Phóng to |
24.000 tấn muối của Công ty CP Tập đoàn muối miền Nam vẫn nằm lại cảng chờ giấy kiểm định chất lượng. Mỗi ngày công ty mất 5.000 USD cho chủ tàu nước ngoài - Ảnh: Đình Dân |
Có mặt tại cảng Nhà Rồng - Khánh Hội ngày 6-11, chúng tôi chứng kiến có khá nhiều tàu nằm ùn ứ. Trong đó có hai tàu trọng tải lớn là tàu Transco Sky chở 6.000 tấn phân bón và tàu Zeusi Panama chở 24.000 tấn muối đã nằm ba bốn ngày nay không thể bốc dỡ hàng về kho. Chủ hàng chạy đôn chạy đáo lo giấy tờ kiểm định tại các trung tâm kiểm định, còn công nhân tại cảng ngồi chơi không có việc làm. Trong số hai tàu trên đến chiều 6-11 mới chỉ có tàu Transco Sky có giấy kiểm định chất lượng để thông quan.
Thiệt hại không kể hết...
"Hàng hóa của chúng tôi không được mang về kho của mình nên phải để “chết” trên tàu. Cơ quan quản lý nhà nước đưa ra quy định như vậy chẳng khác nào muốn giết chết doanh nghiệp" |
Ông Trần Quang Phụng, chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn muối miền Nam, đơn vị chủ của lô hàng 24.000 tấn muối trên tàu Zeusi, bức xúc: “Quy định từ ngày 1-11-2013 yêu cầu hàng hóa của chúng tôi phải lưu vào kho của cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc cơ quan hải quan để chờ giấy kiểm định mới cho làm thủ tục thông quan. Điều này đang khiến doanh nghiệp chúng tôi rất khó khăn vì chờ kết quả kiểm định mất ít nhất 10 ngày, trong khi cơ quan chuyên ngành và cơ quan hải quan không có kho bãi. Hàng hóa của chúng tôi không được mang về kho của mình nên phải để “chết” trên tàu. Cơ quan quản lý nhà nước đưa ra quy định như vậy chẳng khác nào muốn giết chết doanh nghiệp”. Theo ông Phụng, mỗi ngày công ty ông đang phải gánh chi phí hàng nằm lại cảng cả trăm triệu đồng. Trong đó riêng chi phí cho tàu chở hàng mỗi ngày 5.000 USD, và phải chịu thêm khoản phạt đối với các chủ tàu vận chuyển. Các thiệt hại không kể hết khi việc sản xuất đình đốn, hàng ngàn công nhân của ông phải đối mặt với việc không có việc làm vì hàng phải nằm lại cảng.
Nếu hàng rời của ông Phụng chịu chi phí mỗi ngày hàng trăm triệu đồng cho chủ tàu nước ngoài thì các tàu chở container gánh chi phí này cao hơn nhiều lần. Ghi nhận tại Tân Cảng Cát Lái, nhiều chủ hàng đang khóc ròng vì hàng không thể rời tàu. Ông H., chủ một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hàng vật liệu xây dựng tại TP.HCM, cho biết hiện hàng chục container hàng của ông đang phải nằm lại Tân Cảng Cát Lái chờ giấy kiểm định của Trung tâm 3. “Từ khi quy định thông tư 128 có hiệu lực, hàng hóa của chúng tôi bị ùn ứ tại cảng vì phải mất khoảng mười ngày chúng tôi mới có được chứng thư chứng nhận chất lượng. Hiện nay, mỗi ngày tôi phải trả 10 USD/container cho chủ tàu nước ngoài, chưa kể các chi phí phạt lưu tàu. Ngoài ra việc hàng hóa nằm lại cảng khiến việc sản xuất ảnh hưởng và nguy cơ bị khách hàng phạt hợp đồng rất lớn” - ông H. nói.
Phóng to |
6.000 tấn phân của Công ty Long Hải mới có giấy kiểm định và được phép bốc hàng sau nhiều ngày nằm tại cảng Sài Gòn (ảnh chụp chiều 6-11) - Ảnh: T.T.D. |
Nguy cơ cảng quá tải
Phía Tân Cảng Cát Lái cho biết tuy lượng hàng hóa tại cảng chưa ùn ứ đến mức báo động nhưng nguy cơ là có. Một cán bộ hải quan tại TP.HCM cho biết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cảng không chỉ gây tổn thất chi phí cho doanh nghiệp, áp lực cho cảng mà còn khiến nhân viên hải quan mệt mỏi vì hàng hóa không thể thông quan sớm.
Các doanh nghiệp cho biết trước đây hàng về cảng sau khi lấy mẫu giám định, doanh nghiệp được chở hàng về kho của mình. Nhưng theo thông tư 128/2013 của Bộ Tài chính, kể từ ngày 1-11-2013 hàng hóa nhập về doanh nghiệp phải thuê kho bãi ở cảng lưu ở đó chờ lấy mẫu giám định. Việc này khiến hàng hóa của doanh nghiệp phải nằm 5-10 ngày chờ giấy kiểm định từ các trung tâm chuyên ngành mới có lệnh thông quan.
Ông Lê Quang Nhật, giám đốc cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, cho biết hiện hàng nằm cảng quá nhiều, tàu khác vào không còn chỗ để neo đậu. Mỗi tàu cập bến có thể đến hàng ngàn container, chi phí lưu hàng quá lớn, mỗi tàu có thể đến 10.000 USD/ngày khiến doanh nghiệp gánh thêm chi phí, còn cảng chúng tôi chịu áp lực và nguy cơ quá tải. Đó là chưa kể hàng trăm nhân công tại cảng ngồi chơi không có việc làm...
Trước tình hình đó, bà Nguyễn Thị Thu Hương - cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM - cho biết Cục Hải quan TP.HCM đã ghi nhận thực trạng xảy ra khi thông tư 128 ban hành. Hiện cơ quan này đã làm văn bản báo cáo lên Bộ Tài chính và đang chờ công văn chỉ đạo trở lại về các vướng mắc trên.
Quy định làm khổ doanh nghiệp Thông tư 128 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1-11-2013 quy định đối với hàng hóa xuất nhập khẩu phải giám định để xác định có được xuất khẩu, nhập khẩu hay không. Trường hợp người khai hải quan có yêu cầu đưa hàng hóa về bảo quản thì chi cục trưởng hải quan nơi đăng ký tờ khai chỉ chấp nhận cho người khai hải quan đưa hàng về bảo quản tại cảng nội địa, kho ngoại quan hoặc địa điểm kiểm tra tập trung hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chịu sự giám sát của cơ quan hải quan. Điều này chỉ được thực hiện trong trường hợp người khai hải quan có yêu cầu đưa hàng về bảo quản và được cơ quan kiểm tra chuyên ngành chấp nhận. Trong thời điểm đó, người khai hải quan phải bảo quản nguyên trạng hàng hóa trong thời gian chờ kết quả giám định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận