15/04/2018 07:16 GMT+7

'Mẹ ơi, điểm cao với mẹ quan trọng đến thế sao?'

B.T
B.T

TTO - 'Mẹ ơi, điểm cao với mẹ quan trọng đến thế sao? - đây vừa là câu hỏi đồng thời cũng là tâm sự nhói lòng của một người con vì áp lực học tập. Với bạn B.T, vì cố gắng làm theo ý mẹ, có lúc bạn thấy mình như con mồi bị rượt đuổi!

Mẹ ơi, điểm cao với mẹ quan trọng đến thế sao? - Ảnh 1.

Tôi đang học năm thứ hai (trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn Hà Nội), nhưng nhìn lại quãng thời gian chịu áp lực học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường (lớp 1-12), tôi cảm thấy đó là quãng đời đáng sợ nhất của mình.

Áp lực đó phần lớn đến từ phía mẹ. Mẹ không cho tôi tham gia những dịp dã ngoại. Mẹ bảo: "Cứ học đi, sau này chơi cũng chưa muộn". Lần khác thì mẹ nói: "Cứ học xong cấp 3, đỗ đại học thì muốn gì chẳng được"…

Ngay cả việc tôi muốn học khối gì, thi trường nào, ngành nào cũng nhất mực theo ý mẹ. Hồi đó, chỉ vì tôi không vào được lớp chọn khiến mẹ cảm thấy thất vọng lắm. Mẹ thường thở dài mỗi khi nghĩ đến chuyện học của tôi. Mẹ đánh giá thấp sự cố gắngcủa tôi.

"Có lúc, tôi cảm thấy mình rất đáng thương như con mồi bị rượt đuổi. Tôi cảm thấy thất bại không phải vì kết quả học tập mà là thất bại trước mẹ, không sao làm vừa lòng mẹ được".

B.T

Mỗi khi đi học về, tôi khoe được điểm 9 hay điểm 10, mẹ thường sẽ chép miệng: "Ôi dào, 9 với 10 bây giờ dễ như ăn cơm ấy mà".

Lần khác thì mẹ bảo: "Có phải 39 bạn còn lại của lớp con đều được 10 đúng không?" hoặc "tại sao chỉ là 9 mà không phải 10?".

Tôi cảm thấy dường như với mẹ - không bao giờ là đủ. Nói đúng hơn, mẹ chưa bao giờ hài lòng về kết quả học tậpcủa tôi. Khi đó, một cảm giác tủi thân, hụt hẫng ùa về khiến tôi khép mình lại, ít sẻ chia với mẹ hơn.

Có nhiều lúc tôi thấy bị sốc khi mẹ thường xuyên gọi điện cho thầy cô giáo của tôi để dò hỏi xem: "Cái Thoa nhà tôi xếp thứ mấy trong lớp?". Có khi mẹ lại gọi điện cho một số bạn trong lớp tôi chỉ để hỏi: "Trên lớp, Thoa nhà bác có thường xuyên phát biểu bài không?"…

Như thành thói quen, tôi vừa về đến nhà, khi chiếc cặp sách còn chưa kịp đặt xuống, mẹ đã hỏi: "Nay con được mấy điểm?". Khi nhìn thấy mắt tôi cụp xuống, mẹ nói luôn: "Lại điểm thấp phải không? Lại không thuộc bài đúng không? Con với chả cái…".

Có lẽ, với tôi - khi ấy không gì đáng sợ bằng việc làm mẹ thất vọng, không gì đáng sợ bằng nhìn ánh mắt của mẹ, nghe những lời mẹ chì chiết…

Có thời gian tôi đâm ra chán nản. Áp lực bị điểm kém, áp lực mỗi khi mẹ đem tôi ra so sánh với người này người khác, áp lực mỗi khi mẹ không công nhận sự cố gắng của tôi khiến tôi lúc nào cũng xoay vần trong cảm giác chán nản, như người thừa.

Tôi biết kỳ vọng của mẹ vào tôi rất lớn nhưng những áp lực mẹ tạo ra lại khiến tôi thấy quá sức chịu đựng. Gần như lúc nào tôi cũng phải gồng mình lên để học, để phấn đấu cho vừa lòng mẹ. Có lúc tôi thấy hoài nghi vào năng lực thật của mình.

Tôi nói dối nhiều hơn vì không muốn bị mẹ trách phạt. Tôi đi học thêm nhiều hơn để đỡ phải ăn cơm tối cùng mẹ bởi tôi sợ những khi mẹ "lên lớp" tôi, những khi mẹ dằn vặt tôi vì chuyện học. Tôi chạy trốn…

Có lẽ mẹ không bao giờ hiểu nỗi buồn, sự trống trải, cô đơn của tôi khi đối mặt với mẹ. Có lẽ mẹ cũng sẽ không bao giờ biết tôi đã bị tổn thương ra sao khi bạn bè trong lớp gọi mẹ là: "người hùng".

Người hùng vì mẹ đã yêu thương tôi quá giới hạn, bất chấp ý kiến của tôi, bất chấp thể diện của tôi, sẵn sàng khai thác bạn bè, thầy cô những thông tin về tôi.

Chưa khi nào mẹ hỏi tôi thích gì, thích ngành nào? Thường mẹ sẽ nói: "Con học thêm ở trung tâm này đi, thầy ấy nổi tiếng lắm, mẹ nghiên cứu kỹ lắm rồi", "con thi ngành này đi con, mốt sẽ dễ xin việc"…

Nhiều lúc tôi tự đặt câu hỏi: Điểm cao với mẹ quan trọng đến thế sao? Lớp chọn, trường chuyên cần thiết đến thế sao? Dẫn đầu lớp với những thành tích còn quan trọng hơn cả sự vui vẻ, hạnh phúc của tôi sao?.

Lúc nào mẹ cũng cho rằng: "Mẹ làm thế là vì con, để con từng ngày phấn đấu. Thế mới nên người được". Nhưng thực tế, tôi cảm thấy mẹ không tôn trọng ý kiến của tôi. Mỗi khi tôi muốn chia sẻ gì đó, mẹ lại chì chiết: "Học trường của con là top cuối rồi".

Bao năm tôi sống như một người khác, không được là chính mình. Tại sao các bậc cha mẹ vẫn quen áp đặt con cái dù biết điều đó khiến con không hạnh phúc? Tôi chưa bao giờ được sống thật với bản thân mình và ở ngôi nhà của mình, tôi thấy sợ những áp lực…

Học để sống tốt chứ đừng học đến... chết! Đã từng trải qua thời học sinh, sinh viên với nhiều áp lực, bạn suy nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!

Muốn con thành người tốt, đâu chỉ có mỗi việc học?

TTO - Học chăm là tốt, kết quả cao là tốt. Nhưng, phụ huynh ơi, đừng khiến các em trở thành con robot được lập trình chỉ có mỗi việc học.


B.T
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp