Các chiến sĩ thuộc lực lượng tiểu đoàn 81 giúp khôi phục trường lớp sau bão tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh- Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
"Các anh đã đến đây thì chúng tôi an tâm rồi", thầy Đăng nói.
Những ngày này, khi đi vào vùng tâm bão ở Hà Tĩnh, đâu đâu cũng có thể bắt gặp màu áo xanh của lính. Họ đến từ khắp nơi, có người vượt hơn 200km đến vùng bị thiệt hại nặng nhất ở Kỳ Anh để giúp bà con gượng dậy sau bão số 10.
Làm hết việc mới xong nhiệm vụ
Những chiến sĩ vừa đến Kỳ Trinh thuộc Sư đoàn 324, Quân khu 4. Ngay sau bão, 340 người của sư đoàn từ Nghệ An vào tới vùng rốn bão. Xe quân rải 15 chiến sĩ xuống Trường Kỳ Trinh rồi tiếp tục đến những điểm thiệt hại khác.
Chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút, các anh đã cơ động chuẩn bị xong hậu cần và vật dụng giúp sửa chữa trường. Không nghỉ ngơi, một tốp 3 người mang gạo, trứng, rau... vào tập kết để chuẩn bị có cuộc "chiến đấu" dài hơi vùng tâm bão. Lực lượng còn lại người lên mái nhà, người mang cưa máy cùng thầy cô xử lý cây ngã đổ, dọn dẹp trường lớp.
"Khi hành quân trên đường, chúng tôi thấy nhiều nơi nhà bị tốc mái, sập tường nhưng không ngờ vào đây lại thấy cảnh hoang tàn dữ dội đến vậy. Trường THCS Kỳ Trinh này hỏng khá nặng vì khuôn viên trường cây cối ngã đổ, mái nhà bị tốc còn trơ khung rui mè", chiến sĩ tên Dũng đang làm nhiệm vụ ở đây kể.
"Anh em sửa trước phần mái để học sinh vào học không bị nắng mưa, còn lại chờ khi có ximăng sẽ lên gia cố ngay cho cứng cáp".
Nhìn thấy các anh em chiến sĩ vừa tới điểm tập kết đã bắt tay vào làm luôn, các thầy cô ở đây ai cũng xúc động. Đến từng điểm trường để động viên bộ đội, đại tá Hoàng Văn Thiết, phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 324, nói các chiến sĩ xác định tinh thần làm càng sớm càng tốt để bà con sớm ổn định cuộc sống sau bão.
Theo đại tá Thiết, ngay khi có lệnh từ tư lệnh Quân khu 4, đơn vị đã cấp tốc hành quân qua cự ly 250km và thực hiện nhiệm vụ tại 10 điểm xã, phường bị thiệt hại nặng.
"Tinh thần là làm hoàn thiện, phục hồi các cơ sở phục vụ công cộng chung như trường học, trạm xá rồi đến nhà dân. Làm hết việc mới xong nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện các kế hoạch được giao, đơn vị còn thực hiện song song việc vận động mọi người cùng tham gia và tiến hành thăm hỏi, động viên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn" - đại tá Thiết cho biết.
Giữ trọn "mạch máu", xây tình quân - dân
Còn tại trường TH-THCS Kỳ Hoa, trong khi các thầy cô đang tổ chức giờ sinh hoạt thì ở khuôn viên cạnh đó, chiến sĩ lực lượng tiểu đoàn 81 (Lữ đoàn 134 - Binh chủng Thông tin liên lạc) đang đào gốc dựng lại cây ngã.
Trên mái nhà, màu đỏ chói của những viên ngói mới thay nổi bật trên nền mái cũ ngả màu.
Nói chuyện với một số chiến sĩ thì nghe mấy anh nói nhà cũng bị ảnh hưởng thiệt hại do cơn bão nhưng các anh chưa có điều kiện về. Ấy vậy mà các anh rất nhiệt tình giúp sức cho người dân khiến thầy cô, phụ huynh rất cảm động
Thầy Phạm Khắc Sơn
Đại úy Trần Đình Thảnh, chính trị viên đại đội 3 - tiểu đoàn 81, nói đơn vị đóng quân cách đây 3km nên cũng trong vùng tâm bão.
"Trước bão chúng tôi làm nhiệm vụ di dời dân đến nơi an toàn và gia cố mái nhà. Bão vừa qua sau giờ trưa thì 4h chiều anh em thực hiện song song hai nhiệm vụ: vừa phải khắc phục mạch máu thông tin, vừa giúp dân phục hồi sau bão", đại úy Thảnh nói.
Từ ngày bão qua đến nay, chiến sĩ đơn vị này đã hành quân sửa chữa ba địa điểm ở trường mầm non, ba cơ sở chính và phân hiệu của Trường TH-THCS Kỳ Hoa. Thầy Phạm Khắc Sơn, hiệu trưởng nhà trường, nói nếu không có sự giúp sức của tiểu đoàn 81 thì nhà trường khó lòng khắc phục để ổn định sinh hoạt, đón học sinh tới trường.
Bởi giữa vùng tâm bão, không nhà nào không hư hỏng thiệt hại nên không thể nào thuê được thợ sửa chữa. Dù thầy cô có ra tay đi nữa thì cũng không xuể vì hư hại quá nhiều.
Vừa cầm xẻng trộn ximăng, chiến sĩ Đinh Văn Huấn vừa cho biết suốt một tuần qua anh em trong đơn vị luôn trong tinh thần lao động gấp đôi sức mình, làm việc thần tốc để bà con vùng bão sớm được an lòng.
"Nhìn bà con trong vùng bị thiệt hại nặng mà mình cứ nhớ lại có lần nhà bố mẹ mình cũng bị bão làm hỏng, mình hiểu tâm trạng của bà con lắm" - chiến sĩ Huấn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận