Tôi rất vui khi nghe Thủ tướng chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên. Đây là một quyết định tuyệt vời, một giải pháp cần thiết nhất trong bối cảnh rừng và các hệ sinh thái rừng trong tự nhiên ngày càng suy thoái. Một sự chờ đợi quá lâu, nhưng vẫn còn chưa muộn.
Thủ tướng cho rằng việc suy giảm diện tích, chất lượng rừng Tây nguyên trong những năm qua là hết sức nghiêm trọng, nếu không sớm ngăn chặn thì hậu quả sẽ khôn lường. Tôi xin được nói đến trường hợp chúng tôi đã nghiên cứu thực địa (tháng 4-2015) tại tỉnh Đắk Nông.
Mặc dù tỉnh Đắk Nông đã thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên và tăng cường quản lý, nhưng tốc độ suy giảm rừng vẫn diễn ra nhanh chóng và đó là một trong những nguyên nhân chính làm cho khí hậu, thời tiết, khô hạn, lũ quét diễn biến bất thường.
Việc phân mảnh nhiều hệ sinh thái rừng bằng các con đường mới to lớn xuyên qua những cánh rừng già của Đắk Nông và Tây nguyên cũng đang diễn ra ồ ạt, không kiểm soát được, làm các quần thể sinh vật thêm bị tổn thương nghiêm trọng do bị chia cắt vĩnh viễn.
Công tác quản lý, khai thác, bảo vệ rừng hiệu quả thấp, trong khi việc trồng rừng thay thế còn rất chậm. Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm thay đổi môi trường toàn khu vực Tây nguyên. Đây chính là những thách thức lớn trong quá trình phát triển bền vững của địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, diện tích rừng tự nhiên giảm là do chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả... Điều này là quá chính xác và rút kinh nghiệm cũng hơi muộn màng. Vì thực tế việc chuyển đổi này đã có chủ trương hẳn hoi, đã diễn ra nhanh chóng và nay đã tàn phá rất nhiều rừng tự nhiên của chúng ta.
Việc quyết định chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su là một trong những quyết định sai lầm đáng tiếc nhất về mặt bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Phải hàng chục năm sau chúng ta vẫn chưa thể khắc phục hậu quả về môi trường rừng của quyết định này.
Trong một nghiên cứu khác của chúng tôi (tháng 12-2013) ở tỉnh Bình Phước cho thấy việc chuyển đổi một phần diện tích rừng nghèo kiệt theo quan điểm lâm nghiệp sang trồng cao su đã làm suy giảm đáng kể diện tích rừng tự nhiên của tỉnh Bình Phước, kèm theo đó là mất mát một số lượng lớn các loài động, thực vật, trong đó có thể có nhiều loài mà khoa học vẫn chưa biết đến.
Từ năm 2008 đến 2010, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã diễn ra ào ạt việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su trên diện tích quy hoạch rừng sản xuất và ngay cả trong rừng phòng hộ biên giới. So với năm 2007 thì diện tích rừng tự nhiên của tỉnh mất đi 45.793ha, chủ yếu do chuyển sang đất trồng cao su.
Tôi cũng hoàn toàn lo ngại và chia sẻ với mối quan tâm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về sự mất mát cả về số lượng và chất lượng rừng. Chất lượng rừng tự nhiên còn lại rất kém. Phần lớn chỉ còn ở bên ngoài, vào bên trong rừng sâu mới thấy không còn những cây gỗ to, những cây gỗ quý nữa.
Tất cả đã bị moi ra, chặt phá không thương tiếc. Trong khi đó đất rừng chuyển sang trồng cây cao su, cây keo bông vàng, cây điều tăng lên... Diện tích cao su - mà sau này người ta đề xuất tính vào luôn diện tích rừng - thực chất quá nghèo nàn về đa dạng sinh học và không sinh thủy, không thể giữ nước.
Thủ tướng nói: “Mất rừng là mất Tây nguyên”. Tôi thêm rằng: Mất rừng là mất sạch về môi trường và phát triển bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận