Phóng to |
Bốn sinh viên bên máy bán hàng tự động - Ảnh: Ngọc Trường |
Đây là công trình nghiên cứu khoa học của bốn chàng trai: Nguyễn Tấn Nó, Võ Long Sỹ, Nguyễn Minh Tân, Nguyễn Duy Luân.
Vào công viên thử máy bán hàng tự động
Nhóm đã hì hục suốt năm tháng để chế tạo chiếc máy bán hàng tự động thành một sản phẩm đa năng. Suốt một tháng đầu, bốn bạn chia nhau lang thang khắp các công viên tại TP.HCM chỉ để... nhìn, sờ, xem máy hoạt động ra sao và mua thử sản phẩm. “Có hôm đứng trước máy bán nước tự động trong công viên lâu quá, mình còn bị bảo vệ nghi ngờ có ý đồ đen tối...” - Tấn Nó kể về sự cố đầu tiên khi thực hiện công trình.
Từ những kinh nghiệm thực tế rút ra được, máy bán hàng tự động của nhóm khác biệt với các máy bán hàng hiện tại ở khả năng giao dịch được bằng tiền polymer với các mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng. “Các máy bán hàng hiện có trên thị trường chỉ nhận diện được tiền giấy mệnh giá 10.000 đồng và chủ yếu dùng tiền xu. Điều này gây bất tiện cho người Việt vốn quen dùng tiền giấy” - Tấn Nó cho biết lý do nhóm nâng cấp tính năng nhận diện tiền giấy của máy.
Máy có màn hình cảm ứng 15 inch giúp khách hàng dễ dàng biết thêm thông tin sản phẩm, giá cả, tiền thừa... “Trên màn hình này mình có thể cài đặt bản đồ xe buýt, thông tin về các số điện thoại cần thiết, thậm chí cài game để người mua hàng có thể giải trí” - Duy Luân, thành viên lập trình cho màn hình cảm ứng, chia sẻ. Để có được tính năng này, nhóm đã phải mày mò nghiên cứu thông tin trên mạng. “Bọn mình từng đến các công ty chuyên về màn hình cảm ứng để tìm sự hỗ trợ. Nhưng những kỹ thuật đó đều được xem là “bí mật công nghệ”, nên đụng đến cái gì cả nhóm đều phải tự cố mò cho ra”, Duy Luân nói thêm.
Máy bán hàng tự động bán cả bánh quy, sữa tươi, mì gói... Gần một tháng trưng bày máy tại phòng nghiên cứu, nhóm thu về gần 500.000 đồng tiền bán sản phẩm do bạn bè, thầy cô tới dùng thử. “Lúc chạy máy có vài sự cố xảy ra như kẹt tiền hay kẹt sản phẩm. Nhưng kẹt tới đâu gỡ tới đó, đến giờ có thể khẳng định máy ổn định trên 90%. Sản phẩm này có thể đưa ra ứng dụng ngoài thị trường”, các thành viên trong nhóm khẳng định.
Làm khoa học là để ứng dụng
Đây là đề tài thứ hai của nhóm sau đề tài “Máy giặt tự động giá rẻ cho công nhân” được thực hiện giữa năm 2010. “Nhóm chọn máy giặt hay máy bán hàng tự động để nghiên cứu đều xuất phát từ tính ứng dụng và nhu cầu sử dụng thực tế của người tiêu dùng. Khi thực hiện các công trình này các em đã khảo sát thị trường khá kỹ lưỡng” - TS Nguyễn Trường Thịnh, giảng viên hướng dẫn nhóm thực hiện đề tài, nhận định.
Với chi phí khoảng 20 triệu đồng để chế tạo máy bán hàng đa năng, TS Thịnh cho biết máy bán hàng tự động có tính năng tương tự như sản phẩm của nhóm đưa ra có thể có giá cao hơn gấp sáu lần.
Tấn Nó khẳng định mục tiêu nghiên cứu của nhóm: “Nhóm mình quyết định khai thác, phát triển sản phẩm này nhằm mang lại tính ứng dụng cao hơn trong thực tế. Chúng ta hoàn toàn có thể chế tạo những chiếc máy như thế với giá thành tiết kiệm so với nhập khẩu từ nước ngoài”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận