21/02/2019 12:09 GMT+7

Mẹ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ: 'Đau khổ khi con bị giám định tâm thần'

TUYẾT MAI - PHƯỚC TUẦN
TUYẾT MAI - PHƯỚC TUẦN

TTO - Sáng 21-2, phiên tòa xét xử vụ án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ ông vũ) tiếp tục phần hỏi.

Mẹ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Đau khổ khi con bị giám định tâm thần - Ảnh 1.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên xét xử sáng 21-2 - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Để làm rõ quan hệ hôn nhân và khối tài sản của vợ chồng vua cà phê, luật sư Trương Thị Hòa (luật sư vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn - ông Vũ) đã đặt một số câu hỏi cho nguyên đơn về quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên bà Thảo không trả lời.

Luật sư tiếp tục hỏi bị đơn về định hướng phát triển Trung Nguyên. Trả lời câu hỏi, ông Vũ nhiều lần trình bày Trung Nguyên không còn tính mới. Ông nói "một doanh nghiệp muốn phát triển phải có tư tưởng của nó." Ông Vũ cho rằng một tập đoàn cũng giống 1 quốc gia, phải hiểu thấu gốc nguồn văn hóa văn minh, thiết kế mô hình, tổ chức phẩm tính, phẩm hạnh, những con người có thể thực thi.

Từ 1996 đến năm 2008, Trung Nguyên đã thiết kế được nền tảng. Quá trình đi lên, Trung Nguyên đã thiết kế được quyền lực mềm, có trách nhiệm với xã hội. Và giai đoạn 3 là ảnh hưởng toàn cầu. "Những chương trình thanh niên, khởi nghiệp Trung Nguyên luôn là người đi đầu, luôn là người tiên phong" - Ông Vũ khẳng định.

Không khí căng thẳng khi luật sư hỏi bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ) về mối quan hệ giữa con dâu - mẹ chồng. Bà Ước khẳng định con dâu có đóng góp nhưng không đóng góp về tiền bạc vào Trung Nguyên. Theo lời bà Ước, năm 1996 bà và ông Đặng Mơ (chồng bà Ước, cha ông Vũ) đã bán 2 căn nhà, mượn bạn 1 chiếc xe trị giá 15 triệu, và mượn người quen 25 triệu để giúp con khởi nghiệp.

"Nhờ sự đóng góp của gia đình, bạn bè mới có ngày hôm nay. Gia đình tôi lúc đó không biết cô Thảo là ai. Trung Nguyên là do gia đình tôi tạo dựng nên" - bà Ước nói tại tòa.

Mẹ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Đau khổ khi con bị giám định tâm thần - Ảnh 2.

Bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ) - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Nói về việc bà Thảo nhiều lần yêu cầu tòa tuyên bố ông Vũ mất năng lực hành vi dân sự, bà Ước cho rằng bà và chồng đã đưa con trai đi khám nhiều nơi.

"Khi hội đồng y khoa quyết định Vũ không có bệnh lúc đó tôi yên tâm trở về. Sau đó cô Thảo còn nói phải đi giám định nữa, tôi rất đau lòng, đã là vợ chồng với nhau không còn tình thì còn nghĩa…" - bà Ước nói.

Tuy nhiên, câu hỏi bị ngắt vì ông Vũ nhiều lần phản đối: "Đừng bắt người mẹ của qua trả lời những câu này".

Bà Ước cũng thể hiện nhiều bức xúc với con dâu. Tuy nhiên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng những điều này là không đúng sự thật.

"5 năm trên núi làm sao điều hành?"

Đó là câu hỏi mà luật sư đặt ra cho phía bị đơn nhằm xác định vai trò dẫn dắt, điều hành của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đối với Tập đoàn Trung Nguyên.

Mẹ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Đau khổ khi con bị giám định tâm thần - Ảnh 3.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại phiên tòa xét xử sáng 21-2- Ảnh; PHƯỚC TUẦN

Trả lời câu hỏi ông Vũ ở trên núi 5 năm, làm sao điều hành? Đại diện bị đơn cho biết trong quá trình 5 năm, tất cả hồ sơ giấy tờ đều thông qua bị đơn. Bị đơn chỉ đạo từng người theo đúng định hướng phát triển của công ty. Tất cả cuộc họp của HĐQT đều thông qua ông Vũ và có sự tham gia của bà Thảo.

Theo đó, Trung Nguyên thành lập từ ngày 15-8-1996, đại diện theo pháp luật là ông Đặng Lê Nguyên Vũ, vốn điều lệ là 2 triệu đồng. Từ khi hoạt động đến nay, ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người điều hành, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật.

Với chức vụ đó, ông Vũ có quyền bổ nhiệm chức vụ trong công ty, cụ thể như năm 2008, ông bổ nhiệm bà Thảo là phó tổng giám đốc, thời gian giữ chức vụ 5 năm. Tuy nhiên, ông Vũ vẫn là người trực tiếp điều hành Trung Nguyên.

Cũng tại tòa, đại diện bị đơn cho biết hiện nay giữa nguyên đơn và công ty, bị đơn đang phát sinh 18 tranh chấp tại tòa án. Tòa án đã áp dụng 11 biện pháp khẩn cấp tạm thời. Việc này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công ty, quyền lợi của cổ đông và hơn 5.000 người lao động.

Trong vụ án ly hôn này, tòa án đã áp dụng 2 biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa tài sản (tổng cộng là hơn 150 tỉ đồng) của một số công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.

Vì sao chia 70-30?

Sau phiên tòa hôm qua, nhiều người đặt câu hỏi về việc vì sao bị đơn đề nghị tòa chia tài sản chung theo tỉ lệ ông Vũ 70% và bà Thảo được 30%.

Trả lời câu hỏi này, đại diện theo ủy quyền cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết thông thường tài sản vợ chồng được phân chia theo nguyên tắc chia đôi 50-50, tuy nhiên khi phân chia cũng phải xem xét dựa trên đóng góp của các bên.

Bị đơn là người sáng lập ra tập đoàn Trung Nguyên. Sự phát triển của Trung Nguyên qua các thời kỳ đều gắn liền với ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Trong thời gian 5 năm ông Vũ lên núi, ông vẫn là linh hồn của Trung Nguyên.

"Ông Vũ nói Trung Nguyên 20 năm qua không còn tính mới. Muốn phát triển phải có sách lược. Kết quả của 5 năm nghiền ngẫm, vừa qua Trung Nguyên dưới sự điều hành của ông Vũ đã ký kết nhiều chương trình hợp tác quốc tế, đưa Trung Nguyên lên một tầm cao mới. Người khiến Trung Nguyên phát triển không ai khác là Đặng Lê Nguyên Vũ" - đại diện bị đơn khẳng định.

Trả lời câu hỏi vì sao bị đơn yêu cầu chia tài sản theo tỉ lệ 70-30 nhưng sẽ trả tiền cho bà Thảo, đại diện bị đơn cho rằng đây là điều hợp lý và có căn cứ pháp lý. Theo phía bị đơn, bản thân ông Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên đã và đang trải qua 18 vụ kiện, nếu tiếp tục tồn tại mâu thuẫn này sẽ không tốt cho sự phát triển của Trung Nguyên.

Bên cạnh đó, nguyên đơn - bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng đã thành lập công ty riêng, hoạt động trong lĩnh vực cà phê, cùng ngành hàng với Trung Nguyên. Bị đơn đã có cơ ngơi riêng, phát triển mạnh mẽ trong nước và quốc tế. "Chúng ta đều thấy mâu thuẫn rất lớn giữa nguyên đơn và bị đơn" - phía bị đơn phân tích.

Giải thích về việc chỉ đồng ý cấp dưỡng cho 4 người con chung 10 tỉ/năm, phía bị đơn cho rằng khi nào ông Vũ tin tưởng sẽ trao lại tài sản cho con.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo xin rút đơn, "vua" cà phê Trung Nguyên không đồng ý

TTO - Cuối phiên xét xử vụ ly hôn giữa vợ chồng "vua" cà phê Trung Nguyên sáng 21-2, Hội đồng xét xử gợi ý nguyên đơn về việc rút đơn ly hôn, theo đó bà Thảo sẽ lui về nuôi 4 người con, rút khỏi Trung Nguyên để ông Vũ toàn quyền điều hành tập đoàn.

TUYẾT MAI - PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp