Dự án Virtual Telescope chụp được 2020 SO (vị trí mũi tên) hôm 22-11 - Ảnh: Dự án Virtual Telescope
Với quỹ đạo quanh Mặt trời rất tương tự Trái đất, 2020 SO đã thuyết phục các nhà khoa học tin rằng nó không phải là một tiểu hành tinh mà là một mảnh rác vũ trụ xuất phát từ sứ mệnh Surveyor 2 của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Tuy vậy, "thân phận" chính xác của nó vẫn còn là một dấu chấm hỏi.
Đầu tháng 11, trường hấp dẫn của Trái đất đã kéo vật thể này bay vào quỹ đạo quanh hành tinh, khiến nó trở thành một dạng "mặt trăng tí hon". Vào ngày 1-12, nó sẽ bay đến gần Trái đất nhất và được phát trực tiếp bởi Dự án Virtual Telescope bắt đầu từ 5h sáng theo giờ Việt Nam.
Dự án Virtual Telescope đã chụp được ảnh vật thể tí hon này hôm 22-11. Nó hiện lên như một chấm phát sáng giữa nền trời đầy sao. Các nhà khoa học tại NASA đã phân tích đường đi của 2020 SO và truy ngược thời gian về quá khứ.
Ảnh chụp tên lửa đẩy Centaur năm 1964, 2020 SO rất có thể là một mảnh vụn từ nó - Ảnh: NASA
"Một trong những quỹ đạo khả dĩ của 2020 SO đã mang nó đến rất gần với Trái đất và Mặt trăng vào cuối tháng 9-1966. Như một ‘khoảnh khắc eureka’, kiểm tra nhanh cho thấy thời điểm trùng khớp với sứ mệnh Mặt trăng Surveyor 2", Paul Chodas - giám đốc Trung tâm nghiên cứu vật thể gần Trái đất thuộc NASA, cho biết.
Tàu đổ bộ "xấu số" của Surveyor 2 đã tự kết liễu sau khi đâm sầm vào bề mặt Mặt trăng, nhưng tên lửa đẩy Centaur đã thoát vào không gian. Vì vậy rất có thể "mặt trăng tí hon" này chính là mảnh vụn từ Centaur.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận