Tổng thống Nga Vladimir Putin (bìa trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh SCO ở Uzbekistan vào ngày 15-9 - Ảnh: Reuters
Trong đó, được chú ý nhất là cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề sự kiện này.
15 nguyên thủ quốc gia, trong đó có ông Putin, ông Tập và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đã dự hội nghị.
SCO - giải pháp thay thế?
Hội nghị SCO lần này gắn với những cái đầu tiên đáng chú ý: cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo các nước thành viên SCO kể từ đầu đại dịch COVID-19 năm 2020; lần đầu tiên ông Tập xuất ngoại kể từ đầu năm 2020; ông Tập và ông Modi gặp trực tiếp lần đầu kể từ cuộc đụng độ chết chóc ở biên giới Trung - Ấn vào năm 2020...
Truyền thông Nga và Trung Quốc mô tả SCO là tổ chức
khu vực lớn nhất thế giới. Theo Thời báo Hoàn Cầu, một số báo đài phương Tây thậm chí mô tả hội nghị thượng đỉnh SCO -
diễn ra giữa lúc chiến sự đang xảy ra tại Ukraine - giống như việc tạo ra một "mặt trận chống phương Tây".
"Cả ông Putin và ông Tập đều muốn một tín hiệu rõ ràng cho thấy "mặt trận chống Washington" vẫn còn mạnh mẽ", ông Jakub Jakubowski, nhà nghiên cứu tại chương trình Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu phương Đông ở Ba Lan, nhận định.
Kể từ khi thành lập năm 2001, đến nay SCO có tám thành viên (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan), bốn nước quan sát viên và nhiều đối tác đối thoại. Dự kiến Iran sẽ được kết nạp làm thành viên của SCO.
"SCO cung cấp một giải pháp thay thế thực sự cho các tổ chức lấy phương Tây làm trung tâm", Cố vấn chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, ông Yuri Ushakov, nói với báo giới tuần này.
Ông Ushakov khẳng định tất cả thành viên SCO đều ủng hộ một trật tự thế giới công bằng. Ông mô tả hội nghị thượng đỉnh SCO lần này diễn ra trong bối cảnh có "những thay đổi địa chính trị quy mô lớn".
Thử thách quan hệ Nga - Trung
Bên lề hội nghị SCO, ngày 15-9 ông Putin và ông Tập gặp nhau để thảo luận về chiến sự Ukraine, căng thẳng quanh vấn đề Đài Loan, quan hệ song phương...
Theo truyền thông hai nước, trong cuộc hội đàm, Tổng thống Putin thừa nhận Trung Quốc có những thắc mắc và quan ngại về tình hình Ukraine, tuy nhiên ông cảm ơn Bắc Kinh vì đã có "lập trường cân bằng" về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Về phần mình, ông Tập kêu gọi Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác hơn nữa, ủng hộ các lợi ích cốt lõi của nhau và thể hiện trách nhiệm của các cường quốc, đem ổn định và "năng lượng tích cực cho một thế giới đang hỗn loạn".
Với ông Putin, đây là cơ hội cho thấy Nga không hề bị cô lập trên trường quốc tế, còn với ông Tập thì đây là dịp để ông củng cố hình ảnh một "chính khách toàn cầu" ngay trước đại hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10.
Ông Ushakov mô tả cuộc gặp lần này có "ý nghĩa đặc biệt" do tình hình địa chính trị hiện nay. Trước đó, lần gần nhất ông Tập và ông Putin gặp nhau là vào tháng 2, ngay dịp Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022.
Lúc đó, trong tuyên bố dài khoảng 5.300 chữ, hai nhà lãnh đạo đã tuyên bố tình hữu nghị giữa hai nước "không có giới hạn", đồng thời chỉ trích ảnh hưởng của Mỹ tại các khu vực.
Theo Hãng tin Tân Hoa xã, khi Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc Lật Chiến Thư thăm Nga hồi tuần trước, ông đã nói với Tổng thống Putin rằng: "Sự tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị, sự phối hợp chiến lược và hợp tác thực tế giữa Trung - Nga đã đạt đến mức độ chưa từng có".
Hiện nay, những thiệt hại lớn do các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến sự ủng hộ của Bắc Kinh trở nên quan trọng hơn đối với Matxcơva. Trung Quốc đã nổi lên như một khách hàng lớn đối với hàng hóa của Nga. Lượng dầu mỏ Bắc Kinh nhập từ xứ sở bạch dương đã tăng đáng kể trong tháng 5, 6 và 7.
Tuy nhiên, báo New York Times nhận định những thách thức hiện tại đối với Nga và Trung Quốc sẽ thử thách tình hữu nghị "không giới hạn" giữa hai nước. Những bước lùi của Nga trên chiến trường Ukraine và sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc có thể làm phức tạp quan hệ song phương.
Kế hoạch đường ống dẫn khí kết nối Nga - Mông Cổ - Trung Quốc
Theo kế hoạch, ông Putin, ông Tập và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh có cuộc gặp ba bên tại Uzbekistan trước khi hội nghị SCO kết thúc.
Ông Putin đang tìm cách tăng cường xuất khẩu năng lượng của Nga sang Trung Quốc và phần còn lại của châu Á, có thể bằng một hệ thống đường ống qua Mông Cổ.
Nhiều năm qua, Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã nghiên cứu khả năng xây dựng đường ống dẫn khí đốt lớn - mang tên "Sức mạnh của Siberia 2" - qua Mông Cổ, đưa khí đốt của Nga đến Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận