27/06/2018 15:49 GMT+7

Mekong xanh: Phấn khởi với các mô hình làm ăn mới

MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ
MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ

TTO - Ngày 23-6, báo Tuổi Trẻ phối hợp với  Công ty Cổ phần Tôn Đông Á tham quan và trao tiền hỗ trợ cho hai mô hình sản xuất nông nghiệp của nông dân ở hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre.

Mekong xanh: Phấn khởi với các mô hình làm ăn mới - Ảnh 1.

Đại diện Công ty Cổ phần Tôn Đông Á và ông Nguyễn Thành Hưng – Giám đốc Công ty TNHH MTV VLXD Vạn Phát - đại lý Tôn Đông Á trao bảng tượng trưng hỗ trợ cho mô hình trồng rau sạch cho anh Lê Trí Lân tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang - Ảnh: Mậu Trường

Đây là những mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biển đổi khí hậu và tiên phong trong sản xuất nông nghiệp sạch.

Người mở đầu trồng rau sạch

Đến thăm mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới của anh Lê Trí Lân tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi quy mô và sự táo bạo của chủ mô hình này.

Nói anh Lân táo bạo cũng không phải là quá lời khi từ 1 du học sinh ra trường có lương 2.500 Euro/ tháng lại bỏ ngang đi trồng rau. Chưa kể, người tiêu dùng chưa chấp nhận loại rau này vì giá cả cao hơn, màu sắc xấu hơn loại rau truyền thống…Thế nhưng anh vẫn quyết tâm làm.

Giữa bạt ngàn cánh đồng rau đủ loại như rau má, rau húng, quế… được trồng theo kiểu truyền thống của người dân xã Tân Lý Đông, nhà lưới trồng rau sạch hơn 1.000m vuông của anh Lân quá bé nhỏ. 

"Nếu không đi thì sao đến đích, tôi làm với tâm thế là người tiên phong trong và không ngừng hy vọng một ngày những cánh đồng rau được trồng theo kiểu truyền thống kia sẽ sản xuất theo mô hình của tôi", anh Lân nói trong lúc dẫn đoàn tham quan đi vòng quanh nhà lưới của mình.

Ông Nguyễn Thanh Nhân – cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cho biết đây là mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới đầu tiên của huyện. 

"Hy vọng từ mô hình này sẽ lan tỏa ra thành phong trào của địa phương", ông Nhân nói. Trước mắt, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ dẫn bà con vào tham quan mô hình này để học hỏi, làm theo.

Không còn sợ nước mặn

Đường vào nhà anh Huỳnh Hữu Hiệp ở thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre những ngày này cỏ voi, cỏ sữa mọc um tùm. Để đủ cỏ cho đàn bò và dê gần chục con của mình, anh Hiệp đã tận dụng hầu hết các bãi đất trống để trồng cỏ.

Mekong xanh: Phấn khởi với các mô hình làm ăn mới - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thành Trung – chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thép Quốc Chương (thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) trao bảng tượng trưng số tiền hỗ trợ cho mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cỏ nuôi bò cho anh Huỳnh Hữu Hiệp, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre - Ảnh: Mậu Trường

Riêng 4 công đất lúa sau nhà, sau vụ lúa năm 2016 bị mất trắng do nước mặn xâm nhập, anh Hiệp đã chuyển đổi sang trồng dừa và trồng cỏ trên toàn bộ diện tích. "Từ khi lên liếp trồng dừa và trồng cỏ, kinh tế ổn định hơn nhưng quan trọng nhất là không còn lo thấp thỏm canh mặn như trước", anh Hiệp nói.

Ban đầu, thấy anh Hiệp lên liếp trồng dừa nhiều người vẫn tỏ ra ái ngại vì người dân vẫn có tư tưởng giữ cây lúa. Tuy nhiên, khi những cây dừa bắt đầu cho trái và đàn bò, dê của gia đình anh không ngừng mở rộng, nhiều hộ dân đã bắt đầu học theo mô hình này.

“Sau đợt hạn, mặn lịch sử cuối năm 2015 đến giữa năm 2016, Bến Tre có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cỏ nuôi bò diễn ra khá mạnh mẽ” Ông Huỳnh Văn Điểm - cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Giồng Trôm, Bến Tre

MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp