Máy bay tàng hình J-20 của Trung Quốc trình làng hôm 1-11 trên bầu trời Chu Hải - Ảnh: Reuters |
Màn trình diễn của tiêm kích tàng hình J-20 có thể nói là điểm nhấn quan trọng của Triển làm hàng không và vũ trụ quốc tế diễn ra trong tuần này ở thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Tuy nhiên, vài chục giây trình diễn của J-20 chỉ đủ để các chuyên gia và quan chức quân sự quốc tế “đoán mò”. Người Pakistan khen “ấn tượng”, còn người Nga băn khoăn “sao nó trông hao hao giống của mình”…
Vũ khí “bí mật”
Theo Thời báo Hoàn cầu, Bắc Kinh sẽ không bán bất cứ chiếc J-20 nào cho khách hàng nước ngoài vì đây là “vũ khí bí mật” của họ.
“J-20 không thể bán vì đây là loại máy bay tân tiến nhất Trung Quốc sở hữu, đó là tại sao nó chỉ xuất hiện rất ngắn ngủi (tại triển lãm hàng không)” - tổng biên tập tờ tạp chí quân sự World Military Affairs của Trung Quốc, ông Chen Chen Hu, giải thích.
Quả thật, nước chủ nhà “nhá hàng” nhanh đến mức một phái đoàn không quân Pakistan chỉ nhận xét được mỗi từ “ấn tượng” (…nhưng tiếc quá, chưa kịp nhìn thấy gì!) khi trả lời phỏng vấn truyền thông Trung Quốc.
Quân đội Pakistan đang rất “thèm” dòng chiến đấu cơ tân tiến để cân bằng với phi đội SU-30MKI của Ấn Độ. New Delhi cũng đang hợp tác cùng Nga phát triển mẫu tàng hình T-50 nên Islamabad càng đứng ngồi không yên.
Trở lại với J-20, trong khi các vị khách còn bận gãi đầu, giới quân sự Trung Quốc đã phấn khởi “tự sướng”.
“Góc lấy độ cao của J-20 trong chuyến bay trình diễn là khoảng 90 độ. Nó chứng tỏ chất lượng của động cơ rất tốt, điều này tạo cho chúng ta ưu thế trong tác chiến thực tế” - một quan chức không quân họ Vương nhận xét trên tờ Hoàn cầu Thời báo.
Tuy nhiên, hãng tin Sputnik của Nga tiết lộ tiêm kích Trung Quốc thật ra dùng động cơ của Nga và thiết kế tàng hình của J-20 là sự sao chép "tả pín lù" từ những mẫu tiêm kích thế hệ năm như chiếc F-22 Raptor (tập đoàn Lockheed Martin, Mỹ), Sukhoi T-50 (tập đoàn Sukhoi, Nga), MiG 1.44 (tập đoàn Mikoyan, Nga)...
“Theo ý kiến của tôi, cỗ máy đó dựa trên mẫu thử nghiệm tiêm kích thế hệ năm MiG 1.44 của Nga. J-20 vốn được tạo ra để cạnh tranh với đề án PAK FA của Nga trong giai đoạn thiết kế ban đầu. Dù không được công bố rộng rãi nhưng J-20 sử dụng động cơ AL-31F của Nga, vốn do hãng Salut chế tạo và bán cho Trung Quốc với giá nửa triệu USD” - phó chủ bút tạp chí quân sự Nga Arsenal Otechestva, ông Dmitry Drozdenko, bình luận.
Tổng cộng có 2 chiếc Thành Đô J-20 xuất hiện trên bầu trời thành phố Chu Hải hôm 1-11.
Lãnh đạo quân sự Đài Loan không sợ J-20
Sự thực thì dù được cho là "bí mật", tạo sự chờ đợi, là hàng chất lượng cao của Trung Quốc nhưng máy bay tàng hình J-20 có vẻ không gây ấn tượng với các lãnh đạo quân sự bên phía Đài Loan.
Theo báo South China Morning Post, ngày 2-11 - tức một ngày sau khi J-20 bay trình diễn ở Chu Hải, tại một cuộc họp cấp quốc hội của chính quyền đảo Đài Loan xảy ra một tình huống hài hước cũng liên quan đến J-20.
Nghị viên Tsai Shih-ying đưa ra tấm hình hai chiếc tiêm kích tàng hình do Trung Quốc phát triển và yêu cầu lãnh đạo quốc phòng Feng Shih-kuan và tư lệnh không quân Fan Ta-wei nhận dạng chúng. Cả hai vị quan chức đều trả lời là “J-20”.
Ông Tsai tiếp tục truy: “Chính xác thì chiếc nào là J-20?”. Đến đây thì bộ trưởng Feng ấp úng trong khi tư lệnh Fan đưa ra đáp án sai!
Đáp án đúng thì một chiếc là Thành Đô J-20 với đặc điểm có hai cặp cánh, một lớn phía sau và một nhỏ phía trước. Chiếc còn lại là Thẩm Dương J-31 chỉ có một cặp cánh lớn ở giữa.
J-20 và J-31 được nghị sĩ Đài Loan đưa ra chất vấn hai lãnh đạo quân sự của mình - Ảnh chụp màn hình |
Có thể lo lắng với câu trả lời “trớt quớt”, nghị viên Tsai tiếp tục chất vấn: “So với J-20, chúng ta có tin tưởng được phi đội F-16 nâng cấp không? Các ông có tự tin? Chúng ta đã chi tới 110 tỉ đài tệ cho mấy chiếc đó”. Ông Feng chỉ đáp ngắn gọn: “Câu trả lời của bộ là có, chúng tôi tự tin”.
Nhưng sai lầm vẫn là sai lầm. Sự cố ở nghị viện Đài Loan sau đó bị truyền thông đảo quốc này không tiếc lời giễu cợt. Kênh tin tức của đài truyền hình Sanlih E-Television gọi vụ việc là “sự bẽ mặt” và nhận xét bộ trưởng Feng “quá ngu” mới không phân biệt nổi hai chiếc tiêm kích tàng hình.
Đài Loan đang có kế hoạch mua thêm tiêm kích F-16V của Mỹ để bổ sung cho phi đội F-16 đến năm 2022.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận