Phóng to |
Ép buộc, lợi dụng trẻ sống lang thang, ăn xin để trục lợi bị phạt 10-15 triệu đồng |
* Lăng nhục, xúc phạm khi xử lý trẻ vi phạm pháp luật: phạt từ 5-10 triệu đồng
Chính phủ vừa ban hành nghị định số 144/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, cứu trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em với nhiều mức xử phạt nghiêm khắc cho hành vi ngược đãi, trẻ em, vi phạm quy định đối với người khuyết tật.
Theo nghị định này, kể từ ngày 15-12-2013 (ngày nghị định có hiệu lực thi hành), mức xử phạt đối với hành vi ngược đãi trẻ em sẽ tăng cao hơn so với trước kia.
Theo đó, hành vi bỏ con hoặc không chăm sóc nuôi dưỡng con sau khi sinh sẽ bị xử phạt từ 10-15 triệu đồng (mức xử phạt hiện nay theo Nghị định 91/2011 cho hành vi mẹ bỏ con sau sinh chỉ tối đa 10 triệu đồng).
Cha mẹ hoặc người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm, vật chất với trẻ, bỏ rơi trẻ nơi công cộng, bỏ mặc trẻ tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc trẻ cũng bị xử phạt với mức như trên.
Cha mẹ hoặc người giám hộ ép buộc trẻ đi lang thang kiếm sống, những người lợi dụng trẻ em đi lang thang để trục lợi nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng và phải nộp lại khoản lợi nhuận kiếm được từ việc lợi dụng trẻ em trên.
Người nào có hành vi tổ chức, ép buộc trẻ đi ăn xin, cho thuê cho mượn trẻ, sử dụng trẻ đi ăn xin bị xử phạt từ 10-15 triệu đồng.
Vi phạm quy định về cấm cản trở quyền học tập của trẻ em như: hủy hoại sách vở, đồ dùng học tập, cố tình không đóng tiền cho trẻ đi học, không đảm bảo thời gian, điều kiện học tập của trẻ cũng bị xử phạt đến 500.000 đồng. Người nào lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ bỏ học bị xử phạt 1-3 triệu đồng.
Đối với những trẻ có vi phạm pháp luật thì những người có trách nhiệm trong xử lý cũng không được lăng nhục, chửi mắng hoặc bắt trẻ làm những việc có tính chất xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của trẻ. Nếu thực hiện các hành vi trên với trẻ sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng.
Không miễn, giảm vé xe cho người khuyết tật: xử phạt 1-3 triệu đồng Nghị định cũng quy định việc xử phạt đối với vi phạm liên quan việc chăm sóc người khuyết tật, các đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, người nào có hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử, không thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng người khuyết tật hoặc cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con, hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật bị xử phạt 3-5 triệu đồng. Trong giao thông, nếu từ chối vận chuyển người khuyết tật, không miễn, giảm giá vé, dịch vụ, không ưu tiên bán vé cho người khuyết tật, người cao tuổi, không sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho người khuyết tật, người cao tuổi cũng sẽ phải chịu xử phạt từ 1-3 triệu đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận