12/10/2012 06:48 GMT+7

Mẹ ôsin nuôi con vào đại học

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Sài Gòn mấy ngày này trời đổ mưa. Khách ngồi mà lưng áo hứng nước mưa tong tỏng. Chị Lương Oản Quần bối rối: “Xin lỗi em, nhà dột riết rồi không biết chỗ nào tránh nữa...”.

D1sUzekm.jpgPhóng to
Chung Vĩnh Thuận bên mẹ trong căn nhà nhỏ xíu, bộn bề - Ảnh: MAI HƯƠNG

Trong chính căn nhà thấp, tối, ẩm, dột đó, Chung Vĩnh Thuận, con trai chị Quần, đã đỗ ba trường đại học, cao đẳng kỳ tuyển sinh năm học 2012-2013.

Đó là căn nhà rộng chưa tới 20m2 ở 95/1B Phó Đức Chính, quận 1, nằm hút trong hẻm sâu. Trần nhà chằng đụp những mảnh cao su cũ vá víu đen nhẻm vệt nước mưa ri rỉ.

Mẹ con nhà nghèo

Thuận đi học về thì trời đã sụp tối. Vậy mà mẹ vẫn chưa về, chắc còn phải giặt cho xong thau đồ đầy hay rửa cho xong đống chén ở nhà chủ. Từ nhỏ, Thuận đã quen với những bữa cơm chiều ăn muộn lúc 9-10g đêm. Giờ đó mẹ mới về với bộ đồ ướt, đôi tay bợt bạt do ngâm nước nhiều và gương mặt tím tái vì đói và lạnh.

Thương mẹ quá vất vả, từ khi lên cấp II Thuận đã đi làm thêm. Hồi đó, đang đạp xe, thấy quán nước sâm ven đường trương bảng cần người bán phụ, vậy là Thuận tấp vô xin làm. Những ngày hè, khi chúng bạn tất bật chạy giữa các lớp học thêm thì Thuận cũng hết chạy bàn cho quán ăn lại đi phát tờ rơi để dành dụm vô năm đóng tiền trường.

Nhìn con đi làm, chị Quần xót xa. Thuận động viên mẹ: “Mẹ yên tâm, con đi làm nhưng không hư đâu!”. Những ngày thứ bảy, chủ nhật, Thuận theo mẹ đi lau nhà, giặt đồ, rửa chén cho người ta. Nhiều người hỏi: con trai lớn tướng rồi, đi làm ôsin như vậy lỡ gặp bạn bè không thấy mắc cỡ sao? Thuận trả lời: “Lỡ gặp bạn thì cũng... kỳ thiệt nhưng không vì vậy mà em không đi làm giúp mẹ”.

Năm Thuận học lớp 10, tai họa giáng xuống gia đình khi cha em bị tai nạn giao thông. Sau đợt đó, thần trí ông không còn được như bình thường, hay la rầy, lớn tiếng mắng chửi hai mẹ con. Vốn làm nghề chạy xe ôm, từ ngày bị tai nạn ông trở nên ngơ ngẩn. Khách hàng cũng ngại, không ai dám ngồi lên xe ông. Nhiều bữa ông xách xe chạy cả ngày cũng không kiếm đủ tiền mua hộp cơm ăn. Gia đình càng lâm vào khốn khó.

Trước ngày Thuận thi đại học, ba nổi cơn thịnh nộ đập tan tành chiếc bàn học của Thuận. Mẹ Thuận hốt hoảng đưa con sang tá túc nhà ngoại. Nhà ngoại cũng nằm trong diện xóa đói giảm nghèo.

Đậu ba trường đại học, cao đẳng

Căn nhà nghèo và con đường đời

Trong căn phòng nhỏ xíu của gia đình Thuận, món đồ đáng giá nhất có lẽ là cái tivi cũ mèm đã không còn rõ nét, là cái tủ lạnh hoen gỉ từ lâu không còn dùng được, chỉ để chứa đồ. Tất cả đều là những món đồ của nhà chủ bỏ đi, chị Quần cặm cụi tha về. Ai cho cái vỏ xe, mớ quần áo cũ, cái ca nhựa cũ chị đều đón nhận. Căn phòng nhỏ trông như một cái kho.

Chị Quần nói hồi trước khi Thuận còn học phổ thông, chị cầu trời khấn phật cho chị sức khỏe để nuôi con tới hết lớp 12. Giờ Thuận vào đại học rồi, chị lại khấn phật cầu trời cho mình sống thêm ít nhất bốn năm nữa. Chị bị đau khớp gối kinh niên, bác sĩ đã khuyến cáo phải mổ nhưng chị cứ hẹn lần, nói chờ thằng Thuận học hết đại học. Mà chặng đường phía trước thì đâu có ngắn.

Kỳ thi đại học, cao đẳng vừa rồi Thuận đăng ký thi vào ba trường, hai khối thi A và B. Một bữa, đang đánh vật với đống đồ cao nghệu thì chị Lương Oản Quần nhận được điện thoại: Thuận báo tin thi đậu ngành công nghệ hóa Đại học Bách khoa TP.HCM. “Trời ơi là mừng. Tui đang giặt đồ mà chảy nước mắt” - chị Quần kể. Ít ngày sau, niềm vui lại nhân đôi khi Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM công bố điểm thi, Thuận trúng tuyển vào ngành hóa học địa chất. Thuận đậu tiếp Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại với 26,5 điểm. Thuận chọn học Trường đại học Bách khoa TP.HCM.

Hôm chúng tôi đến thăm, Thuận vừa nhập học được ít ngày. Vét cả tháng tiền công giúp việc cho hai gia đình của mẹ mới chỉ vừa đủ để đóng học phí học kỳ 1. Rồi còn tiền sách, tiền xe buýt, tiền ăn. “Cuốn sách này mới mua đó cô. Úi trời, sách gì tới hơn 200.000 đồng, bằng tiền công tui đi làm ba ngày” - chị Quần xuýt xoa.

Do trường học ở tận Thủ Đức nên hằng ngày Thuận bắt xe buýt đi học. Tổng số tiền chi tiêu trong ngày của cậu sinh viên nhà nghèo chỉ được phép trong khoảng 10.000 đồng: ngoài vé xe buýt, bữa ăn trưa cơm bụi chỉ giá 7.000 đồng đĩa. Thuận cười: “Căngtin trường có bán cơm nhưng giá tới 15.000 đồng/đĩa. Em ra ngoài ăn, rẻ được phân nửa. Bữa nào đói quá thì mua thêm 2.000 đồng cơm trắng”.

Ông Lê Đình Cây, bí thư chi bộ khu phố 3, phường Nguyễn Thái Bình, nhận xét: “Cháu Thuận con nhà nghèo ham học, bà con ở đây ai cũng thương. Hồi cháu còn học phổ thông, khu phố, phường cũng giúp đỡ tặng xe đạp, học bổng. Nhưng ở đây ai cũng nghèo, hỗ trợ mấy cũng không thấm vào đâu”.

Khi được hỏi về con đường phía trước, ánh mắt Thuận sáng rực: “Hồi phổ thông có lần em bị đụng xe gãy chân. Không muốn em nghỉ học, mẹ gầy ốm như vậy mà ngày nào cũng cõng em tới trường, leo đúng bốn tầng lầu đặt em vào chỗ ngồi rồi lại tất tả chạy tới nhà người ta làm thuê. Một ngày, mẹ lên xuống bốn lần như vậy. Bắt đầu từ đó, em đã nhủ với lòng bất cứ giá nào cũng phải đậu đại học. Giờ ước mơ đã thành, em sẽ không từ bỏ dù có phải làm thuê, làm mướn để có tiền đi học”!

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp