Nhờ ghép tạng mà nhiều bệnh nhân tưởng như không còn cơ hội sống, đã hồi sinh - Ảnh: H.T.
Thông cáo báo chí ngày 22-3 cho biết con trai bà N. hiến tạng tại Bệnh viện 108 hôm 16-9-2020, có 5/6 ca ghép thực hiện tại Bệnh viện 108 và người nhận tạng đều đã gặp hoặc gọi điện cho gia đình bà N..
"Việc gia đình người bệnh được cứu sống nhờ nhận mô tạng của người hiến ngày 16-9-2020 chủ động liên lạc và gửi lời tri ân đến gia đình người hiến xuất phát từ sự trân trọng, biết ơn, trường hợp này hoàn toàn là sự tự nguyện của 2 bên và không trái pháp luật" - thông cáo của Bệnh viện 108 cho biết.
Bệnh viện 108 cũng trích khoản 4, điều 4, Luật hiến, lấy, ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có quy định giữ bí mật thông tin có liên quan người hiến, người ghép, trừ trường hợp 2 bên có thỏa thuận.
"Ghép tạng là kỹ thuật đỉnh cao của y học hiện nay, giúp cứu sống nhiều người bệnh. Để thực hiện được kỹ thuật này, điều quan trọng nhất là nguồn tạng hiến. Hiến tạng là nghĩa cử cao đẹp, một người mất đi về mặt sinh học nhưng có thể giúp nối dài sự sống cho nhiều người khác, hơn nữa có thể hiểu họ đang tiếp nối cuộc sống của mình trong một cơ thể khác, đây là niềm an ủi cho cả người nhận và người hiến tạng" - Bệnh viện 108 cho biết.
Trước đó, dư luận xôn xao khi lần đầu tiên mẹ của người hiến tim có đơn bày tỏ nguyện vọng được biết về người nhận tim của con trai. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nơi thực hiện ca ghép tim, cho biết do quy định của pháp luật là giữ bí mật nhân thân 2 bên hiến, ghép nên bệnh viện giữ bí mật. Hiện đang có tranh cãi chưa có lời giải xung quanh vụ việc này.
Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia dự kiến sẽ có cuộc họp bàn giải pháp cho vụ việc hi hữu này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận