08/09/2024 11:55 GMT+7

Mẹ già tiễn con và những cuộc chia ly đột ngột

'Chú L. chồng cô M. vừa mới mất do đột quỵ. Cậu sắp xếp đi thăm nha'. Tôi đọc tin nhắn của người chị họ và bần thần.

Mẹ già tiễn con… - Ảnh 1.

Những cuộc chia ly đột ngột càng nhắc người ta sống trọn vẹn cho hiện tại - Ảnh: TỰ TRUNG

Bệnh đột quỵ bây giờ phổ biến và "không có vùng cấm", có những người rất trẻ cũng ngã gục và ra đi đột ngột khiến bao người ở lại phải thổn thức, đau lòng.

Và tôi đã lên thăm, một ngày cuối tuần, trước kỳ nghỉ lễ. Sau khi cùng anh chị họ qua nhiều con đường ở quận 12 (TP.HCM), nhà chú L. ở trong hẻm nhỏ, phía trước là mảnh đất rộng mà vợ chồng chú thuê để trồng cỏ. Nghề trồng cỏ được cô chú chọn làm từ hai mươi mấy năm nay, kể từ khi rời quê nhà vào Sài Gòn mưu sinh, có lẽ vì công việc này gần gũi với nghề nông vốn thuận tay với hai vợ chồng họ.

"Làm nghề ni cũng cực nhưng được cái ổn định và có thu nhập", cô chú kể với tôi khi có dịp về quê trong những ngày Tết. Năm nào hai vợ chồng chú L. cũng về quê nhiều dịp, giỗ chạp, Tết nhất... Tôi cảm được tấm lòng hiếu nghĩa với tổ tiên của họ trong những chuyến về này.

Ở quê nhà, chú L. còn một người mẹ già ngoài 80 tuổi. Bà móm mém, già quắt, thể hiện qua những nếp nhăn hằn sâu và mái tóc lơ thơ do rụng, bạc thếch.

Khi hay tin con trai đột ngột qua đời, người mẹ lặn lội cả ngàn cây số vào nhìn mặt lần cuối. Có lẽ đây là lần đầu bà vào Sài Gòn bằng một chuyến bay không dự kiến, không tính toán trước đó. Người già ở quê ngại rời xa nơi thân thuộc, ngay cả khi con cái có nhà cửa ở thành phố muốn đón vào ở luôn hoặc ở chơi dài ngày.

"Vào thành phố chật chội, ồn ào, tụi nhỏ bận công việc, mình vào vướng tay chân tụi nó" - bà cụ mẹ chú L. từng nói thế khi tôi hỏi "Sao bà không vô ở với vợ chồng chú L. cho vui, gần con gần cháu?".

Tôi nhớ giây phút bà bước vào nhà chú L. khi người con trai bà nằm đó, bất động. Bà òa khóc. "Con đi chi sớm rứa con ơi. Sao con bỏ mẹ mà đi trước như ri...".

Mọi người có mặt khóc theo bà. Sanh ly tử biệt vốn là lẽ đương nhiên của cuộc đời này, nhưng có những lúc chứng kiến ta không thể cầm lòng, nhất là cảnh mẹ già khóc con như mẹ chú L..

Thỉnh thoảng khi nghe, thấy, nghĩ về những cái chết trẻ của những người con, tôi lại được nghe mọi người nhắc nhau: cuộc sống vô thường. 

Rồi mọi người lắng lại phút ấy để nhắc chính mình: sống trọn vẹn hiện tại, nếu có thể gặp nhau thì dành thời gian chất lượng cho người thương, nhất là ba mẹ của mình.

Không ai biết ngày mai, ngày mốt ta hoặc ba mẹ mình sẽ rời cõi tạm, nên gặp và thương nhau, lo lắng mỗi lúc có thể là điều mình có thể làm.

Tôi lại nhớ lời nhắc nhìn kỹ mặt mẹ, mặt ba của thiền sư Thích Nhất Hạnh trong đoản văn "Bông hồng cài áo" được thầy viết năm 1962. Mùa vu lan thông điệp ấy mới được nhắc nhớ, nhưng tôi nghĩ cần được nhắc mỗi ngày mới đúng - để mỗi người không quên, không để bị vùi lấp bởi sự lao chen công việc, cuộc sống.

Tôi cũng nhớ lời vị thầy đã giảng trong mùa vu lan vừa rồi, khi tôi có dịp đi chùa cài hoa hồng, rằng mỗi người con hãy nghĩ đến sức khỏe và sự bình an của mình, sống khỏe sống vui cũng là một báo hiếu tuyệt vời.

"Nếu ta có mệnh hệ gì thì ba mẹ sẽ rất đau lòng" - thầy nói. Đó có lẽ là lời nhắc khác về món quà hiếu ân mà ta có thể kiến tạo từ chính bản thân, mỗi ngày, để mình không hối hận về sau...

Mẹ già tiễn con… - Ảnh 2.Người điên nổi tiếng ở Hội An và người mẹ già 50 năm theo bước chân con

TTO - Ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) có một người đàn ông điên nổi tiếng tới nỗi ngày nào không thấy ông ở các ngả đường, bà con lại thấy thiếu. Năm nay ông 53 tuổi, cũng là chừng ấy năm một người mẹ già luôn lẽo đẽo theo ông để chăm bẵm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp