Phóng to |
Những hình ảnh cuối cùng do bạn bè của Kim Chuyền gửi đến tòa soạn với dòng chữ “chỉ còn là kỷ niệm” |
Đám tang đưa Hồ Thị Kim Chuyền về nghĩa trang làng Mỹ Lộc, thị trấn Tam Quan, Bình Định có rất đông bạn bè cũ Trường THPT Nguyễn Trân cùng thầy cô và bà con hàng xóm đã từng chia sẻ với Chuyền suốt những năm tháng học trò. Vậy là hết, vĩnh biệt giấc mơ tươi đẹp của cô học trò nhỏ xứ dừa Tam Quan.
Những tờ đơn trên đường xin việc
Ngày 12-5, chiếc xe chuyên dụng của Công ty Công viên cây xanh TP.HCM cán chết Hồ Thị Kim Chuyền ngay trên đường Trần Quang Diệu, Q.3, TP.HCM (Tuổi Trẻ, 13-5). Chuyền đang là sinh viên năm 3 lớp tài chính doanh nghiệp K34, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Khi Công an Q.3 kiểm tra giấy tờ trong cặp của Chuyền còn phát hiện một xấp đơn xin việc chưa kịp gửi đi.
Có mặt ngay tại trụ sở Công an P.14, Q.3 khi được thông báo, chị gái của Chuyền - Hồ Thị Kim Luyện bấu víu các anh công an khóc nghẹn: “Trả em lại cho tôi, trả em lại cho tôi...” rồi ngất lịm!
Không ai có thể ngờ rằng Chuyền đã chết, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của Chuyền. “Nhận được tin bạn chết mà tôi không tin. Gọi điện cho mấy bạn thân kiểm chứng thì đúng là bạn Chuyền đã đi rồi. Tôi như người mất hồn cả buổi chiều hôm ấy” - Huỳnh Thị Như Mơ, chi hội trưởng Chi hội sinh viên TCIII K34 và là bạn học cùng lớp với Chuyền, nhớ lại thời khắc nhận hung tin.
Mơ cũng cho biết Chuyền là một người bạn luôn hòa đồng, gần gũi và giúp đỡ bạn bè trong lớp. “Trong học tập Chuyền rất năng nổ phát biểu và điểm số luôn đạt sinh viên khá giỏi. Bạn mất đột ngột khi con đường học đại học còn dở dang...” - Mơ bồi hồi nhớ bạn.
Thầy Nguyễn Văn Đương, phó trưởng phòng quản lý đào tạo công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết mỗi năm nhà trường phải tổ chức đưa tang từ 2-4 trường hợp sinh viên bị mất do tai nạn giao thông.
“Khi nhận được tin em Chuyền mất do tai nạn giao thông, chúng tôi cũng không khỏi bàng hoàng. Chuyền là một sinh viên giàu nghị lực. Chúng tôi được biết gia đình em khó khăn nên phải cố gắng lắm mới đủ tiền cho Chuyền đi học đại học. Thật tiếc thương. Chúng tôi đã tổ chức cho cán bộ, sinh viên và Đoàn thanh niên của khoa tài chính doanh nghiệp về Bình Định đưa tang và chia buồn cùng gia đình em Chuyền” - thầy Đương nói.
Nhà trường, khoa tài chính doanh nghiệp và Trung tâm hỗ trợ sinh viên của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã ủng hộ 5 triệu đồng để gia đình Chuyền lo tang ma. “Riêng Chi hội TCIII K34 đã kêu gọi các sinh viên, thầy cô trong khoa, các bạn học cùng lớp với Chuyền và Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên ĐH Kinh tế đóng góp và ủng hộ gia đình Chuyền với số tiền 25 triệu đồng. Chúng tôi đã cử ba bạn sinh viên trực tiếp về quê và trao tiền tận tay cho mẹ của Chuyền” - Huỳnh Thị Như Mơ cho biết.
Phóng to |
Những dòng nhật ký cuối cùng của Chuyền |
Trang nhật ký cuối cùng
Bao nhiêu cố gắng của cha mẹ, người thân, bao nhiêu nghị lực vượt khó để đến được giảng đường đại học của Chuyền giờ đây đã tan như làn khói hương trên bàn thờ, trước di ảnh của Chuyền.
Trước ngày bị tai nạn giao thông, Chuyền còn ghi vào sổ tay những dòng nhật ký thấm đẫm tình cảm dành cho mẹ ở quê nghèo: “Con thương mẹ vô cùng. Con không biết nói sao cho hết lòng mình. Mẹ của con thật vĩ đại. Mỗi lần con về quê là mỗi lần mẹ tủi, mẹ tủi khi không có tiền gom góp cho con... Không ngôn ngữ nào diễn đạt được tình mẹ trong con. Mẹ ơi! Con sợ một ngày về thăm không có mẹ. Con sợ lắm mẹ ơi!...”.
Hồ Thị Kim Chuyền là cô học trò nổi tiếng vượt khó học giỏi tại xứ dừa Tam Quan, Bình Định. Cách đây năm năm, Chuyền đạt thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp phổ thông của Trường THPT Nguyễn Trân, Tam Quan. Việc Chuyền thi đậu vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng là một trong những trường hợp hiếm hoi đậu đại học ở vùng quê nghèo này.
Ngay từ năm lớp 8, lớp 9, Kim Chuyền đã là một lao động chính trong nhà, giúp đỡ cha mẹ già yếu. Thương cô học trò nghèo, bà con trong làng luôn gọi đi cắt lúa mướn. Mẹ ở nhà nhận công, Chuyền đi học về, chỉ ăn vội bát cơm nguội rồi quáng quàng cầm liềm hái chạy ra đồng. Quê nghèo ai kêu gì Chuyền cũng làm, kiếm thêm chút tiền giúp cha mẹ và nuôi giấc mơ vào đại học.
Ba mất năm Chuyền vừa đậu đại học, hai chị gái vào Sài Gòn tìm việc làm. Kim Chuyền vào học đại học và ở phòng thuê cùng hai người chị tại quận Gò Vấp. “Quần áo, mũ nón, giày dép ba chị em đều dùng chung. Ngày ngày Chuyền đạp xe vượt cả chục cây số từ nhà trọ ở Gò Vấp đến trường. Tối về lại ngược xuôi chạy làm gia sư. Ba chị em sống tằn tiện dành tiền để Chuyền đi học, thế mà giờ đây...” - Hồ Thị Kim Bay, chị Chuyền, nghẹn ngào kể.
Khi mùa hè đến, Chuyền gom tiền của các chị mua quần áo giảm giá ở TP.HCM đem về quê bán kiếm đồng lời. Thế nhưng khi gặp bà con quen, Chuyền để lại giá vốn luôn. Khi về lại thành phố Chuyền còn lí lắc kể với các chị: “Ngày xưa, bà con kêu em đi cắt lúa mướn kiếm tiền, bây giờ coi như mình giúp lại vậy”.
Thầy Nguyễn Tấn Thành, chủ nhiệm lớp Kim Chuyền suốt ba năm trung học phổ thông, kể Kim Chuyền là một học sinh giỏi và rất năng nổ của trường. Vừa đi học vừa bận rộn làm ruộng ở nhà nhưng luôn đi đầu trong các phong trào của lớp. “Năm ngoái, Chuyền nói em sẽ cố gắng kiếm tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi để về quê tìm việc chứ không muốn ở lại Sài Gòn. Ai cũng muốn ở Sài Gòn hết thì bỏ quê nghèo sao đành. Thầy cô nghe ai cũng mừng, cũng thương, vậy mà...” - thầy Thành nghẹn ngào.
Giấc mơ trở lại quê nhà của Kim Chuyền để được phục vụ, cống hiến đã không thành. Tai nạn giao thông đã cướp đi ước mơ và chính sinh mạng của em. Tay mân mê những dòng nhật ký cuối cùng của con để lại: “... Mẹ ơi! Con sợ một ngày về thăm không có mẹ. Con sợ lắm mẹ ơi!...”, người mẹ của Kim Chuyền khóc ngất: “Trời ơi, con nói vậy mà sao con bỏ mẹ mà đi, con ơi...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận