Phóng to |
Biết thế, nên ông Nguyễn Thế Hải, quyết tâm ra riêng sau khi cưới vợ. Với ông, đó là biện pháp để bảo vệ cả hai người đàn bà mà ông yêu nhất trên đời. Ngay trong ngày tổ chức tiệc cưới của ông, mẹ ông thấy con trai không ngủ trưa để đưa vợ đi “làm mặt”, bà xót xa trong lòng, và nỗi đau này bà trút vào “mặt” của đứa con dâu “Nó đi một mình không được sao?”. Khuôn mặt cô con dâu rạng rỡ bao nhiêu, thì khuôn mặt bà mẹ chồng eo sèo bấy nhiêu.
Nỗi buồn thầm lặng của bà mẹ chồng ngày càng chất chồng khi cặp vợ chồng trẻ ríu rít trong căn hộ cách nhà bà không xa. Từ ngày con trai lấy vợ, cô vợ thay chồng đưa tiền cho mẹ chồng xài. Bà cảm thấy thật tủi thân, như thể con dâu đang làm từ thiện. Cái Tết đầu tiên, cô con dâu hí hửng mang về cho mẹ chồng 10 triệu đồng để bà vui xuân. Dè đâu, bà mẹ chồng trộm nghĩ: “Nó đưa cho mình chừng này, chắc là đưa cho má nó gấp đôi, có gì mà mình phải mừng vui. Mà tiền thì do con trai mình cày vất vả mới có…”.
Suy nghĩ chi phối hành động, bà cau có với con dâu, cảm thấy nó mới là chủ nhân thật sự của con bà. Thấy con dâu nói cười vui vẻ, bà cứ có cảm giác giả dối. Giọt nước tràn ly, khi cô con dâu bắt ông xã về nhà mẹ ruột ăn uống cả tháng để cô đi công tác nước ngoài. Trời đất ơi! Đàn bà kiểu gì lấy chồng không lo đẻ chửa, sinh con mà cứ lo tiến thân. Bà thấy đời mình thật xui xẻo, có thằng con trai nuôi nấng, ẵm bồng, cho ăn từ nhỏ đến năm 30 tuổi, để rồi một hôm bà bị mất con. Vậy mà con dâu bà không lo cho chồng, để mặc con bà bơ vơ. Bà sang nhà con trai, lên án đứa con dâu “ích kỷ, bạc bẽo” và đề nghị cô ta phải coi gia đình là trên hết. Con dâu bà nhìn mẹ chồng như người ngoài hành tinh. Cô không nói gì, nhưng cũng không đổi thay. Chỉ có ông chồng trẻ phát sốt để hàn gắn trái tim tan nát của hai người đàn bà.
Mẹ chồng - nàng dâu ở chung một nhà, thường là những câu chuyện dài nhiều tập. Sông có khúc, mẹ chồng - nàng dâu cũng có lúc này, lúc kia. Bà Trần Thị Hương (Phường 5, Gò Vấp), một lần đi bộ cùng với các bà hàng xóm, mang bộ mặt hình sự về nhà, bóng gió nói vọng vào bếp: “Nhà này, đúng là nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà, nên chuyện gì hàng xóm cũng biết”. Thì ra, bà đinh ninh, cô con dâu “nhỏ to tâm sự” với hàng xóm chuyện bà mới quen với một người đàn ông. Bà đã góa chồng từ lâu, một mình nuôi thằng con trai khôn lớn.
Bây giờ có kẻ đã lấy chồng, mà còn ganh tị khi thấy mẹ chồng có người yêu. Lâu nay, bà cưng chiều con dâu, để rồi nó “chơi” bà. Trước sự hằn học của bà mẹ chồng, cô con dâu biện minh: “Con mừng cho mẹ có được niềm vui, an ủi tuổi già, chứ đâu có ác ý gì...”. Ông chồng về nhà không nuốt nổi miếng cơm, vì hai bà tranh nhau chứng minh lòng thành, lòng tốt của mình. Ai cũng kể công đã hết lòng lo cho gia đình, lo cho người thân. “Mẹ coi nó như con gái...”, “Em coi má như mẹ ruột...”. Vậy mà, bây giờ 2 bà có một chuyện nhỏ xíu xé ra thành chuyện đại sự.
Có không ít bà mẹ chồng thấy con dâu là nổi da gà “ớn lạnh”. Đó là các cô con dâu đón má chồng từ quê ra để đỡ tốn tiền mướn ôshin. Theo con dâu thì bà có phước vô cùng, nấu cơm bằng bếp ga, lò vi sóng, giặt đồ bằng máy, nấu nước bằng điện... nhà cao cửa rộng, tivi có cả hàng chục kênh... Thế nhưng, bà có thấy hạnh phúc đâu. Đâu có được đi đầu làng cuối xóm để trò chuyện, để ăn cỗ. Già không có bạn, như cây không có lá, trùi trụi khó chịu quá. Thằng cháu nội về đến nhà, ăn cơm xong là đi học thêm. Chủ nhật, thằng cháu lại cắm đầu vào vi tính, tivi. Nó bảo bà lạc hậu quá, không viết được blog, không biết nhắn tin, cũng chẳng muốn coi phim siêu nhân. Chơi với bà thật là chán quá!
Và có những bà mẹ chồng như một “quân sư” cho cả nhà. Như bà Trần Thị Thảo, phụ trách tay hòm chìa khóa, để con trai, con dâu chỉ lo tập trung chuyện đi làm kiếm tiền. Con dâu bà như người trúng số, khi có một quản gia tài ba trong nhà. Nhưng, bà cho biết: “Phải thăm dò lòng nhau nhiều lắm, con dâu mẹ chồng mới thật sự cảm thông. Tôi phải hiểu con trẻ, nó phải hiểu bà già. Vậy mà cũng có những lúc cọc cạch. May mà ông chồng trẻ cũng góp phần làm cho tình hình trong nhà luôn hòa bình”. Mẹ chồng - nàng dâu thuộc tuồng xưa tích cũ, mà vẫn diễn thường xuyên trong nhiều gia đình. Trong thời hiện đại, mẹ chồng cần có nhiều đổi mới, còn nàng dâu cần chút tinh tế dịu dàng... để những người trong nhà mới là ruột thịt. <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
PHƯ CHU
Tuổi Trẻ Cười số 366 (ra ngày 15-10-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận