10/10/2019 07:00 GMT+7

Mẹ thuê nhà trọ gần trường đại học để bế con vào giảng đường

MINH TRÂM
MINH TRÂM

TTO - Một câu chuyện về sự học của con có sự đồng hành của mẹ vừa bùi ngùi, ấm áp, lại vừa toát lên sự tự tin, tươi sáng ở tương lai đang được viết nên hằng ngày...

Mẹ thuê nhà trọ gần trường đại học để bế con vào giảng đường - Ảnh 1.

Thủy đi học trên tay mẹ - Ảnh: M.TRÂM

Mẹ là bà Lương Thị Phước (57 tuổi, Phù Mỹ, Bình Định), con là Nguyễn Lương Phương Thủy (19 tuổi), sinh viên năm 2 khoa CNTT Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).

9 tháng tuổi, Thủy đã lò dò tập đi, nhưng đến 19 tháng lại không may bị ngộ độc thuốc tiêm ngừa. 

Đôi chân khỏe mạnh của Thủy yếu dần đi và 15 năm qua, trên đôi tay ngày một yếu dần của mẹ, Thủy đã đi đến tận giảng đường với một thành tích đáng nể: 12 năm liền là học sinh giỏi, đoạt giải khuyến khích, giải ba học sinh giỏi môn tin học cấp huyện, thành viên đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh, bước vào khoa CNTT với 23,15 điểm.

Đôi tay của mẹ là đôi chân của con

Căn phòng trọ nhỏ, ẩm ướt trong con hẻm hẹp đối diện Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Thủ Đức) là nơi mà mẹ con Thủy đã thuê hai năm nay để Thủy tiện đi học. Ở đó, đều đặn 2h sáng mỗi ngày, bà Phước thức dậy nấu xôi, làm bánh bèo cho kịp bán buổi sáng. 

Thủy cũng dậy thật sớm học bài, phụ mẹ cho bánh bèo, muối đậu vào hộp và đi bán cùng mẹ. Đến hơn 7h sáng, mẹ tranh thủ gửi xe xôi cho chú bán cơm gần đó rồi đẩy Thủy trên chiếc xe lăn (được một Việt kiều Nhật cho vào năm Thủy học lớp 7), bế Thủy vào giảng đường...

Ông Phạm Văn Dô, chủ tiệm cơm, kể mấy tháng trước thấy bà Phước đi làm thuê cực quá nên mới nói bà buôn bán được gì thì đem ra trước hẻm này bán cho khỏe. Nay bán chắc được tầm hơn hai tháng rồi. 

"Bé Thủy cũng siêng lắm, đi học về học bài rồi tiếp phụ chị làm nhiều việc, chứ chuẩn bị đồ bán mình chị Phước lo không nổi" - ông Dô nói.

Cô Phước kể mũi thuốc tiêm ngừa năm nào đã khiến sốt cao, co giật, co quắp toàn thân, phần chân biến dạng phải đưa ra Hà Nội mới có thể cứu sống. Sau đó gia đình bán nhà, vay mượn khắp nơi đưa em vô TP.HCM, ra Đà Nẵng rồi quay về Quy Nhơn (Bình Định), chỉ mong Thủy đi lại được nhưng đành bất lực.

Cô Phước nghẹn ngào: "Năm lên 5 tuổi, thấy mấy bạn trong xóm đi học nên Thủy đòi đi, tôi cũng chỉ lên xin cô dạy mẫu giáo cho nó lên ngồi chơi, có gì nhờ cô trông giùm để đi làm, chứ đâu ngờ nó đi học được tới bây giờ. Con mình mà, nó đi học được thì mình phải đưa nó đi, nó không đi được thì mình chở nó, ẵm nó đi. Nó đi đâu mình đi theo đó. Mình phải là đôi chân của nó". 

Vậy là trong hai năm qua, khi thì bà Phước theo Thủy đi học, lên xuống giữa hai cơ sở của trường ở quận 5 và Thủ Đức, cùng Thủy tham gia các hoạt động của khoa, cùng đi tham quan bảo tàng, đi phỏng vấn xin học bổng...

Thầy Tô Văn Khiết - giáo viên Trường THPT Phù Mỹ, Bình Định - nhớ lại ngày Thủy còn học ở quê, bà Phước chạy hết xe đạp rồi đến tập xe máy để đưa Thủy đến trường. 

Dù bận làm trả nợ tiền chữa bệnh cho Thủy, nhưng chưa bao giờ bà để con trễ học hay vắng một hoạt động, một buổi học bồi dưỡng, một kỳ thi học sinh giỏi nào của lớp, của trường.

Mẹ thuê nhà trọ gần trường đại học để bế con vào giảng đường - Ảnh 2.

Ở lớp, Thủy được thầy cô và bạn bè yêu mến bởi nỗ lực học tập và sự hòa đồng, thân thiện - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

"Tôi phải đi học"

"Học nhiều làm gì, học 12 năm được rồi, người ta lành lặn người ta đi học, chứ em học ra rồi tương lai cũng không khá khẩm hơn..." là những lời nhiều người "khuyên" khi Thủy nhen nhóm ý định vào ĐH.

Huỳnh Thị Thúy Kiều, bạn thân với Thủy đã 8 năm, kể hồi học lớp 12 Kiều thì mơ y dược, còn Thủy mơ CNTT nên hai đứa cùng nhau nỗ lực. 3h sáng, hai đứa hẹn nhau dậy học bài, mặc dù hồi đó ở quê lạnh lắm. 

"Thủy sức khỏe yếu nhưng bạn ấy còn cố gắng hơn cả tôi. Đợt ôn thi, Thủy lại bệnh suốt nhưng vẫn không bỏ bữa học nào" - Thúy Kiều nhớ lại.

Vì là bạn thân nên Kiều còn tiết lộ: "Bên ngoài Thủy hay nói, hay cười nhưng bạn ấy lo nhiều hơn mọi người vì biết có người còn lo hơn cả mình, đó là cô Phước. Lúc phải đứng trước nhiều ngã rẽ, Thủy thấy thương cho cha mẹ nhiều. Nếu Thủy xác định đi học, nghĩa là mẹ Thủy phải bỏ hết công việc vào thành phố với Thủy. Có đêm hai đứa nhắn tin, rồi Thủy khóc đến tận sáng".

Kiều cũng cho biết thêm nhà Thủy khó khăn, cha bị suy tim, mẹ cũng không còn khỏe mạnh như trước, anh Thủy cũng còn đi học nên quyết định có học tiếp ở thành phố này hay không là vô cùng khó khăn với Thủy.

Phần Thủy, em kể: "Nhiều người từng không công nhận kết quả học tập của tôi, nói tôi học mười mấy năm là do nhà trường thương tình cho điểm thôi, chứ như tôi thì sao mà học được vậy. Thầy cô, anh chị thì khuyên nếu muốn tiếp tục học thì nên ra Quy Nhơn hay Đà Nẵng học cho gần, thuận tiện hơn, chứ vào TP.HCM quá xa xôi".

"Nhưng đó cũng là động lực để tôi phấn đấu, không còn cách nào khác ngoài việc phải tiếp tục học. Chỉ có học mới mong cuộc sống tốt hơn, mới chứng minh về bản thân mình, có thể làm việc và nuôi sống bản thân" - Thủy khẳng định. 

Ước mơ đó cùng câu nói chắc như đinh đóng cột của mẹ "con đi đâu thì mẹ theo đó" đã giúp Thủy vững tâm hơn bước vào một hành trình mới.

Ngoài việc không tự đi được, Thủy còn bị cận nặng, hạ canxi, hay đau ốm và chân tay hay run, mỏi nếu ngồi học lâu, nhưng Thủy vẫn đạt thành tích tốt trong học tập. Thầy Vũ Quốc Hoàng - giảng viên khoa CNTT - nhận xét Thủy là một tấm gương sáng học tập của khoa.

"Thủy chưa vắng môn tôi dạy bữa nào. Học kỳ trước điểm trung bình của Thủy được 7.81 điểm. Thủy còn tham gia nhiều hoạt động trong đội truyền thông của khoa, hòa đồng, được bạn bè yêu mến và giúp đỡ. Đặc biệt, mẹ của Thủy phải ở cùng con để đưa đón hằng ngày là một điều đáng khâm phục" - thầy Hoàng nói.

Hiện tại, cuộc sống của Thủy ổn hơn trước, chỉ mong mẹ và mình đủ sức khỏe để em hoàn thành chương trình học và có việc làm sau khi ra trường. "Vào đây học, gặp nhiều anh chị hoàn cảnh cũng giống mình nhưng anh chị vẫn đi làm được, vẫn tự nuôi sống bản thân, nên tôi nghĩ mình cố gắng thì cũng đỡ mù mịt hơn. Sau này đi làm, tôi sẽ dẫn mẹ đi du lịch, chứ mẹ khổ vì tôi quá nhiều rồi" - Thủy tâm sự.

Bình thường thôi, vì tôi là mẹ!

Thành phố này thật sự rất xa, mà tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đến sống ở đây. Năm ngoái, sau 3 ngày có kết quả, mẹ con khăn gói mang theo gạo, mắm, cá, đủ thứ vào tìm chỗ trọ. Rồi tôi theo con đi phỏng vấn xin học bổng, đi xe buýt tới hai tuyến, lạc đường, đi bộ, xe đông không dám qua đường, đẩy xe lăn lên các bậc đường mà cứ sợ con chúi nhủi. Mấy hôm nó sốt, đau ốm đi phụ quán chạy về không kịp, đủ thứ chuyện...

Nhưng mà bình thường thôi, vì tôi là mẹ mà.

Bà Lương Thị Phước

Thủy có rất nhiều đôi chân

Thủy chia sẻ chưa bao giờ nghĩ mình có ngày hôm nay nếu như không có mẹ, gia đình và những người đã giúp đỡ mình.

Thủy kể suốt 15 năm đi học, từ mẫu giáo lên năm hai ĐH, ngoài mẹ, Thủy đã đi nhờ trên đôi chân của không biết bao nhiêu thầy cô, bạn bè. Nhiều bạn đã cõng Thủy vô lớp, lên mấy tầng lầu vì lắm lúc mẹ yếu không ẵm nổi. Thủy nói chưa bao giờ cảm thấy tủi thân vì bạn bè đều quan tâm, không bỏ rơi Thủy, thầy cô cũng hỗ trợ rất nhiều...

Thủy gọi đó là những người có ơn với bản thân cùng gia đình em và "Tôi chỉ biết cố gắng học thật tốt để trả những ơn này".

a

Những hôm mẹ đông khách, Thủy nhờ bạn bè đưa đến trường - Ảnh: M.TRÂM

Không những vậy, Thủy còn được nhà hảo tâm tặng xe lăn, các tổ chức tặng quà, học bổng, trong đó có cả học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ năm 2018. Vào TP.HCM trọ học, được nhiều cô chú giúp đỡ, cho cả bếp gas, chén bát, bàn học, giúp mẹ tìm việc, buôn bán...

NGỌC PHƯỢNG

Nghị lực, tình yêu thương và sự sẻ chia: khập khiễng vào giảng đường Nghị lực, tình yêu thương và sự sẻ chia: khập khiễng vào giảng đường

TTO - Hôm nay 28-9, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh đoàn Tiền Giang, Bến Tre, CLB "Tiếp sức đến trường" Tiền Giang - Bến Tre tổ chức lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" 2019 cho 86 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

MINH TRÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp