Thương lái kiểm tra từng trái sầu riêng để nhập hàng, đem đi xuất khẩu - Ảnh: TRUNG TÂN
Người dân thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk bất ngờ khi vườn trồng sầu riêng của mình đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc cho Công ty TNHH thương mại nông sản Thiện Tâm (Công ty Thiện Tâm, chủ sở hữu mã số vùng trồng VN-ĐLOR 0072, ở thôn Tân Bắc) mà người dân không biết.
Tuổi Trẻ Online có cuộc phỏng vấn với ông Hoàng Trung - cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - đơn vị quản lý mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.
* Sau khi có thông tin phản ánh, Cục Bảo vệ thực vật đã vào cuộc xác minh, kiểm tra nguyên nhân?
- Ông Hoàng Trung: Khi nắm được thông tin, Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk kiểm tra. Đồng thời yêu cầu Công ty Thiện Tâm báo cáo về việc tại sao có hiện tượng phản ánh của người dân, và doanh nghiệp phải cung cấp hợp đồng hoặc bằng chứng cam kết với người dân.
Qua báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, quy trình làm hồ sơ từ chi cục lên Cục Bảo vệ thực vật đáp ứng theo đúng quy định của nghị định thư. Còn Công ty Thiện Tâm khẳng định xuống làm việc với người dân và có cam kết. Hiện công ty đang tìm lại hợp đồng, cam kết để gửi ra cho Cục Bảo vệ thực vật.
Cục Bảo vệ thực vật cũng tự rà soát hồ sơ, Công ty Thiện Tâm nằm trong danh sách kiểm tra trực tiếp của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong đó có đại diện nông dân đứng ra kiểm tra. Phải khẳng định là người dân có biết, tuy nhiên có thể có người không biết.
Như vậy, việc tuyên truyền, hướng dẫn, thu mua của người dân là doanh nghiệp làm không rõ ràng. Cục Bảo vệ thực vật cũng yêu cầu Công ty Thiện Tâm phải cung cấp tất cả bằng chứng thu mua sầu riêng của người dân.
Cục cũng yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, doanh nghiệp làm việc với UBND huyện Krông Pắk và mời người dân đến làm rõ. Dự kiến, cuộc làm việc diễn ra trong ngày 11-10.
Ông Hoàng Trung, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Ảnh: C.TUỆ
* Nếu có sự tranh chấp, sử dụng sai mục đích các mã số vùng trồng, Cục Bảo vệ thực vật sẽ xử lý thế nào?
Cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ thành lập đoàn xác minh cụ thể vấn đề nói trên tại Đắk Lắk. Nếu có sự tranh chấp, mâu thuẫn không thỏa đáng giữa người dân với doanh nghiệp, chi cục trồng trọt không giám sát được thì Cục Bảo vệ thực vật sẽ thu hồi mã số vùng trồng và thông báo cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Cũng phải khẳng định mã số vùng trồng là tài sản của người đứng đại diện sở hữu (doanh nghiệp, hợp tác xã, đại diện người dân), chứ không phải của riêng từng người dân. Người đại diện sở hữu mã số vùng trồng phải có sự thống nhất của tất cả những người nằm trong vùng trồng đó. Nếu đại diện sở hữu mã số vùng trồng ký ủy quyền cho doanh nghiệp thương mại khác thì phải có sự thống nhất.
Khi xảy ra hiện tượng mạo danh, sử dụng mã số vùng trồng khi chưa nhận được sự cho phép, chủ sở hữu có thể gửi văn bản cho Cục Bảo vệ thực vật và chúng tôi sẽ có trách nhiệm bảo vệ tài sản này cho họ.
Đến nay đã có khoảng 5.000 tấn sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Cục đang kiểm soát rất hiệu quả và chưa cho phép một trường hợp nào gian lận mà lọt qua biên giới.
* Qua câu chuyện này, chúng ta cần lưu ý gì để ngành sầu riêng phát triển tốt, hiệu quả hơn trong thời gian tới?
Đây cũng là bài học để các cơ quan chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật phải giám sát chặt chẽ hơn nữa và doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người dân, đặc biệt là tuyên truyền người dân hiểu được làm sao có được mã số vùng trồng.
Chúng ta cũng đã cố gắng làm tốt, tuy nhiên vẫn còn một số khâu yếu, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục yêu cầu địa phương, doanh nghiệp chấn chỉnh. Mục tiêu của chúng ta là duy trì những mã số vùng trồng đã được cấp, từ đó mở rộng diện tích và năng suất sầu riêng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận