17/05/2014 05:30 GMT+7

Mê mải với dân ca ví, dặm

ThS NGUYỄN THỊ HẢI PHƯỢNG
ThS NGUYỄN THỊ HẢI PHƯỢNG

TT - Người ơi... Muối ba năm muối đang còn mặn/Gừng chín tháng gừng vẫn còn cay/Chứ đôi ta tình nặng nghĩa dày/Dù có xa nhau đi chăng nữa, thì vạn sáu ngàn ngày... cũng nỏ xa.

h9pUYAsC.jpgPhóng to
Hát dân ca ví, dặm ở CLB xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An - Ảnh: Hải Phượng

Câu hát ví được những người nông dân lao động cất lên, xua tan cái nóng oi ả của mùa hè, và làm xao lòng tất cả mọi người đứng xung quanh.

Trong khuôn khổ hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại (trường hợp dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh)” diễn ra trong hai ngày 14 và 15-5 tại TP Vinh (Nghệ An), các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước đã tham gia những buổi thảo luận, trình bày những nghiên cứu của mình.

Có lẽ ngày làm việc thú vị nhất là ngày đi thực tế tại CLB Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và tại phường nón, xã Phù Việt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Tại đây, không chỉ các vị khách nước ngoài và những người lần đầu được tham dự trực tiếp cuộc hát ví, dặm, mà ngay cả với chúng tôi - những người đã có sự quan tâm đến loại hình này - cũng cảm thấy rất thú vị khi cùng sống trong không khí sôi nổi của buổi sinh hoạt cộng đồng, nghe những câu đối đáp dí dỏm của người nam, người nữ:

Ơ... ơ... Chứ anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở/Chứ anh đến bến đò thì đò đã sang sông/Đến em thì em đã lấy chồng/Em yêu anh như rứa hỏi có mặn nồng mà lấy chi?!

Ở là người ơi.../Hoa đến thì, thì hoa phải nở/Chứ đò đầy thì đò phải sang sông/Chứ đến duyên em thì em phải lấy chồng/Em yêu anh như rứa, giừ (giờ) có mặn nồng thì tùy anh.

Chúng tôi say mê chìm đắm trong những giọng hát truyền cảm, ngọt ngào, sâu lắng của các cô gái, chàng trai. Chúng tôi mê mải những câu hát cổ qua những giọng hát dày dặn, đầy từng trải của các nghệ nhân.

Bà Noriko Aikawa-Faure - cố vấn về di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, Nhật Bản - đã không giấu được vẻ vui mừng khi nhìn các em bé say sưa theo từng câu hát, cố gắng bắt chước cách luyến láy của các cô chú. Bà nói rằng khi được truyền dạy một cách cẩn thận đúng theo lối truyền khẩu từ xưa và có những sinh hoạt cộng đồng thường xuyên thì hát ví, dặm sẽ còn sống mãi...

Nhạc sĩ Lê Hàm - một trong những người đi tiên phong trong việc sưu tầm, nghiên cứu dân ca ví, dặm - kể rằng ví, dặm đã hiện diện trong tất cả các sinh hoạt văn hóa của người dân xứ Nghệ. Người ta đã sáng tác thêm những lời mới để phù hợp cho lễ cưới, lễ tang, đám giỗ, đám tiệc... và còn sáng tạo thêm nhiều hình thức biểu diễn để thỏa mãn nhu cầu của nhân dân.

NSƯT Phạm Tiến Dũng, phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Nghệ An, cho chúng tôi biết thêm hiện nay ví, dặm cũng đã được đưa vào giảng dạy trong các trường tiểu học, trung học... Bên cạnh cách truyền dạy trực tiếp trong nhà trường và các CLB tổ chức các cuộc thi hát, những người Nghệ Tĩnh cũng có thể theo dõi các chương trình dạy hát ví, dặm được phát trong những giờ cố định trên đài truyền hình. Theo số liệu thống kê vào năm 2013, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện có 75 CLB đội nhóm hát dân ca ví, dặm với khoảng 1.500 thành viên, có 260 làng còn thực hành dân ca ví, dặm.

À ơi... Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/Sông Lam hết nước, thì đó với đây mới hết tình (lời cổ).

Những câu hát nghĩa tình mang trong mình những giá trị bền vững, chịu sự thử thách của thời gian, vẫn được trao truyền qua nhiều thế hệ và tạo nên bản sắc văn hóa của con người và vùng đất Nghệ Tĩnh. Những phường nón, phường vải, phường đan, phường buôn... - những môi trường lao động sản xuất mà nơi đó lối hát dân ca ví, dặm đã được định hình và phát triển - giờ đây đã có nhiều biến đổi. Phương thức sản xuất của hội nghề ngày xưa đã không còn, do đó không gian diễn xướng cổ truyền cũng chịu sự thay đổi. Tuy nhiên, những gì mà người xứ Nghệ đang tiếp nối trong sự sáng tạo cho phù hợp môi trường sống đương đại đang là một cách khẳng định sự đóng góp của mình vào di sản văn hóa của người Nghệ nói riêng, người Việt Nam nói chung.

Phát huy giá trị của ví, dặm Nghệ Tĩnh: khó!

80 bản tham luận đã được trình bày tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại (trường hợp dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh)” diễn ra tại TP Vinh (Nghệ An) ngày 15-5. Các nhà khoa học chú trọng bàn luận đến âm nhạc dân gian, giai điệu ngàn xưa của loại hình dân ca được xem là độc đáo đang tồn tại trong 260 làng với 75 nhóm dân ca ví, dặm ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhiều nhà nghiên cứu tại hội thảo có chung nhận xét: “Đối với dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh thì bảo tồn không khó. Phát huy giá trị của nó mới khó vô cùng. Vì vậy, ngoài chức trách của nhà quản lý loại hình văn hóa phi vật thể này thì người sáng tác, tái tạo và nghệ nhân dân gian mới là người phải phát huy, biết phát huy giá trị của nó”.

Hiện Bộ VH-TT&DL thừa ủy quyền của Chính phủ xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

ThS NGUYỄN THỊ HẢI PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp