Kỹ sư chỉnh sửa máy tính lượng tử của Google và hình ảnh của chip lượng tử - Ảnh: ZME Science
Đây là khẳng định của Google sau sự kiện vào ngày 23-10 họ tuyên bố thiết kế được một chiếc .
Cỗ máy này có thể giải quyết trong vòng 200 giây một phép tính mà cỗ siêu máy tính hàng đầu thế giới mất 10.000 năm mới tính ra. Tuy nhiên, hãng công nghệ này nhanh chóng nhận được nhiều hoài nghi về sự cần thiết của máy tính lượng tử.
Nhiều người đặt câu hỏi rằng: liệu con người có thật sự cần việc tính toán siêu tốc như thế hay không?
Trả lời cho câu hỏi này trong buổi họp báo hôm 24-10, đại diện Google cho biết máy tính lượng tử có thể ứng dụng trong các lĩnh vực từ nông nghiệp đến năng lượng và bảo vệ môi trường.
Đại diện Google ví von máy tính lượng tử mới với chiếc máy bay đầu tiên của thế giới. Tuy chỉ bay được 12 giây ngắn ngủi, chiếc máy bay này đã chứng minh cho một nguyên tắc cơ bản, mở đầu cho các ứng dụng thực tế trong nhiều thập kỷ kế tiếp.
"Chúng tôi thấy rằng các ứng dụng ra đời trong thời gian sắp tới sẽ gây khó khăn cho máy tính thế hệ cũ... Nếu các bạn có thể mô phỏng những quá trình hóa học tốt hơn, các bạn có thể làm được nhiều việc, ví dụ như thiết kế các loại pin tốt hơn. Đây vốn dĩ là điều có lợi cho môi trường, tạo ra những mẫu xe điện hấp dẫn hơn và có thể giúp hệ thống lưới năng lượng hoạt động hiệu quả hơn" - phía Google giải thích.
Theo Google, máy tính lượng tử cũng góp phần kiểm soát và tiết kiệm năng lượng trong quá trình tạo ra phân bón. Hiện nay, quá trình cố định đạm (cố định nitơ) tạo ra hơn 2% lượng khí thải carbon của thế giới. Bên cạnh đó, siêu cỗ máy này trong tương lai có thể giúp tìm ra phân tử có khả năng được bào chế thành thuốc hiệu quả.
"Điện toán lượng tử cũng có thể giúp giải quyết các vấn đề tối ưu hóa, tạo ra những con số thật sự ngẫu nhiên, ứng dụng vào lĩnh vực học máy (machine learning) và nhiều thứ khác nữa. Đây là một khả năng hoàn toàn mới mẻ của máy tính, và chúng tôi rất vui mừng với những khả năng mà nó có thể mở ra cho tương lai" - đại diện Google cho biết.
Dù vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết, phía Google cho rằng sáng chế của họ mang tính cột mốc, khai phá những tiềm năng mới trong công nghệ máy tính tương lai.
"Đây là minh chứng đầu tiên cho việc kiểm soát chính xác một nguồn dữ liệu khổng lồ dựa vào nguyên lý lượng tử" - Google giải thích.
Bit và qubit
Một đơn vị thông tin của máy tính thông thường được gọi là bit. Một bit chỉ có thể thể hiện giá trị 1 hoặc 0 tại một thời điểm. Trong khi đó, các máy tính lượng tử sử dụng các bit lượng tử, hay còn gọi là qubit, có thể cùng một lúc là bất cứ dạng thức kết hợp nào của 0 và 1. Đây là điều khiến máy tính lượng tử có khả năng xử lý phép tính nhanh hơn nhiều so với máy tính thông thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận