ChatGPT đang làm say đắm thế giới công nghệ, truyền thông và giáo dục kể từ khi ra mắt công chúng vào tháng 11-2022. Theo tạp chí Time, bà Murati, với tư cách là CTO của OpenAI, là người trực tiếp lãnh đạo đội ngũ làm ra ChatGPT.
Ngoài ChatGPT, bà Murati lãnh đạo nhóm phát triển DALL-E, công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra tác phẩm nghệ thuật dựa trên văn bản.
DALL-E và ChatGPT cũng là hai sản phẩm AI được quan tâm nhất của Công ty OpenAI, đứng đầu là Sam Altman.
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Time, đăng ngày 5-2, bà Murati cho rằng công cụ trí thông minh nhân tạo (AI) như ChatGPT có thể "bịa đặt" nội dung phản hồi.
Cụ thể, ChatGPT phản hồi người dùng bằng cách dự đoán từ hợp lý tiếp theo trong một câu. Tuy nhiên, những điều AI thấy hợp lý có thể không phải lúc nào cũng chính xác.
Theo "mẹ đẻ" của công cụ này, cách để người dùng giải quyết vấn đề đó là tiếp tục tương tác với công cụ và hỏi lại những phản hồi mà họ không tin là đúng.
"Đối thoại là một cách để tương tác và phản hồi với hệ thống", bà Murati nói trong cuộc phỏng vấn.
Trước đây, OpenAI cũng đã thừa nhận rằng ChatGPT có thể đưa ra câu trả lời sai, và lưu ý rằng công cụ này có thể "đưa ra các hướng dẫn có hại hoặc nội dung sai lệch".
Ngoài ra, bà Murati bày tỏ lo ngại công cụ AI có thể bị lạm dụng và "kẻ xấu sử dụng".
"Đã có câu hỏi đặt ra về cách sử dụng công nghệ này trên toàn cầu. Làm sao để quản lý việc sử dụng AI theo cách phù hợp với các giá trị của con người?", bà Murati nói.
Theo CTO của OpenAI, vẫn chưa quá muộn để chính phủ và các bên liên quan khác xây dựng cách thức giám sát công cụ trí tuệ nhân tạo.
100 triệu người dùng ChatGPT
Theo tờ Business Insider, ChatGPT được coi là công cụ thay đổi cuộc chơi kể từ khi ra mắt công chúng vào năm ngoái. Hiện đã có hơn 100 triệu người dùng công cụ này cho các mục đích như viết mã lập trình (code), viết tiểu luận, thư, viết báo hay làm thơ.
Một số tổ chức lên kế hoạch thử nghiệm ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo khác để sản xuất báo chí và nội dung truyền thông. Trong khi đó, một số trường học đang muốn cấm học sinh sử dụng công cụ này.
Bất chấp sự tiến bộ của công nghệ, việc sử dụng AI để tạo ra nội dung đáng tin cậy vẫn được xem là một thách thức. Trang tin công nghệ CNET đã thử dùng AI để sản xuất một số bài báo rồi để biên tập viên con người kiểm tra và đánh giá. Kết quả là vẫn có những điểm không chính xác từ thành phẩm của AI.
Các trang tin tức khác bao gồm BuzzFeed và Men's Journal cũng đang hướng tới dùng công cụ AI sản xuất nội dung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận