* Dọn dẹp đường sá để đón Đại tướng
Phóng to |
Xe máy, vật tư tập kết để xây dựng nơi yên nghỉ của Đại tướng - Ảnh: Nguyên Linh |
Lộ trình đưa Đại tướng về quê
Theo ban tổ chức lễ tang, lộ trình đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Hà Nội về quê nhà Quảng Bình như sau: từ nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), đoàn xe sẽ đưa linh cữu Đại tướng qua các phố phường của thủ đô Hà Nội: Lê Thánh Tông, Tràng Thi, Điện Biên Phủ để về phố Hoàng Diệu, nơi gia đình Đại tướng sinh sống nhiều năm nay. Sau đó sẽ đi tiếp qua Trần Phú, Kim Mã, Cầu Giấy để lên sân bay Nội Bài, trở về quê nhà Quảng Bình.
Về lịch trình tổ chức lễ viếng, bắt đầu từ 7g30 sáng 12-10, lễ viếng chính thức Đại tướng sẽ được tổ chức. Buổi sáng 12-10 là thời gian dành cho các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn ngoại giao và các vị khách quốc tế đến viếng Đại tướng. Chiều cùng ngày, ban tổ chức lễ tang sắp xếp các đoàn đại biểu từ các địa phương tới viếng Đại tướng và buổi tối là thời gian bạn bè, thân hữu, người thân viếng Đại tướng. Lễ truy điệu Đại tướng sẽ diễn ra sáng 13-10, trước khi di chuyển linh cữu ra sân bay, đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về với đất mẹ Quảng Bình.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều khả năng máy bay được chọn để chở linh cữu Đại tướng là loại máy bay ATR 72 của VNA để thuận tiện cho việc vận chuyển linh cữu lên máy bay trong nghi thức tang lễ trang trọng. Máy bay sẽ được tháo bớt ghế để tạo khoảng trống đặt linh cữu. Do máy bay ATR 72 là loại máy bay nhỏ (có 68 chỗ) nên VNA sẽ sử dụng thêm một máy bay lớn hơn để chở ban tang lễ và thân nhân của Đại tướng.
Sân bay Đồng Hới là sân bay cấp 4C (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) tiếp nhận được các loại máy bay Airbus A321 và các máy bay tương đương trở xuống.
Thông tin từ ban tổ chức lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng cho hay sau khi máy bay chở linh cữu Đại tướng hạ cánh tại sân bay Đồng Hới, linh cữu Đại tướng sẽ được chuyển bằng ôtô về vị trí an nghỉ của Đại tướng cách sân bay khoảng 60km.
Người dân tìm về Vũng Chùa
Đông đảo người dân khắp nơi lặn lội tìm về khi hay tin núi Thọ (thuộc khu vực Vũng Chùa - đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) được chọn là nơi yên nghỉ của Đại tướng. Có những người dân quanh vùng, có người đang dọc dài mưu sinh trên đường Bắc - Nam... Tất cả cùng tranh thủ ghé vào núi Thọ với mong muốn được “nhìn thấy nơi Đại tướng nằm”. Tuy nhiên, con đường vào núi Thọ giờ đang được quân đội canh giữ để đảm bảo cho việc mở rộng đường. Dù nhiều người dân cố gắng đến gần nhưng không ai được phép vào sâu bên trong. Tuy nhiên, các anh bộ đội làm nhiệm vụ vẫn ân cần khi có người dân đến hỏi nơi Đại tướng an nghỉ: “Bà con thông cảm, thời điểm đang thi công nên không được vào bên trong”.
Vì không được vào, nhiều người nấn ná tìm đường đi ra phía biển để đến thật gần núi Thọ. Tại bờ biển Vũng Chùa, đông đảo bà con đứng lặng im nhìn về hướng sẽ là nơi Đại tướng yên nghỉ. Ông Hà Văn Báu (quê Quảng Ngãi) cùng với mấy người bạn đi công tác qua Quảng Bình, đã ghé vào núi Thọ với ước muốn thấy được nơi Đại tướng yên nghỉ. Do không được cho vào bên trong, ông Báu cùng với những người bạn đi bộ cả cây số ra tận mép biển để nhìn về hướng Vũng Chùa - đảo Yến. Họ lặng im đứng bên chân sóng hồi lâu nhìn về núi Thọ với tất cả niềm tôn kính, tiếc thương. Ông Báu nói: “Hôm nay khi biết được tin Đại tướng sẽ về an nghỉ nơi này, anh em chúng tôi tranh thủ tìm về với mong muốn thấy được nơi Đại tướng mãi mãi nằm lại. Tôi thấy vùng núi này có địa thế đẹp, hướng nằm của Đại tướng nhìn ra biển Đông rộng lớn, thoáng đãng. Cầu mong Đại tướng an giấc nghìn thu”.
Ông Võ Quang Đạt, chủ tịch UBND xã Quảng Đông, nói: “Nghe tin Đại tướng về núi Thọ yên nghỉ, bà con chúng tôi tự hào và xúc động đến rơi nước mắt. Dù đang ngổn ngang sau cơn bão nhưng bà con và chính quyền động viên nhau cố gắng hết sức để dọn dẹp nhà cửa tươm tất, đường sá sạch đẹp để đón bác Giáp về”. Theo ông Đạt, nơi Đại tướng nằm là một vùng đất có vị trí đắc địa, kín gió. Núi Thọ hình vòng cung, phía đông bắc được bao bọc bởi mũi Rồng, phía đông nam có đảo Yến che chắn”.
Phóng to
Giới trẻ chia sẻ áo, huy hiệu mang hình Đại tướng
Những chiếc áo đầu tiên mang hình cùng huy hiệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được hội quán Di sản tặng cho các cháu nội ngoại của Đại tướng để giữ gìn và lan tỏa hình ảnh của vị tướng trong lòng nhân dân.
Ông Trần Thanh Tùng, chủ tịch hội quán Di sản - đơn vị vừa khởi công đúc tượng bốn vị danh tướng VN, cho biết: hội quán Di sản với sự bảo trợ của Hội Khoa học lịch sử VN có tâm nguyện thiết kế những chiếc áo in hình Đại tướng và huy hiệu mang tên ông (được sự đồng ý của gia đình từ dịp sinh nhật Đại tướng hôm 25-8-2013) nhằm chia sẻ cho giới trẻ để giữ hình ảnh của ông như một vị anh hùng truyền cảm hứng sống cho thanh niên VN.
Ông Tùng cũng cho biết: chỉ sau một ngày đêm đưa ra ý tưởng chia sẻ áo in hình Đại tướng và huy hiệu Đại tướng, các trang Facebook nhận đặt hai kỷ vật này đã có số lượng bạn trẻ đăng ký rất lớn: gần 40.000 áo và gần 50.000 huy hiệu tính đến 18g ngày 8-10. Một số bạn trẻ đã đăng ký áo và huy hiệu cho biết: “Đưa hình ảnh anh hùng dân tộc lên trái tim những người trẻ, giúp bạn bè nước ngoài đến VN có thể tìm hiểu thêm về bác Giáp và VN. Chúng tôi sẽ mặc áo và đeo huy hiệu này đến viếng và đưa tiễn Đại tướng”. Các bạn trẻ có thể tiếp tục đặt áo và huy hiệu Đại tướng tại địa chỉ http://www.generalgiap.org/.
Thu Hà
55.018
là số lượt người bày tỏ sự yêu thích trang Facebook “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” tại địa chỉ http://www.facebook.com/VietNamVoNguyenGiap vào lúc 23g ngày 8-10. Facebook này do gia đình Đại tướng lập vào lúc 11g53 cùng ngày.
____________
Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận