07/05/2011 04:14 GMT+7

Mẹ của trẻ bị bỏ rơi

Chị Hiệp tâm sự
Chị Hiệp tâm sự

TT - Hai người phụ nữ bước vào tuổi ngũ tuần hằng ngày tình nguyện chăm sóc những em bé còn đỏ hỏn bị cha mẹ vô tình vứt bỏ. Đó là chị Đặng Thị Hiệp (54 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (50 tuổi), “cứu tinh” của những em bé bất hạnh ở tổ ấm Bình Minh.

gmKYMrY6.jpgPhóng to
Hơn 10 năm nay chị Hiệp tình nguyện chăm sóc hàng trăm bé sơ sinh bị bỏ rơi, coi các bé như con đẻ của mình - Ảnh: Hà Linh

Thăm tổ ấm, chúng tôi mới thấu hiểu được việc làm nhân nghĩa, tình thương bao la của các chị dành cho những đứa bé tội nghiệp này...

Nơi ở của tình thương

"Mỗi ngày nhìn các bé lớn lên là lòng mình thấy hạnh phúc và nhẹ nhõm. Cầu mong các con sức khỏe, lớn lên được sống bình an, hạnh phúc"

Tổ ấm tình thương này là một căn nhà cấp 4 rộng chừng 70m2, tại thôn Tân Mỹ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, do một số người phát nguyện đóng góp xây dựng từ năm 1992.

Hôm chúng tôi ghé thăm tổ ấm, đúng lúc bác xe ôm đưa một bé gái sơ sinh tím tái mà ông nhặt được từ bụi cây bên đường đến nhờ chăm sóc, tôi thấy lòng mình se lại. Đứa bé được chị Hiệp và chị Lành tiếp nhận, được vòng tay yêu thương của các mẹ ủ ấm và đút cho những thìa sữa nóng. Những giọt sữa nóng đã làm môi bé hồng trở lại. Bé gái tội nghiệp kia đã được cứu sống và sẽ được che chở, yêu thương, được bù đắp phần nào những bất hạnh sớm đến từ ngày còn nhỏ dại... như hàng trăm hoàn cảnh khác tại mái ấm này.

Chị Hiệp cho biết mỗi năm tổ ấm này đón khoảng 50 bé bị bỏ rơi ngay từ khi còn đỏ hỏn từ các bệnh viện, nhà hộ sinh hay từ các bụi cây bên đường... Công tác chăm sóc, nuôi dạy các trẻ bị bỏ rơi do hai chị đảm nhận chính, với sự hỗ trợ chi phí nuôi dưỡng của Ban Bác ái xã hội Giáo phận Huế. Nhiều em bé ở đây được các vợ chồng hiếm muộn từ khắp nơi đến nhận làm con nuôi. Tuy nhiên, cũng có nhiều em gắn bó với tổ ấm đến tuổi trưởng thành. Em Nguyễn Ngọc Sơn nay đã trở thành sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Huế - là anh cả của tổ ấm, rồi em Nguyễn Tấn đã học lên lớp 11...

Hạnh phúc cùng con

Qua người quen, chị Hiệp biết được tổ ấm Bình Minh và suốt hơn chục năm nay chị Hiệp tình nguyện rời nhà (tại thành phố Huế) để đến với tổ ấm, chăm sóc, nuôi nấng hàng trăm bé bị bỏ rơi. Chị cho biết đêm nào cũng bị đánh thức bởi tiếng khóc thét của con trẻ, khi thì bé đái dầm, lúc thì đói sữa mẹ. Những hôm trái gió, trở trời các bé ốm đau, cả chị và chị Lành phải thức trắng đêm trông trẻ. Chị kể: “Nằm ngủ bên các con quen hơi trẻ rồi, xa chúng một chút là nhớ quay quắt. Những đêm về thăm nhà ở Huế, chăn ấm nệm êm là thế nhưng tôi không tài nào chợp mắt được, mong trời nhanh sáng để về với các con...”.

Với chị Lành, gắn bó với tổ ấm Bình Minh cũng là một cơ duyên. Chị Lành bộc bạch: “Trước đây tôi dạy học ở miền Nam được hơn 16 năm. Nhưng đến năm 2005 tôi mắc bệnh nặng phải về quê chữa trị. Khi biết ở đây có mái ấm chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi nên tôi ghé qua thăm. Đến đây thấy những đứa trẻ tội nghiệp, thiếu tình thương cha mẹ nên tôi muốn được chăm sóc, vỗ về các bé. Dù công việc chăm trẻ nhọc nhằn sớm khuya nhưng tôi lại thấy mình thoải mái, sức khỏe cũng tốt hơn, không còn đau đớn bởi bệnh tật hành hạ nữa”. Năm năm nay, suốt ngày bận bịu với trẻ nhỏ nên chị Lành cũng chỉ về thăm gia đình vỏn vẹn vài ba lần dù nhà chị cách nơi này chỉ chừng 50 cây số.

Cả chị Lành lẫn chị Hiệp đều không muốn nói nhiều về mình mà chỉ tâm sự: “Niềm vui lớn nhất để chúng tôi gắn bó với công việc này là cứu sống được những trẻ thơ vô tội bị vứt bỏ, đồng thời giúp được người hiếm muộn có những đứa con nuôi kháu khỉnh, ngoan hiền”.

Nguyễn Tấn tâm sự: “Em may mắn được về với tổ ấm Bình Minh, hằng ngày được mẹ Lành, mẹ Hiệp tận tình chăm sóc, thương yêu như con đẻ. Ở đây em được đùm bọc, chở che, mọi người yêu thương nhau giống như trong một gia đình. Hình ảnh các mẹ hằng đêm phải thức để thay tã lót và ru các em bé ngủ làm em tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải học thật giỏi để sau này có thể đỡ đần các mẹ, các em”.

Mới đây tổ ấm đón nhận sự trở về của em Lê Nguyên Khôi. 11 năm trước, Khôi được một phụ nữ hiếm muộn ở Đà Nẵng nhận về làm con nuôi lúc em mới 45 ngày tuổi. Nhưng mẹ nuôi Khôi đã mất cách đây vài tháng, may mà trước khi mất bà kịp trở lại cậy nhờ tổ ấm nuôi dạy Khôi trưởng thành. “Năm nay Khôi học lớp 5, cháu chăm ngoan và đạt học sinh giỏi, ai cũng thương. Thấy mẹ nuôi chết vì bệnh tật nên Khôi luôn ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo và giúp các mẹ chăm lo sức khỏe cho các em”- chị Lành chia sẻ.

Chị Hiệp tâm sự
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp