17/06/2017 11:30 GMT+7

Máy gieo hạt của anh nông dân tài hoa

LÂM THIÊN - VĂN BÌNH
LÂM THIÊN - VĂN BÌNH

TTO - Những ngày này, từ sáng sớm anh Nguyễn Hồng Chương, xã Lạc Lâm, Đơn Dương, Lâm Đồng cùng gần chục thợ máy phải bận rộn với cái xưởng nhỏ, kiểm tra các máy gieo hạt “6 trong 1” để kịp giao cho khách.

Anh Nguyễn Hồng Chương (phải) điều chỉnh chiếc máy gieo hạt chân không “6 trong 1” tự động của mình - Ảnh: LÂM THIÊN
Anh Nguyễn Hồng Chương (phải) điều chỉnh chiếc máy gieo hạt chân không “6 trong 1” tự động của mình - Ảnh: LÂM THIÊN

Đây là chiếc máy gieo hạt anh tự mày mò chế tạo. Chiếc máy gieo hạt của anh nông dân Nguyễn Hồng Chương (42 tuổi) có năng suất bằng 16 lao động thủ công. Máy chạy rất êm, không nghe tiếng động. Trung bình mỗi giờ hoạt động đạt năng suất giao từ 330-350 khay hạt.

“Chỉ cần đổ đất, bỏ khay và cho hạt giống vào, máy tự động sẽ làm hết cho mình từng khâu một. Rất hay!

Nông dân Hồ Thanh Kỷ (Lâm Đồng)

Ý tưởng một đêm

Anh Chương cho biết gia đình anh vốn có nhiều năm làm nghề ươm cây giống để cung cấp cho các hộ sản xuất trên địa bàn huyện Đơn Dương.

Nghề ươm giống đòi hỏi khá nhiều nhân công. Một trong những công đoạn chiếm rất nhiều thời gian là cho hạt giống rau vào khay ươm...

Dù vậy, làm thủ công thì lại hay bị lố, gây hao hụt. Ngoài ra, giá nhân công khá cao nên trong đầu anh nông dân này lúc nào cũng suy nghĩ phải làm ra chiếc máy gieo hạt tự động, một là để giảm chi phí, hai là để con người bớt khổ, bớt hao hụt hạt giống. Suy nghĩ đó cứ đeo đẳng anh mải miết.

Bữa nọ đang đêm trên giường ngủ, một phác thảo lóe lên trong đầu. Anh bật dậy khỏi giường và bắt đầu... nghĩ tiếp! Trằn trọc, bứt rứt và các chi tiết máy được anh hình dung, sắp xếp gọn ghẽ... trong đầu.

Chị Đào Thị Hương (36 tuổi, vợ anh Chương) kể lại chuyện bữa đó: “Tôi thấy cả đêm anh cứ trằn trọc. Sáng ra thì lao vào hàn hàn, gõ gõ. Anh ấy cứ thế suốt hai tuần rồi chiếc máy gieo hạt ra đời”.

Suốt hai tuần đó là hai tuần Chương và các thợ của anh cứ lắp các thanh sắt, bộ truyền động, máy móc, lắp vào rồi tháo ra. Có lúc khẩn trương, có lúc túc tắc, có lúc... bế tắc. Nhưng rồi chiếc máy cũng ra hình hài.

Ngày chiếc máy hoàn thiện và hoạt động, mọi người trong xưởng cơ khí của anh Chương ai cũng mừng.

Chiếc máy có chiều dài khoảng 3,5m gồm các bộ phận: đóng đất vào khay; sàng đất - lọc rác; tạo lỗ - gieo hạt - lấp hạt và xếp khay tự động.

Anh Nguyễn Minh Thắng (thợ cơ khí - người đã gắn bó với anh Chương gần bảy năm) cho biết: “Cái hay của chiếc máy này là những hạt giống nhỏ nhưng vẫn được thanh lấy hạt hút và gieo chính xác vào các khay ươm. Còn những hạt giống không sử dụng hết, chiếc máy có thể tự động hút vào một lọ nhựa gắn trên thân máy”. Vậy là không bị hao hụt hạt giống.

Ông Hồ Thanh Kỷ (49 tuổi, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) là một trong những khách hàng đầu tiên đặt mua sản phẩm này của anh Chương.

Ngày chiếc máy được đưa về tận vườn, ông Kỷ nói: “Từ trước tới giờ đây là chiếc máy làm vườn ươm có nhiều công dụng nhất mà tôi biết. Chỉ cần đổ đất, bỏ khay và cho hạt giống vào, máy tự động sẽ làm hết cho mình từng khâu một. Rất hay!”.

Trong khi đó, anh Phạm Văn Tuấn (ở xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Chiếc máy rất thuận tiện cho công việc ươm giống.

Trước kia tôi phải thuê 4-5 nhân công để làm 1.000 khay giống thì nay chỉ cần một nhân công điều khiển máy gieo hạt là được rồi. Một tháng giảm 90-120 công lao động”.

Anh Chương cho biết hiện anh đang làm hồ sơ gửi Bộ KH-CN đăng ký quyền sở hữu công nghiệp máy gieo hạt chân không “6 trong 1” của mình.

Chơi đàn, chơi trống, thổi saxophone

Xuất thân từ nông dân nhưng mê máy móc, đến nay anh Chương đã có một xưởng cơ khí nhỏ để phục vụ đam mê của mình.

Hơn hai tháng qua, số lượng đơn hàng mỗi lúc một nhiều. Thời gian rảnh đối với anh mỗi lúc một ít đi. “Cứ mở mắt ra là lo làm máy cho tới tối. Mệt lắm nhưng vui” - anh Chương nói.

Giữa lúc đang chỉnh sửa máy móc, điện thoại reo lên. “Alô, chơi nhạc chủ nhật này hả? Được rồi, tôi sẽ đến” - anh Chương trả lời. Rồi anh cười giải thích: “Người ta thuê mình chơi nhạc đó mà...”. Nói rồi, anh chỉ tay về phía kho: một dàn loa lớn kèm với amply, đàn, trống...

Anh Nguyễn Duy Trinh (40 tuổi, xã Lạc Lâm, chung đội nhạc với anh Chương) nói thêm: “Anh Chương chơi đàn, đánh trống, thổi saxophone đều rất tốt. Ngoài ra hát còn rất hay nữa. Hay không kém gì chế tạo máy móc đâu!”.

Anh Chương kể: “Trước đây gia đình tôi khó khăn. Thời trẻ thì có gì giải trí đâu, ngoài đàn hát. Cũng nhờ trời phú cho chút tài lẻ để kiếm kế sinh nhai mà thôi. Trước khi chế tạo máy móc, tôi kiếm sống bằng đàn, hát. Giờ đã ăn sâu vào máu mình rồi”.

Đã có lúc tưởng như cuộc đời người nông dân này sẽ trôi qua một cách bình dị với tình yêu âm nhạc như vậy.

Tuy nhiên, bốn đứa con lần lượt ra đời kèm theo áp lực của công việc vườn ươm đôi khi khiến vợ chồng anh mệt nhoài bởi vừa chăm đàn con vừa quán xuyến vườn tược là điều không dễ. Anh Chương bắt đầu nghĩ đến những chiếc máy nhỏ.

Lúc đầu anh làm được vài cái máy đơn giản như tự động đóng bầu đất, xay trộn giá thể (nguyên liệu hỗn hợp để ươm hạt). Rồi tiếp tục làm những chiếc máy phức tạp hơn.

Và cứ thế bảy năm trôi qua, lần lượt gần 20 loại máy chuyên dụng trong nông nghiệp: máy đóng bầu đất vô vỉ xốp, máy xay trộn giá thể, máy vắt nước cho rau, băng tải đơn, máy lựa và đánh bóng cà chua... ra đời dưới đôi tay tài hoa của anh.

Từ khi những chiếc máy đầu tiên được anh Chương chế tạo, ông Kỷ luôn là người đặt hàng sớm nhất.

Ông chia sẻ: “Tôi biết anh Chương từ những ngày mới chế tạo thành công chiếc máy đầu tiên cách đây gần bảy năm. So với các loại máy trước đây, máy gieo hạt “6 trong 1” hiện giờ là loại máy có đầy đủ chức năng của những loại máy trước kia anh Chương chế tạo”.

Ông Nguyễn Văn Tâm - chủ tịch Hội Nông dân xã Lạc Lâm - nhận xét: “Anh Chương sáng tạo không ngừng nghỉ nên là một nông dân nhận được nhiều bằng khen. Bên cạnh đó, anh còn có nhiều đóng góp, ý kiến hay dành cho hội nông dân”.

Anh Nguyễn Hồng Chương - Ảnh: LÂM THIÊN
Anh Nguyễn Hồng Chương - Ảnh: LÂM THIÊN

 

“Chuyên gia” sáng chế

Theo lãnh đạo Sở KH-CN Lâm Đồng, từ trước tới nay anh Nguyễn Hồng Chương có nhiều sáng chế được Sở KH-CN Lâm Đồng và Bộ KH-CN công nhận, tặng bằng khen.

Ngoài ra, anh Chương còn nhận được giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn và được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen vì có nhiều sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp.

LÂM THIÊN - VĂN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp