17/05/2016 09:34 GMT+7

“Mềm hóa” kiến thức hàn lâm

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Trận chung kết xếp hạng vào tối 18-5 sẽ khép lại hội thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh năm 2016 sau một tháng tranh tài.

Quận đoàn 7 chọn giới thiệu về điển hình nhà giáo trẻ tiêu biểu của quận khi tham gia phần thi sân khấu hóa tại vòng chung kết - Ảnh: Q.L.
Quận đoàn 7 chọn giới thiệu về điển hình nhà giáo trẻ tiêu biểu của quận khi tham gia phần thi sân khấu hóa tại vòng chung kết - Ảnh: Q.L.

 

Với cách tổ chức thi trực tuyến ở phần thi cá nhân, đối kháng trực tiếp phần thi đội tuyển, những kiến thức của các học thuyết tưởng chừng khó nhớ đã được các bạn trẻ đón nhận một cách hào hứng, từ từ đi vào cuộc sống.

Từng đứng trên sân khấu trận chung kết xếp hạng hội thi tương tự trong vai trò sinh viên năm 2015, năm nay anh Hà Thanh Đạt (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đến với cuộc thi trong vai trò giảng viên trẻ. Thanh Đạt nói mình phải có trách nhiệm, đầu tư cho từng phần thi nhiều hơn bởi dõi theo hội thi không chỉ có đồng nghiệp mà còn nhiều sinh viên là học trò mình, và “không được làm mất hình tượng của thầy cô khi thi đấu”.

Ngoài cập nhật thông tin thời sự, Đạt cùng thành viên trong đội ôn lại kiến thức và vì chưa có kinh nghiệm giảng dạy nhiều nên Đạt tranh thủ học hỏi nghiệp vụ sư phạm từ các anh chị đi trước để có thể xử lý các tình huống sư phạm trong từng phần thi.

Với cô giáo Nguyễn Thị Hương (Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.Phú Nhuận), cô nói tận dụng những kiến thức từ hội thi để có thêm những điều chưa biết, hoặc đã học mà lỡ quên. “Mình phải rèn thói quen học và đọc sách nhiều hơn khi là thí sinh. Những điều tích cóp được từ lời dạy của Bác, kiến thức triết học mình lồng vào bài giảng để giáo dục nhân cách cho học trò mình” - cô Hương cho biết.

Trong khi đó, anh Tào Hữu Đạt (ĐH Sài Gòn) cho rằng có thể nhiều người vẫn cho đó là những nội dung khô khan nhưng khi nắm bắt vấn đề, xâu chuỗi các sự kiện, hệ thống hóa kiến thức sẽ vận dụng được nhiều vào thực tiễn. Hữu Đạt nói anh học được cách đánh giá, suy xét các vấn đề bằng cái nhìn khách quan hơn và có thể dự đoán kết quả làm việc của hôm sau dựa vào những gì diễn ra hôm nay.

Đồng hành suốt từ khi hội thi khai cuộc, PGS.TS Vũ Tình (ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) - giám khảo hội thi - đánh giá năng lực thí sinh năm 2016 hơn hẳn các năm trước. Theo ông, không chỉ là vững kiến thức bởi câu hỏi trải trên nhiều lĩnh vực rất rộng, mà cách xử lý tình huống của thí sinh rất đúng tâm sinh lý học sinh, sinh viên, phù hợp môi trường sư phạm.

“Các trường phải ủng hộ nên mới có kết quả như vậy và nếu có thể đưa việc tìm hiểu các kiến thức này thường xuyên hơn, đến nhiều đối tượng hơn sẽ rất tốt vì đó là tìm hiểu tri thức nhân loại” - PGS.TS Vũ Tình nói.

Trận chung kết xếp hạng sẽ là cuộc đấu giữa hai đại diện thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM và Quận đoàn 7. Nếu ĐH Khoa học tự nhiên vốn là cái tên có bề dày “chinh chiến” trong những sân chơi học thuật tương tự, thì chiến thắng thuyết phục của ĐH Bách khoa tại vòng chung kết để bước vào trận cuối cùng được xem là bất ngờ của hội thi năm nay.

Còn đội tuyển Quận đoàn 7 cũng là “đối thủ” khó chịu khi vượt qua nhiều đối thủ khác với điểm số ấn tượng ở vòng ngoài. Dù cái tên nào được xướng lên ở vị trí cao nhất trong trận đấu tối mai thì đó cũng là một chiến thắng xứng đáng, tưởng thưởng công sức các bạn đã bỏ ra trên một hành trình dài.

Chú trọng việc “làm theo” Bác

Anh Lâm Đình Thắng  - Ảnh: Q.L.

Nhiều năm kiên trì tổ chức sân chơi học thuật này và vẫn có sức hút nhất định với nhiều đối tượng khác nhau, Phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết do vẫn còn ý kiến đánh giá việc truyền tải các nội dung này có phần “khô” nên Thành đoàn nỗ lực phối hợp với các đơn vị tổ chức dưới dạng hội thi năng động, sáng tạo, giúp đoàn viên, thanh niên có thể lĩnh hội dễ dàng và hiệu quả hơn.

Có thể nói hội thi đã tạo động lực để các bạn chủ động tìm hiểu những giá trị tích cực, nhân văn của học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các cơ sở sôi nổi thi đua và số lượng đông đảo thí sinh tham gia mỗi năm cũng góp phần khẳng định điều đó.

* Anh đánh giá sức lan tỏa tới đâu khi nhiều gương mặt tích cực và cũng khá quen thuộc với sân chơi này các năm qua?

- Không hẳn vậy khi đã xuất hiện nhiều gương mặt lần đầu tham gia cả thi cá nhân lẫn đội tuyển. Dĩ nhiên các đơn vị đều muốn duy trì những hạt giống làm nòng cốt và dẫn dắt toàn đội do đã có kinh nghiệm các lần thi trước. Nên chúng ta có thí sinh cũ và mới mà điều này có giá trị tích cực, vừa tạo không khí thi đua vừa duy trì được những nhân tố tích cực để duy trì và thúc đẩy hoạt động này về sau.

* Việc “học theo” Bác đã nhiều, hội thi này không ngoài mục tiêu tìm hiểu để học theo tư tưởng của Bác. Từ cuộc thi này, tổ chức Đoàn TP có cách nào trong việc “làm theo” Bác?

- Trong việc học và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức Đoàn TP chú trọng việc “làm theo”. Chỉ có thực hiện được những điều tốt đẹp của Bác mới giúp chuyển hóa tư duy và hình thành những giá trị sống tốt đẹp của từng người trong cuộc sống hằng ngày. Do đó, nhiều hoạt động của tổ chức Đoàn hiện nay đều giúp đoàn viên, thanh niên có môi trường để tự rèn luyện nhân cách, đạo đức bản thân và đóng góp cho cộng đồng.

Có thể kể đến hội thi “Tự hào sử Việt”, chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, các hoạt động tình nguyện gắn với an sinh xã hội, bảo vệ môi trường... hay các hoạt động tạo điều kiện cho chính thanh niên giúp đỡ lẫn nhau như: hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, trí thức trẻ giúp bà con vùng nông thôn mới... Những hoạt động này giúp thanh niên hình thành giá trị sống tốt đẹp cho bản thân, nâng cao đời sống của bà con và đem đến hình ảnh đẹp cho Đoàn nên thời gian tới sẽ mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động này.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp