Những bài thơ đoạt giải cuộc thi thơ trên báo Văn Nghệ gây dư luận suốt mấy ngày qua về chất lượng thơ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, nhà thơ Inrasara - tân chủ tịch hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam - nói ông không lạ khi xảy ra làn sóng phản đối giải thưởng thơ trên báo Văn Nghệ cho bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm của tác giả Tòng Văn Hân. Ông nói:
- Bỏ qua bên các ý kiến thiếu thiện chí, điều đó nói lên sự trông đợi của độc giả thơ là khá lớn. Không thỏa mãn, họ thất vọng và phản ứng. Có khi thất vọng và phản ứng sai.
Xưa, Huỳnh Thúc Kháng đòi nọc Lưu Trọng Lư ra đánh roi; và trong lúc Xuân Diệu không cho thơ Nguyễn Đình Thi là thơ, thì Tố Hữu chẳng chút ngần ngại khi thò tay sửa nát bét tập thơ của thi sĩ tài hoa đậm tính cách mạng này.
* Ông thấy gì về thơ Việt từ làn sóng phản đối giải thưởng thơ báo Văn Nghệ cho bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm vừa qua?
- Thơ Việt đang khủng hoảng. Nhưng dẫu sao cần nhìn nhận khủng hoảng kia như một tín hiệu tốt lành. Tại sao? Bởi không khủng hoảng, không bế tắc, ta mãi ngủ quên trên lối mòn, tự thỏa mãn ở mấy thành tựu cũ.
Khủng hoảng, thức nhận mình khủng hoảng là cơ hội để vượt bỏ. Xung đột mỹ học giữa truyền thống (cả truyền thống gần) và hiện đại diễn ra thường trực ở người sáng tạo lẫn người thưởng thức nghệ thuật.
Một điều nữa: qua theo dõi các phê phán bài thơ đoạt giải vừa qua, tôi thấy ta thật chưa công tâm với nhà thơ. Hoặc phê phán đầy cảm tính và tùy tiện, hoặc từ lô cốt hệ mỹ học của mình, ta phán xét chứ chưa đặt trên một nền tảng thuyết phục.
Một nhà phê bình mà chỉ ưa thích cái hay - đẹp của sáng tác thuộc hệ mỹ học mình ưa chuộng thì vừa bất lực trước văn bản thơ lạ lẫm, vừa không tránh khỏi phân biệt đối xử với "loài" thơ khác mình. Đây là điều diễn ra hằng ngày, trên văn đàn vài chục năm qua. Học biết chấp nhận những cái khác là khởi đầu cho tinh thần dân chủ.
* Nhưng có lẽ người đọc cũng đang thất vọng về thơ hiện nay, thưa ông?
- Thời đại thay đổi, thơ phải thay đổi, qua đó thói quen thưởng thức thơ cũng phải thay đổi. Không chịu thay đổi, ta bị bỏ lại phía sau. Tôi phân thơ làm ba nhóm nhà thơ khác nhau.
Người làm vần để phục vụ đại chúng, gồm các nhà thơ phường xã, câu lạc bộ thơ hưu trí, thơ báo tường. Thơ ưa chuộng của bộ phận này là thể thơ cũ, lục bát đậm đà bản sắc, thơ có vần điệu êm tai, dễ lưu truyền và dễ nhớ.
Nhà thơ tiếp hiện luôn ở tư thế "tiếp hiện" (tiếp nhận và thể hiện) các thành tựu gần. Họ sáng tác vừa với tầm mong đợi của đại đa số độc giả đương thời, bằng cách mở rộng và khuếch trương cái hay, đẹp của thế hệ trước đó hoặc của chính mình.
Nhà thơ khai phá là những người luôn luôn trên đường phiêu lưu, thay đổi và làm mới. Họ sẵn sàng làm mếch lòng độc giả đã từng yêu mến họ, kiếm tìm bộ phận độc giả mới, khác. Bởi họ dám thay đổi cách viết, thay đổi cả mỹ học sáng tạo.
Mỗi loại thơ, mỗi nhóm nhà thơ tồn tại có lý do chính đáng. Tùy thế đứng và ý hướng viết, cả ba đều có ích cho cộng đồng, khi hệ mỹ học của cộng đồng đang bị phân hóa tạo nên tình trạng đa nguyên trong thưởng thức và cảm thụ văn học. Biết xử sự công bằng ba nhóm trên, ta sẽ có cái nhìn khác hẳn về thơ và nhà thơ. Chỉ khi đó, sự phân biệt đối xử mới bị loại bỏ triệt để.
Nhà thơ Inrasara
* Với tư cách chủ tịch hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, sắp tới ông có kế hoạch gì để "chữa" khủng hoảng thơ?
- Bàn tròn văn chương là hoạt động ngoại vi của Hội Nhà văn Việt Nam từng sinh hoạt văn học vừa chuyên nghiệp vừa lành mạnh, hi vọng sẽ được khởi động lại. Báo Văn Nghệ phải là diễn đàn mở đúng nghĩa của nhà văn và Hội Nhà văn, từ nêu quan điểm văn chương đến trao đổi, tranh luận học thuật liên quan đến nhà văn và văn học.
Tác phẩm đoạt giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn, công việc xét kết nạp hội viên, hội nghị văn học... bị dư luận xét nét, thì mục "Diễn đàn" ở báo Văn Nghệ phải là tiếng nói phản hồi đáng tin cậy. Chỉ như vậy Hội Nhà văn mới lấy lại uy tín vốn có của mình.
Tác giả Tòng Văn Hân muốn khởi kiện người vu khống ông "trộm thơ"
Khẳng định mình không "đạo" thơ của bất cứ ai như một số tài khoản Facebook mấy ngày qua nói tác giả Mẹ tôi chửi kẻ trộm cũng "trộm" từ bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ cướp biển đảo được cho là của tác giả Lò Văn Tứng (Sơn La), ông Tòng Văn Hân cho biết ông đang tham vấn ý kiến luật sư để khởi kiện các chủ tài khoản Facebook trên về "tội vu khống và làm nhục người khác".
"Nếu họ gỡ bài xuống, đưa ra thông tin chính xác cho cộng đồng mạng biết đây chỉ là sự trêu đùa nhất thời trong lúc thiếu kiểm soát lý trí của họ thì tôi sẽ bỏ qua. Bằng không, nếu sự việc bị đẩy đi quá xa thì tôi sẽ kiện.
Trò đùa của họ thật thiếu suy nghĩ, họ không lường được hậu quả với người họ xúc phạm. Buồn là trên mạng nhiều người cũng không cần suy nghĩ tìm hiểu vấn đề, cứ a dua theo hiệu ứng đám đông mà bình luận góp vui hoặc chia sẻ luôn, sai đúng thế nào không cần biết" - ông Hân nói.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn:
Hãy chọn bài thơ anh thích, tôi sẽ nói anh là ai
Theo tôi, bất luận cuộc đời có thay đổi hay như thế nào, người ta vẫn còn cần đến thơ. Đơn giản vì thơ được gọi là món ăn tinh thần thay vì người ta chỉ ăn nhậu - là thức ăn cho sinh vật. Như vậy, thơ còn là một nhu cầu bồi bổ cho tâm hồn bên cạnh việc bồi bổ thể xác. Thơ được liệt vào hàng sơn hào hải vị trong mâm cỗ tâm hồn của người ta kia mà. Bao đời nay vẫn thế.
Xưa nay với người Á Đông, thơ ca vẫn được coi là hình thức cao cấp của hưởng thụ trong đời sống tinh thần. Chỉ có điều đôi khi có người cũng định dọn cỗ nhưng hóa ra toàn món dở, không vừa miệng thực khách, thế là nhận được lời kêu ca.
Đấy là chuyện của đầu bếp. Vì một mâm cỗ bày ra, người ta không chỉ đánh giá người ăn mà quan trọng hơn là người soạn cỗ.
Anh phải có nghề như thế nào, sở trường dọn món gì, biết thực khách dạng nào thì bày cỗ ra sao, thậm chí tùy theo khí hậu thời tiết, phong thổ vùng miền, bối cảnh bữa tiệc... mà người đầu bếp soạn cỗ sao cho đạt chất lượng nhất về mọi mặt. Ấy là nói chuyện nhà sáng tạo hướng đến đối tượng thưởng thức.
Tôi nhớ ngạn ngữ châu Âu có câu rằng: Hãy dẫn bạn anh đến đây, tôi sẽ nói anh là ai. Từ đó có thể phát biểu theo hệ quả là: hãy chọn bài thơ anh thích, tôi sẽ nói anh là ai.
Nhà thơ Phong Việt:
Thơ - một mạch chảy ngầm đáng lưu giữ
Tôi đã và vẫn luôn tin rằng thơ ca có giá trị với con người, đặc biệt với những người sống nội tâm thì đó là một trong những "người bạn" hiếm hoi có thể chia sẻ được về mặt cảm xúc. Thơ ca với người viết là cách bày tỏ những trải nghiệm của mình xuống trang viết, rồi thông qua đó mọi người có thể tìm thấy những rung động khi soi chiếu vào những câu chuyện của bản thân.
Còn nói rõ hơn ở góc độ người đọc, họ sẽ cảm nhận được ít nhiều về tần số của niềm vui khi nhận ra trong cuộc đời có người nói được điều mình nghĩ. Họ không bị cảm giác đơn độc, vì thực tế luôn có những mẫu số chung trong mỗi khoảnh khắc chia ly hoặc gắn bó…
Thơ ca chính là chiếc cầu nối của những mẫu số chung đó. Thơ cần phải viết ra sẽ tốt hơn là thơ muốn hoặc thích được viết ra. Sự thôi thúc từ bên trong sẽ mang đến nhiều ý nghĩa và sự chân thành hơn.
Ở mỗi giai đoạn cuộc sống sẽ luôn có những giá trị được tôn vinh, được chú ý rầm rộ, và đó là điều tất yếu do nhu cầu cùng thị hiếu của xã hội ngay thời điểm ấy. Thơ ca ở Việt Nam lúc này phải chấp nhận là một mạch chảy ngầm, song đó là một mạch chảy ngầm đáng lưu giữ và cần tồn tại bất kể sự biến thiên của thời cuộc.
LAM ĐIỀN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận