13/07/2018 09:25 GMT+7

'Mẹ không để các con bỏ dở đường học như các anh chị'

TẤN LỰC
TẤN LỰC

TTO - Đó là lời cam kết của bà Dư với 3 đứa nhỏ, nhưng nói vậy cốt là để mấy đứa con yên tâm học hành thôi, chứ bà chẳng biết nuôi chúng ăn học được đến bao giờ.

Mẹ không để các con bỏ dở đường học như các anh chị - Ảnh 1.

Châu Văn Hiếu (trái) cùng anh trai Châu Văn Tình giúp mẹ cào sân ngô đang phơi dở tránh mưa - Ảnh: TẤN LỰC

"Thôi thì vợ chồng cố gắng hết sức, cho tụi nhỏ ăn học tới đâu mừng tới đó. Nếu mai này học hành giỏi giang thi đậu đại học, cao đẳng thì có bán nhà, bán đất, vay mượn cho con đi học hai vợ chồng tôi cũng vui lòng" - bà Dư tâm sự.

Chăm học, siêng làm

Ngôi nhà cũ lụp xụp của gia đình bà Hồ Thị Dư (51 tuổi) tại tổ 3, thôn Châu Khê, xã Bình Sa (Thăng Bình, Quảng Nam) nằm heo hút lẫn khuất sâu trong con đường đất nhỏ. Thế nhà vắng vẻ hiu quạnh cũng buồn như những số phận tá túc bên trong nó.

Cảnh nhà quá khó, 3 người con đầu của vợ chồng bà Dư từ sớm đã đứt đường học mang túi áo lên đường mưu sinh. Còn 3 đứa nhỏ đang học THCS, THPT, hai vợ chồng quyết không để chúng thất học như các anh chị.

Cơn mưa rào bất chợt đổ ập xuống giữa trưa hè, cậu út Châu Văn Hiếu (12 tuổi) và anh trai Châu Văn Tình (16 tuổi) nhanh chóng vớ cào ra sân gom khoảnh hạt ngô đang phơi dở. Mớ hạt ngô phơi khô sẽ là chỗ thức ăn dự trữ mùa mưa cho con bò mẹ trong chuồng - thứ tài sản có giá trị nhất của căn nhà lúc này.

Hiếu là học sinh lớp 6/1, Trường THCS Chu Văn An. Em có niềm say mê đặc biệt với môn toán. Em bảo những con số, phép tính có sức cuốn hút kỳ lạ không thể cưỡng lại và thế là trở thành sở trường. Hiếu tiết lộ để học bài nhanh thuộc và nhớ lâu, hằng ngày em dậy ôn bài từ 3h sáng. Đây là khoảng thời gian yên tĩnh và trí não dễ ghi nhớ nhất.

Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi cậu học sinh nhỏ con, nhút nhát này thuần thục công việc đồng áng nặng nhọc nhưng với người dân tổ 3 hình ảnh ấy quá đỗi bình thường. Mùa lúa chín, hai anh em Tình, Hiếu theo cha mẹ ra đồng. Cha mẹ cắt, kéo thì anh em Hiếu bó, vác lúa lên xe.

"Thấy hai đứa nhỏ làm chuyện nặng nhọc cũng có mấy người hàng xóm xì xào, bảo sao cha mẹ bóc lột sức lao động con cái. Cả xóm này chẳng nhà nào cho con ra đồng sớm như tụi nhỏ nên họ nói cũng phải.

Mình nghe họ nói tủi thân lắm, có cha mẹ nào muốn con cái lao động nặng nhọc nhưng hoàn cảnh quá khổ biết làm sao được. Hai vợ chồng nhắc chừng tụi nhỏ không bó lúa quá to, đừng ráng gánh quá nặng để khỏi vẹo cột sống", bà Dư nói.

Không chỉ biết làm lúa mà cuốc đất trồng khoai, trồng dưa hay nhổ rau cắt cỏ việc gì anh em Tình, Hiếu cũng làm giỏi. Mùa nào việc nấy, không ai bảo ai, anh em Tình tự động xắn tay vào việc đỡ đần cha mẹ.

Tình bảo cái khó bó buộc nên mấy anh em tự biết lao động phụ giúp cha mẹ. Những lúc cha mẹ và các anh em bận việc, cô con gái nhỏ Châu Thị Thuận bọc lót lo lắng mọi việc trong nhà từ rửa chén, quét nhà tới nấu ăn, giặt quần áo.

Mong con học hành thoát khổ

Ngồi nhìn cơn mưa giăng mù trời, bà Dư than thở từ đầu năm tới nay mưa nắng thất thường làm mấy luống dưa leo rồi cả khoai môn hư thối gần hết. Cả mùa dưa rồi tính hết chỉ bán được hơn 300 ngàn đồng, không đủ tiền bút vở cho mấy đứa nhỏ.

Nhà có 3 sào ruộng thì phân nửa là ruộng thuê của người khác. Đất đai ít, nông sản mất mùa, hai vợ chồng bà Dư đôn đáo làm thuê đủ việc để kiếm đủ tiền cho sắp nhỏ nhập học sau kỳ nghỉ hè.

Ông Châu Văn Hơn - chồng bà Dư, mới 53 tuổi nhưng trông đã già sọm như quá tuổi lục tuần. Hết mùa, vừa buông tay cuốc tay cày là ông Hơn cầm tay bây tay xô chạy theo các công trình xây dựng.

Gánh nặng áo cơm và nỗi trăn trở bước đường tương lai sắp con trĩu nặng trong ánh mắt, in hằn trên những nếp nhăn của cuộc đời đầy khắc khổ, nhẫn nại.

"Nghỉ hè mấy đứa nhỏ háo hức xin tui cho đi ra thành phố làm thuê kiếm tiền nhập học mà tui không cho. Con cái biết lo nghĩ, biết kiếm tiền thì mình mừng vì đỡ khổ nhưng nghĩ cảnh tụi nhỏ còn ngây dại, bon chen phố thị nhiều cám dỗ, dễ sa ngã nên vợ chồng bảo thôi. Mình ráng cực một chút, khổ thêm một chút nữa để lo cho sắp nhỏ học hành trọn vẹn, dù gì thì cũng đã khổ rồi mà", ông Hơn cười, tâm sự.

Cố nén tiếng thở dài, bà Dư bảo rằng hè này cả 3 đứa nhỏ đều xin cho đi học thêm hè nhưng nhà túng quá chỉ lo được cho một đứa. Nghe mẹ nói vậy, hai anh chị lớn là Tình, Thuận tự nguyện nhường cho út Hiếu đi học.

"Tôi chỉ cầu mong sao gia đình sống với nhau hạnh phúc, mấy đứa nhỏ được học hành tới nơi tới chốn có bằng cấp có việc làm thoát khỏi cái nghèo cái khổ đeo bám là mãn nguyện trong lòng" - bà Dư bộc bạch.

100 suất học bổng

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online sẽ giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Ước mơ của hai cậu học trò miền núi Bắc Trà My

TTO - Dù cảnh đời nghèo khó, thiếu thốn đủ bề, hai cậu học trò người Ca Dong vùng núi huyện Bắc Trà My, Quảng Nam vẫn vươn lên nghịch cảnh, nuôi ước mơ con chữ.

TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp