31/07/2018 10:55 GMT+7

Máy bay quân sự rơi ở Nghệ An, hai phi công hi sinh

DOÃN HÒA - TUẤN PHÙNG - HÀ THANH - MY LĂNG
DOÃN HÒA - TUẤN PHÙNG - HÀ THANH - MY LĂNG

TTO - Một trung tá tham mưu trưởng trung đoàn không quân và một thượng tá chủ nhiệm bay đã hi sinh trên cùng chuyến bay huấn luyện ở vùng trời Nghệ An trưa 26-7.

Máy bay quân sự rơi ở Nghệ An, hai phi công hi sinh - Ảnh 1.

Hiện trường máy bay huấn luyện rơi nằm ở trên quả đồi - Ảnh: DOÃN HÒA

Theo phóng viên Tuổi Trẻ từ hiện trường, đến 19h30 tối 26-7, thi thể hai phi công được khâm liệm, đưa trên hai xe cứu thương rời khỏi hiện trường xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn.

Trước đó, khoảng 11h35 ngày 26-7, máy bay Su-22U, số hiệu 8551 của trung đoàn không quân 921 (còn gọi là trung đoàn không quân Sao Đỏ), sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - không quân thực hiện huấn luyện bay trên vùng trời Nghệ An thì xảy ra sự cố.

Máy bay bị rơi tại khu vực làng Dừa thuộc xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Vụ tai nạn làm hai phi công bay huấn luyện hi sinh gồm trung tá Khuất Mạnh Trí, 40 tuổi, quê thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội và thượng tá Phạm Giang Nam, 46 tuổi, quê Thụy Bình, huyện Thái Thụy, Thái Bình.

Trung tá Mạnh Trí là phó trung đoàn trưởng, tham mưu trưởng trung đoàn không quân 921 và thượng tá Giang Nam là chủ nhiệm bay trung đoàn không quân 921.

Không có người dân nào bị thương

Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả. Các cơ quan liên quan đã huy động 220 người, 8 ôtô các loại tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Địa hình đồi núi dốc gây nhiều khó khăn cho các lực lượng thu gom mảnh vỡ của máy bay. Đến 17h50 chiều 26-7, các xe chở nước uống, lương khô, mì gói... tiếp tục được đưa lên hiện trường cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.

Là một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường , ông Hoàng Công Quế (46 tuổi, ngụ xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn) kể lại: lúc hơn 11h30 ngày 26-7, gia đình ông đang chuẩn bị ăn cơm thì "bất ngờ nghe thấy tiếng nổ lớn như bom".

Khi mọi người chạy ra ngoài xem thì thấy cột khói bốc cao cả chục mét. Lán trại nhà ông Quế ở cách khu vực chừng hơn 800m. "Tôi băng rừng chạy lên thì thấy xác máy bay rơi thành nhiều mảnh, nằm rải rác dọc theo sườn núi", ông Quế mô tả.

Ông Ngô Trọng Nghĩa - trưởng Công an xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn - cho biết hiện trường máy bay rơi cách xa khu dân cư, không có người dân nào bị thương.

Máy bay quân sự rơi ở Nghệ An, hai phi công hi sinh - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Lan (61 tuổi, mẹ trung tá Trí, thứ hai từ phải sang) bần thần khi nghe tin máy bay của con trai bị rơi - Ảnh: HÀ THANH

Trung tá Trí là phi công giỏi

Từ 14h ngày 26-7, ngay khi nhận thông tin máy bay rơi, đơn vị sư đoàn 371 đã cử lực lượng đến hỗ trợ, động viên gia đình trung tá Khuất Mạnh Trí. Tại căn nhà nhỏ ở ngõ 2 Phạm Ngũ Lão thuộc P.Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, hàng xóm láng giềng cũng đến sẻ chia với gia đình khi biết tin máy bay của "anh Trí phi công" bị rơi.

Chị Khuất Minh - em gái trung tá Trí - chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Lần nào nghe thông tin có vụ máy bay rơi, tôi cũng nhắn hỏi anh ấy biết thông tin chưa, bay ổn không... Lúc nào anh cũng nhắn lại: "Cô yên tâm, anh bay ổn".

Nhưng lần này tình cờ tôi nhắn tin hỏi thì không gửi được tin nhắn, gọi điện thì thuê bao tắt máy. Cứ nghĩ anh bay từ Bắc Trung Bộ đổ ra, không nghĩ máy bay của anh rơi".

Chị Minh kể lại rằng trước khi học phi công, trung tá Trí từng đậu vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Sau khi nhận kết quả trúng tuyển ĐH, bên Quân chủng Phòng không - không quân cũng gọi điện thông báo trúng tuyển nên anh Trí quyết tâm theo nghiệp của cha là bộ đội.

"Bản thân anh Trí từng tham gia hỗ trợ tìm kiếm các vụ máy bay mất tích. Anh được đánh giá là phi công giỏi, chưa bao giờ tôi nghĩ anh gặp nạn", chị Minh kể rồi bật khóc.

Một nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết trung tá Khuất Mạnh Trí và thượng tá Phạm Giang Nam là 2 phi công giỏi, có nhiều kinh nghiệm bay của trung đoàn 921. Trung tá Khuất Mạnh Trí là phi công cấp 2 (cấp cao thứ 2 của phi công chiến đấu trong lực lượng Không quân Việt Nam) với gần 800 giờ bay tích lũy.

Còn thượng tá Phạm Giang Nam là phi công cấp 2 với trên 600 giờ bay tích lũy. Thượng tá Nam - một người rất vui vẻ, nhanh nhẹn, được bạn bè đồng đội gọi thân tình là “Nam vui vẻ” - đã có kinh nghiệm với 4 loại máy bay: Yak-52, L-39, Mig-21, Su-22.

DOÃN HÒA - TUẤN PHÙNG - HÀ THANH - MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp