vài trăm ngàn đồng để sống. Tính tui rứa, giữa đường thấy người hoạn nạn là phải dừng lại hỏi thăm, chứ nhấn ga đi tiếp thấy lòng không đặng...”. Những ngày sau đó, do ngâm nước lũ nên Tùng bị nhiễm trùng nặng phải nằm viện mấy tháng trời. Anh là người duy nhất túc trực, nuôi nấng Tùng như chính anh em của mình.
Hỏi anh tại sao lại nặng nợ với đời như thế, anh cười: “Tui mắc nợ cuộc đời này nhiều lắm. Nếu không có những tấm lòng thì ngày nay thằng Thảo này chắc phải đi chăn bò rồi. Thời sinh viên do nhà nghèo nên tui khổ lắm, phải sống lây lất giữa đất TP.HCM bữa đói bữa no để học y khoa. Nhờ những bát bún thừa cuối ngày từ gánh hàng rong của những mẹ già quanh trường mà tui cầm cự được qua ngày. Có lúc đói quá, đêm phải mò đi ăn trộm cơm cháy ở nhà ăn tập thể để sống, sáng ra chị đầu bếp la toáng: Còn miếng cơm cháy tao đã đổ nước bẩn vô để chừa cho heo mà tụi bay cũng ăn trộm... Nói vậy nhưng những ngày sau chị đầu bếp vẫn chừa lại một ít cơm cháy trong nồi để cứu đói cho những đứa sinh viên nghèo như tụi tui. Con người ta sống thì phải biết ơn cuộc đời. Vậy thôi!”.
***
Sinh năm 1959, tốt nghiệp ĐH Y dược TP.HCM năm 1989, từ ấy anh về quê công tác. Căn nhà của vợ chồng anh vào những ngày giáp tết lúc nào cũng đông đúc bởi những đứa con nuôi tứ xứ tụ về. Phần đông trong số đó là những sinh viên nghèo đã được anh giúp đỡ. Những ngày mới ra trường, thời còn bao cấp anh đã chia phần gạo hằng tháng của mình cho những em sinh viên nghèo. Khi khá giả hơn, anh dành luôn một khoản tiền để giúp đỡ những sinh viên nghèo học giỏi. Người thì anh cho mượn không lấy lãi, người khó khăn quá thì anh cho luôn. Thậm chí nhiều em học giỏi, muốn đi du học anh còn cầm cố cả nhà vay ngân hàng để lo cho các em. Trong số đó, nhiều người đã thành danh và quay lại giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Tính đến nay, vợ chồng anh đã bỏ ra gần cả trăm lượng vàng để lo cho hơn 70 em sinh viên nghèo đi học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận