Mỗi đôi giày, Trinh được trả công 4.000 đồng - Ảnh: NGUYÊN THẢO
Nhà của Trinh nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo ở thôn Vân Tiên, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
Thành tích học tập đáng nể
Trong căn nhà rộng chưa đến 10m2, những tấm giấy khen của Trinh được dán kín cả tường. Suốt 9 năm học qua, năm nào Trinh cũng đạt thành tích Học sinh giỏi toàn diện.
Trinh còn nằm trong đội tuyển bồi dưỡng Văn của trường. Trong đợt thi học sinh giỏi vừa qua, cô mang lại tự hào cho nhà trường và gia đình khi đạt giải ba cuộc thi Học sinh giỏi Văn cấp huyện, giải ba cuộc thi Thuyết trình Văn học cấp huyện.
Bên cạnh những tấm giấy khen là những chiếc huy chương sáng bóng được cô lau chùi mỗi ngày. Song hành cùng hành tích học tập đáng nể, Trinh còn là một trong những vận động viên chủ chốt trong đội điền kinh của trường.
Sau giờ học, Trinh lại tất bật lo cho đàn gà và heo thay mẹ - Ảnh: NGUYÊN THẢO
Chia sẻ về cô học trò xuất sắc, cô Trần Thị Đi (Giáo viên chủ nhiệm của Trinh) tự hào: "Trinh là một học sinh rất đặc biệt. Em học giỏi đều tất cả các môn và rất có năng khiếu học môn Văn. Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng em luôn cố gắng vượt khó, là tấm gương sáng cho bạn bè".
Khi được hỏi về bí quyết "Văn võ song toàn", Trinh khiêm tốn: "Thật ra em không có bí quyết gì hết. Tất cả là nhờ sự hướng dẫn của thầy cô, sự động viên của mẹ và ngoại".
Gác lại ước mơ vì gia đình
Với thành tích học tập, Trinh thường xuyên được thầy cô gọi vào đội tuyển bồi dưỡng để ôn thi cấp tỉnh và thi vào trường chuyên. Thế nhưng nhiều lần, Trinh đành lỡ hẹn vì không thể để mẹ và ngoại ở nhà một mình.
Từ khi lọt lòng mẹ, Trinh đã không biết cha mình là ai. Mẹ bị điếc bẩm sinh, bà ngoại Trinh năm nay đã hơn 80, tuổi tai cũng không còn nghe rõ nữa.
"Em cũng muốn học trường chuyên lắm, nhưng phải vào Tam Kỳ, cuối tuần mới được về nhà. Em đi vậy sợ đêm khuya mẹ và ngoại bị gì, không biết kêu ai", Trinh nói.
Hằng ngày, Trinh đi học một buổi, một buổi ở nhà phụ mẹ ra đồng gặt lúa, phơi lúa. Hôm nào không ra đồng, cô ở nhà may giày thuê, được trả công 4.000 đồng mỗi đôi.
Nắm chặt bàn tay bị kim đâm chi chít, Trinh nói: "Mỗi ngày em may nhiều thì được trả khoảng 20.000 đồng, ít thì khoảng 12.000 đồng thôi. Số tiền đó không nhiều nhưng cũng đủ để em mua đồ ăn cho mẹ và ngoại. Còn lại em dành dụm mua sách vở".
Trò chuyện với chúng tôi, cô không lúc nào ngơi tay. May xong giày, cô vội xuống lo đàn gà và 2 con heo. Đôi tay nhỏ cứ thoăn thoắt xắt rau, nấu cám.
Trinh chăm lo cho 2 con heo để vào năm học mới bán lấy tiền mua sách vở - Ảnh: NGUYÊN THẢO
Tuy không nghe được gì, khi thấy chúng tôi chỉ vào chuồng heo, bà Trần Thị Liễu (49 tuổi, mẹ Trinh) nói: "Nuôi đó để vô năm học bán để lấy tiền mua sách, mua vở cho bé Trinh".
Chỉ còn gần 2 tháng nữa là bước vào năm học mới, Trinh vẫn chưa có tiền may áo dài. Nhưng không vì thế mà buồn, Trinh nói: "Em có xin được của chị bé trong xóm một bộ áo dài cũ rồi. Có áo dài mang là may mắn lắm rồi".
Khó khăn, vất vả là thế, Trinh vẫn từng ngày nuôi dưỡng ước mơ trở thành một chiến sĩ công an, dù con đường đi đến ước mơ vẫn còn lắm chông chênh và thử thách.
100 suất học bổng
Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online sẽ giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.
Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận