27/08/2012 07:34 GMT+7

Mất niềm tin sẽ mất tất cả

Nhà sử học NGUYỄN KHẮC THUẦN
Nhà sử học NGUYỄN KHẮC THUẦN

TT - “Đất nước ta vẫn đang phát triển, vẫn đi tới, đó là quy luật tất yếu của lịch sử. Để quyết tâm đi tiếp hãy nhìn vào những bài học chúng ta đã có trong lịch sử, còn để tin tưởng hãy nhìn vào lớp trẻ”.

Nhà sử học NGUYỄN KHẮC THUẦN khẳng định như vậy.

PK288lj3.jpgPhóng to

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần - Ảnh: Tự Trung

Trả lời câu hỏi từ bài viết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (Tuổi Trẻ 22-8), ông thấy có điều gì cần phải khẳng định và tái khẳng định, nhà sử học NGUYỄN KHẮC THUẦN nhấn mạnh: Vẫn là hai chữ “độc lập”. Ngay sau khi tuyên bố độc lập, Bác Hồ đã nói: “Nước có độc lập mà dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập ấy không có ý nghĩa gì”. Chính phủ có nhiệm vụ đảm bảo độc lập và tạo ra nền tự do, hạnh phúc tối thiểu cho người dân. Mỗi người, trên cái nền đó, lại tự xây dựng cuộc sống tự do, hạnh phúc cho mình, gia đình mình, trong khả năng của mình, trong khuôn khổ của tự do và chừng mực của hạnh phúc. Phải có sự thống nhất giữa ý chí của Nhà nước với tình cảm của nhân dân, giữa những lý luận hàn lâm với những vấn đề cụ thể. Khi đó, lịch sử mới tiến lên được.

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần hiện là trưởng khoa Việt Nam học đại học Bình Dương. Ông giảng dạy tại nhiều trường đại học và là tác giả của nhiều bộ sách lịch sử, văn hóa như: Việt sử giai thoại, Danh tướng Việt Nam, Đại cương Việt sử cổ trung đại, Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam... Hai bộ sách Lịch sử văn hóa Việt Nam dày hơn 3.000 trang và Lê Quý Đôn tuyển tập (dịch) dày hơn 5.000 trang của ông được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2011.

* Trong lịch sử Việt Nam, ông nhận thấy người dân e ngại điều gì nhất ở Nhà nước, và khi xảy ra những điều đó sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào?

- Có hai điều và đó là những cảm thức chung của nhân loại chứ không riêng gì người Việt. Thứ nhất là tình trạng bè phái, mất đoàn kết, lũng đoạn trong chính quyền. Nhiều triều đại trong lịch sử đã đánh mất sự ủng hộ của dân vì bè phái, chia rẽ như thời Lê - Mạc (còn gọi là thời Nam - Bắc triều), thời Trịnh - Nguyễn phân tranh... Xung đột, chiến tranh dẫn đến thế nước yếu, loạn lạc gây nên đau khổ, mất mát cho người dân, tình thế đó lại tạo thêm cơ hội cho ngoại bang nhòm ngó, xâm chiếm. Nỗi sợ thứ hai là tham nhũng. Từ mấy ngàn năm lịch sử đến nay, nước ta chỉ mới thoát ra khỏi chữ “nghèo” được chừng 10 năm. Dân ta ai cũng biết những đau khổ từ cái nghèo, quan tham bòn rút mồ hôi nước mắt của dân chắc chắn sẽ bị nghiêm trị. Đã có nhiều triều đại bị sụp đổ, bị dân chúng lật nhào vì dung dưỡng quan tham, nhũng nhiễu.

* Tham nhũng là một nguyên nhân gây ra bức bối xã hội. Trong những phát biểu của các nhà lãnh đạo đất nước, tham nhũng là ung nhọt cần phải loại bỏ và chống tham nhũng được xếp loại ưu tiên hàng đầu...

- Hứa thôi, nói thôi chưa đủ mà phải làm, phải thực hiện cho được. Người dân sẽ rất cảm kích khi tận tai nghe, tận mắt thấy tham nhũng bị nghiêm trị. Trong lịch sử đã có những câu chuyện như thế trở thành bài học lưu truyền. Như thời Lê sơ có tới bốn ông tướng mang tên Lê Lai. Ông thứ nhất là Lê Lai cứu Chúa. Ông Lê Lai thứ hai được Lê Lợi giao việc mua lương thực cho quân sĩ, ông này cầm tiền trốn mất và bị Lê Lợi tìm bắt lại, chém bêu đầu. Gần đây hơn thì người dân vẫn còn nhắc mãi việc Bác Hồ xử Trần Dụ Châu, vụ án tham nhũng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

Vừa rồi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói “Phải biết hổ thẹn với tiền nhân” là rất thấm thía.

* Xét về góc độ lịch sử, tác hại của những vụ án tham nhũng vừa qua chắc chắn không thể tính bằng tiền. Theo ông, phải làm gì để khắc phục?

- Tổn thất lớn nhất là mất niềm tin. Tổn thất vật chất còn làm lại được, mất đi cũng tìm lại được, còn mất niềm tin là mất tất cả. Tuy nhiên, niềm tin rất dễ mất nhưng không phải là không thể tái lập. Thành tâm nhận ra sai lầm, thiếu sót, thành tâm hối lỗi ăn năn, thành tâm sửa chữa, khắc phục thì sẽ khôi phục được lòng tin. Và khi có lòng tin thì dân sẽ trao cho tất cả. Những ngày này 67 năm trước, chỉ vài ngàn đảng viên đã được sự ủng hộ của dân chúng mà làm được một cuộc giành chính quyền từ Bắc chí Nam trong vòng chưa đầy một tuần. Sau lễ độc lập, dân lại quyên tiền, quyên vàng giúp Chính phủ. Rồi kháng chiến, dân cống hiến máu xương. Lịch sử của chúng ta chứng minh dân không tiếc gì với Nhà nước khi đã có niềm tin.

"Không gì bằng những hành động mà người dân nào cũng mong đợi: xử lý nghiêm, công minh và minh bạch các vụ án tham nhũng, bảo vệ triệt để những người đứng ra tố cáo tham nhũng. Người dân phải nghe, thấy, sờ được những hành động này của Chính phủ"

* Quy luật lịch sử nào sẽ ủng hộ một nhà nước bền vững, thưa ông?

- Câu khẩu hiệu của chúng ta “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” là quy luật ấy. Với chính quyền thì “dân giàu, nước mạnh” nên phải chăm lo cho dân, tạo điều kiện để dân làm giàu chính đáng. Với dân thì “nước mất nhà tan”, luôn đặt nghĩa vụ giữ nước lên đầu. Đức thánh Trần (Trần Hưng Đạo) một đời trận mạc, trước khi nhắm mắt để lại một câu: “Nới sức dân làm kế rễ sâu gốc vững ấy là thượng sách giữ nước”.

Nghiên cứu lịch sử, tôi hiểu tiền nhân của chúng ta luôn nhận thức: “Một lời khen trong sử là vinh muôn đời/Một lời chê trong sử là nhục vạn kiếp”. Học được tiền nhân điều đó, chắc rằng sẽ được dân tin. Lịch sử đổi mới của chúng ta mới được hơn hai thập niên, đã có chuyện khiến nhiều người đau lòng, phẫn nộ nhưng cá nhân tôi thấy cục diện đang trên đà đi tới, những cái xấu rồi sẽ bị đào thải, mây đen sẽ bị xua tan. Tôi nhìn thấy điều đó trong thế hệ trẻ, các sinh viên trong sáng, mãnh liệt và bừng bừng sức sống của chúng ta.

Nhà sử học NGUYỄN KHẮC THUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp