Cỗ xe kéo tự tạo để lượm ve chai của mẹ con bà Hai Dong - Ảnh: M.T. |
Bà Nga năm nay 86 tuổi, người địa phương vẫn thường gọi là bà Hai Dong. Bà làm nghề lượm ve chai, dọn vườn mướn kiếm sống. Sáu năm trở lại đây, đôi chân của bà đã yếu nên mỗi lần đi lượm ve chai, mần cỏ mướn hay đi bốc thuốc đều ngồi lên chiếc xe tự chế để anh Nguyễn Thanh Phương, 43 tuổi - người con trai bị bệnh tâm thần của bà - kéo đi.
Đời buồn
Hình ảnh quen thuộc tới mức chỉ cần nghe tiếng dằn xóc của chiếc xe tự chế và tiếng nói cười của người con là người khác có thể đoán được ngày đó hai mẹ con thu nhập ít hay nhiều.
“Mỗi lần lượm được nhiều phế liệu, kiếm được kha khá tiền là thằng nhỏ vui. Nó kéo xe chạy cời cời làm tôi muốn rụng lưng. Còn ngày nào được ít, nó buồn và chỉ lầm lũi kéo xe, không thèm nói chuyện” - bà Nga trìu mến nhìn Phương nói.
Bà Hai Dong có tổng cộng tám người con. Chồng bà bỏ đi biệt tích khi đứa con út là Nguyễn Thanh Phương còn đỏ hỏn, ẵm ngửa trên tay. Đã 43 năm qua, một tay bà chèo chống làm đủ thứ nghề nuôi con khôn lớn, lần lượt dựng vợ gả chồng cho từng đứa.
“Người địa phương biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn nên không ai chịu thiệt mà lấy con tôi, chỉ những người ở xa mới chấp nhận nhưng dâu, rể gì cũng nghèo khó nên sau khi gả cưới thì chúng đi biền biệt, không có tiền về thăm tui” - bà Hai Dong nói.
Trong ngôi nhà tình thương do mạnh thường quân xây dựng, bà Hai Dong ở chung với ba người con, trong đó có hai người là Nguyễn Văn Mạnh (63 tuổi) và anh Phương bị bệnh tâm thần nhẹ.
Người con gái là Nguyễn Thị Mỹ Dung, 44 tuổi cũng bị kém trí nhớ, bệnh tật thường xuyên. Số tiền trợ cấp của bà và hai người con trai chỉ đủ tiền thuốc men nên dù mỗi người mang ít nhất vài căn bệnh trong người, bốn con người bất hạnh này vẫn ngày ngày đi làm kiếm sống.
Riêng bà Hai Dong cùng người con trai tên Phương thu nhập từ việc lượm ve chai được 10.000 - 20.000 đồng. Ngày nào không đi làm được, bà lại thấy lo lắng vì không biết có đủ gạo để ăn trong ngày hay không.
Mong các con “đi” trước
Hễ đi làm thì thôi, cứ về đến nhà là bà Hai Dong lại ngồi rầu rĩ trên chiếc võng trước nhà, mắt thẫn thờ nhìn ra dòng kênh phía trước.
Trong khi năm người con khác đã có gia đình riêng thì ba người còn lại “xem như không còn hi vọng gì” - như lời bà nói. Bà chỉ sợ mai mốt bà mất, những đứa con bị tâm thần của mình không có ai lo.
Trong một lần bà được người con kéo đi dọc quốc lộ 1 để lượm ve chai, một chiếc xe ba gác tông vào chiếc xe tự chế khiến hai mẹ con bà ngã nhào xuống vệ đường.
Lồm cồm bò dậy, bà ôm đứa con trai khóc như mưa, miệng méo xệch buột miệng nói: “Mẹ sợ mẹ chết rồi không ai lo cho mày và thằng Mạnh. Mẹ phải sống đến lúc các con già đi và chết trước thì mẹ mới an tâm nhắm mắt!”.
Nguyễn Văn Mạnh là con trai lớn của bà, năm nay đã bước qua tuổi lục tuần nhưng bị tâm thần nên không ai lấy. Ngày nào khỏe và tỉnh táo, Mạnh thường theo những người đi vác bột kiếm tiền. Nhưng vốn bị kém trí nhớ nên cũng không ai mặn mà thuê.
Bà con chòm xóm thương tình nên mỗi khi có đám tiệc, họ bọc thức ăn lại rồi treo trước cổng rào để bốn mẹ con đi làm về còn có cái ăn. Khi dư dả trái bầu, con cá, họ ném qua hàng rào nhà bà để mấy mẹ con bà có cái nấu ăn.
Ông Phùng Thanh Nghiêm, trưởng ấp Mỹ Hưng, cho biết bà Hồ Thị Nga thuộc diện hộ nghèo từ nhiều năm nay, hộ có bốn nhân khẩu, hai người bị bệnh tâm thần nhẹ. Mỗi lần có quà cáp hay tiền ủng hộ của các chương trình, các mạnh thường quân là ấp luôn ưu tiên cho gia đình bà Nga. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận