Phóng to |
Ở tuổi 73, bà Liên vẫn ân cần chăm sóc con như ngày còn nhỏ - Ảnh: M.Hoa |
Mẹ già lặn lội vào chăm con. Bệnh tật, đau đớn, mỏi mòn chẳng biết đến bao giờ mới thôi giày vò hai con người ấy...
Sau một cú ngã
"Tôi chỉ ước sao có đôi bàn tay khỏe mạnh. Nếu có ngày đó, tôi sẽ tự đẩy xe lăn đi bán vé số để mẹ được nghỉ ngơi, được về thăm quê. Nếu có ngày đó, tôi tự nhủ mình phải sống tốt để đáp lại tấm lòng của mọi người đã cưu mang mẹ con tôi lúc hoạn nạn này" Anh LÊ VĂN THÀNH |
Sài Gòn mưa đã mấy ngày, cũng là từng ấy thời gian mẹ con bà Nguyễn Thị Liên (73 tuổi) và anh Lê Văn Thành (29 tuổi) bị đói. Trong căn phòng trọ trên đường 120 (KP2, P.Tân Phú, Q.9, TP.HCM), hai mẹ con hết nhìn mưa lại nhìn nhau khóc. Gạo sắp hết. Trời mưa quá, bà cụ cũng chẳng ra được chợ xin mớ rau, trái bí về nấu cơm. Đến giờ ăn trưa, bà Liên lấy một chén cơm, chan nước canh rồi trải một tờ báo trên giường, xoay cho con nằm ngửa ra. Từng muỗng, từng muỗng nhỏ đưa vào miệng con. Đôi bàn tay người già hơi run, nhưng những động tác bón cơm cho con, bà khẽ khàng, cẩn trọng, tình cảm như một bà mẹ trẻ âu yếm đứa con thơ.
Trên giường, anh con trai nằm bất động, toàn thân teo lại, khô gầy, chỉ có cái đầu còn nhúc nhích được. May sao anh vẫn nói chuyện được.
Cho con ăn xong rồi, bà Liên lầm lũi tự bới nửa chén cơm còn lại trong nồi, cũng chan nước canh rồi trệu trạo nhai. Câu chuyện của bà Liên về con cứ chảy dài, chảy dài theo từng giọt nước mắt xót xa của người già.
Bà Liên quê xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Trong số năm người con của bà, chỉ có anh con trai út tên Thành là khỏe mạnh, thông minh nhất. Nhưng dù ông bà đã cố sức, cả cậu con trai vừa học vừa làm quần quật cũng chỉ đủ cho anh bám trụ giảng đường ĐH Thương mại (Hà Nội) được hơn một năm. Không còn gắng gượng được nữa, anh Thành bỏ học, xuôi tàu vào Nam làm mướn đủ thứ việc. Năm 2007 trong một lần đi phụ hồ, anh Thành ngã từ lầu ba xuống bị chấn thương đốt sống cổ, liệt tứ chi. Một tuần sau tai nạn đó, ở quê nhà bố anh mất. “Đám tang bố, nó không về được, tôi đã nghĩ có chuyện chẳng lành. Thu xếp xong việc nhà, tôi vào Nam. Tới nơi, thấy con nằm trên giường bệnh, không nhúc nhích được. Tôi quỵ sụp xuống. Ngày ra đi cứ nghĩ vào cho gần con, rồi sau này đỡ đần con bế bồng cháu nội. Thế mà...” - bà Liên kể.
Cả anh Thành và mẹ chưa một lần được trở lại quê nhà. Mọi sinh hoạt của anh Thành đều phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Cuộc sống của hai mẹ con giữa Sài Gòn trong căn phòng trọ chưa đầy 6m2 cứ lay lắt, chẳng biết được ngày mai sẽ ra sao!
Những đêm dài...
Căn phòng quá chật, chỉ kê vừa một chiếc giường đơn bé xíu đủ cho anh Thành nằm. Tối, bà Liên ngả chiếc ghế gấp nhỏ xuống dưới sàn nằm ngủ, cứ đều đặn hai tiếng lại dậy trở mình cho con một lần.
Tuổi già khó ngủ, cứ mỗi lần đối diện với bóng đêm yên lặng, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, thương con, bà lại tủi thân nằm khóc. Đã hơn hai tháng nay, anh Thành trong người khó ở, sốt liên tục, không ăn được cơm. Bà Liên phải đi xin tiền, dành dụm được mấy trăm nghìn đồng đưa con đi khám bệnh. Bác sĩ kết luận anh bị suy nhược cơ thể nặng. Nằm một chỗ quá lâu, anh còn mắc thêm chứng nhiễm trùng đường tiểu, viêm bàng quang mãn tính. Không có tiền, chỉ khám xong cho biết bệnh, bà lại đưa con về. Có đêm trời lạnh anh Thành bị co rút cơ, đang nằm bỗng rú lên một tiếng, người giật nảy lên văng xuống đất trúng ngay chỗ mẹ nằm. Giữa đêm khuya, hàng xóm đã ngủ, biết kêu ai? Bà lại gồng mình bồng bế con trở lại, vỗ về...
Trong câu chuyện đầy khó nhọc, anh Thành nói ám ảnh nhất là những đêm không ngủ. Câu anh tự hỏi mình nhiều nhất trong đêm là “có nên gọi mẹ dậy không?”. “Muốn mẹ được ngủ yên thêm chút nữa cho tròn giấc, ban ngày mẹ đã khó nhọc lắm rồi. Nhưng nếu không gọi, mình nằm thêm một lát lại đi tiểu ướt chăn, làm tội mẹ ngày mai phải giặt. Đường nào cũng là mình làm khổ mẹ”. Mặc dù thành nếp, cứ đúng hai tiếng bà Liên trở dậy một lần, nhưng anh Thành nói những ý nghĩ đó đêm nào cũng trở đi trở lại trong đầu, kèm theo sự đau đớn về thể xác khiến anh không ngủ được.
Thế là, có những đêm cả mẹ và con cùng không ngủ. Mỗi người theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình. Bà Liên nói mấy hôm nay bà mơ thấy được về nhà. Căn nhà ở quê từ ngày bà đi đã trở nên hoang lạnh. Mới đây, có người nhắn vào là nhà bị bão làm sập mất một góc rồi.
Sống trong sự cưu mang
Bà Nguyễn Thị Huệ (50 tuổi), làm nghề lượm ve chai, thuê trọ gần dãy nhà của bà Liên, kể: “Thi thoảng bà cụ lại xin của bà con khu này, mỗi người vài ba ngàn đồng lấy tiền mua thuốc và đi chợ. Mà, chưa cần xin, chỉ cần nhìn thấy bà là người ta đã thương đem tiền dúi vào tay cho rồi”.
Mẹ con bà Liên không có nguồn thu nhập nào. Căn phòng hai người đang ở là nhà của người anh trai Thành. Người anh đi làm hồ, một nách bốn đứa con đang đi học, chẳng đỡ đần mẹ và em trai được nhiều. Ở cả khu này, hình ảnh một bà cụ miền Trung, mặc quần đen, áo bà ba nâu sờn rách đẩy xe lăn đưa con đi dọc phố đã không còn xa lạ. Đẩy con ra tới chợ Tân Phú gần đó, người treo vào xe bó rau, người cho ít thịt, thế là mẹ con bà có bữa ăn. Đã sáu năm nay, hai mẹ con bà sống bằng sự cưu mang của bà con lối phố như thế. Một tổ chức từ thiện gần nhà tới nhà tặng bà mỗi tháng mấy ký gạo, ăn uống dè sẻn cũng gần đủ. Nhưng dạo gần đây bà ăn ít đi, phần vì trong người mệt mỏi, phần vì chiếc xe lăn của con đã quá cũ kỹ.
Trong một lần đưa con đi khám, bà Liên cũng được vào khám. Bác sĩ nói bà bị cao huyết áp, hở van tim hai lá, rất dễ bị ngất xỉu. Thế là có khi người mẹ chóng mặt rồi ngất xỉu ngay trước mặt con mình. Nhưng đứa con vẫn nằm yên đó, thân thể bất động. Chỉ có đôi tay quờ quạng và tiếng kêu la run rẩy, ruột gan người đau như có ai đang cào xé...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận