18/02/2019 10:58 GMT+7

Mặt nạ thế nhân trên 'gánh hát xe đạp' giữa phố Sài Gòn

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Ở ngã tư đường Trần Quốc Thảo - Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM), một người đàn ông với chiếc xe đạp cà tàng, ngồi bán mặt nạ với đủ biểu cảm trầm tư lẫn ngộ nghĩnh, vui cười của thế nhân.

Mặt nạ thế nhân trên gánh hát xe đạp giữa phố Sài Gòn - Ảnh 1.

Người đàn ông đi bán những nụ cười - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Người đàn ông rao bán mặt nạ ấy ẩn chứa câu chuyện của một đời đam mê từ những ngày xem hát tuồng xa xưa. Gần 30 năm, ông Nguyễn Văn Bảy, 56 tuổi, quê ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định, đã cố gìn giữ loại hình sân khấu này trước mai một của thời gian. Mày mò một mình, ông tự làm mặt nạ những nhân vật trong hát bội để rao bán khắp Sài Gòn.

Thấy tôi mua mặt nạ của ông Bảy, ngay nhiều người trong gia đình cũng lạ. Nhưng rồi mọi người cũng vui khi thấy con tôi đem mặt nạ ra diễn trò với đám nhỏ rất sinh động. Nhờ đó, chúng biết thêm nhiều nhân vật lịch sử và cũng đỡ dán mắt vào màn hình tivi

Cô giáo Nguyễn Thị Hà, quận Tân Bình, TP.HCM.


Đam mê một thuở

"Hồi nhỏ, hễ nghe trong làng có hát bội, tôi mải mê đi xem cho bằng được. Thích nhất là những hóa trang độc đáo trên khuôn mặt diễn viên. Những nét vẽ dữ dằn, hiền từ hay khóc, cười thiệt ngộ nghĩnh" - ông Bảy hồi tưởng. 

Năm 24 tuổi, ông xuất ngũ bộ đội, đam mê xem hát bội vẫn chưa bao giờ thay đổi. Nhưng loại hình sân khấu này vắng dần, không còn mấy nơi biểu diễn như trước. Và muốn làm điều gì đó để người ta còn nhớ luôn là nỗi đau đáu của ông Bảy.

Anh bộ đội phục viên năm xưa nhớ lại: "Suốt thời gian làm mướn bấp bênh, tôi trăn trở nghĩ rằng làm cái gì gắn với đam mê thì chắc sẽ khá. Từ đó, tôi đi dọ khắp nơi, thấy hiếm ai làm nghề vẽ mặt nạ này, và thế là bắt tay làm". Đó là khoảng năm 1990, ông Bảy tay trắng vào Sài Gòn, cưới vợ là một chị công nhân quê Nghệ An, và gắn luôn với cái nghề vẽ mặt thế nhân không giống ai.

Nhân vật ông vẽ đều là các anh hùng lừng lẫy. Để hoàn thành một mặt nạ phải mất khoảng ba ngày, gồm nhiều công đoạn và tất cả do ông làm. "Ban đầu tôi dùng đất sét tạo khuôn, rồi dùng silicon phủ lại. Tiếp đến mới dùng bột đá và bột nhựa tổng hợp để tạo thành sản phẩm. Sau đó mới dùng cọ màu vẽ lên, những nét vẽ dũng mãnh hay hiền nhân tùy theo đặc điểm mỗi nhân vật lịch sử".

Trông thì rất đơn giản, nhưng làm mặt nạ đòi hỏi không những am hiểu về nhân vật mà còn vẽ phải khéo tay, tỉ mỉ. "Để tạc khuôn cũng như nét vẽ sao cho khách hàng nhìn vào có thể nhận ra ngay là ai thì phải hiểu rõ tính cách nhân vật. Từng nét cọ phải thể hiện được màu sắc, thần thái sao cho mỗi khuôn mặt có đường nét riêng để nhìn vào sẽ thấy ngay là chính nghĩa hay phi nghĩa" - ông Bảy giải thích.

Lấy một chiếc mặt nạ ra khỏi xe đạp, ông rà tay vào gương mặt và phân tích: "Ví dụ nhân vật trong Tam quốc diễn nghĩa, có Quan Công là người nóng tính nhưng trượng nghĩa, tôi vẽ mặt đỏ, mắt như chim phụng, mày ngài... Hoặc khi vẽ Tào Tháo là người đa nghi, phản thần thì điểm nhấn của đường nét là râu ria, mặt mốc". 

Làm xong mỗi mặt nạ, ông Bảy mường tượng như được xem lại từng tuồng hát. Rồi ông tự rèn thêm nghề bằng cách đọc sách xưa, để mỗi ngày lại có những gương mặt đẹp "biểu diễn" trên gánh hát... xe đạp.

Mặt nạ thế nhân trên gánh hát xe đạp giữa phố Sài Gòn - Ảnh 3.

Ông Bảy làm khuôn mặt nạ - Ảnh: NHƯ HÙNG

Mặt mình thì quen, mặt nạ thì lạ

Đam mê, hết lòng với nghề là thế, nhưng nhiều ngày ông Bảy rao mặt nạ khắp phố phường mà chẳng mấy ai buồn hỏi. Người đàn ông giọng lơ lớ miền Trung, cười phô hết hàm răng: "Suốt bao năm làm mặt nạ để bán, rất nhiều người thắc mắc không biết tôi làm nghề này làm gì, làm sao mà sống. Họ nói thẳng mặt tôi thì quen nhẵn, mặt nạ vẫn xa lạ. Cứ sáng đạp xe đi, trưa hay chiều lại đạp về, mặt nạ chẳng được mấy người mua. May mắn là vợ tôi có nhận xâu vòng hạt cườm tại nhà, kiếm thêm chút rau cháo qua ngày".

Tôi ngồi lặng nhìn thân hình gầy nhom, mái tóc sương gió vừa có nét khắc khổ mưu sinh, vừa có hình hài nghệ sĩ. Một hình dáng không quá xa lạ với những ai hay đi trên các đường Nguyễn Đình Chiểu, Điện Biên Phủ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM) trong gần 30 năm qua.

Một chiếc mặt nạ cỡ lớn gần 400.000 đồng, cỡ nhỏ hơn 150.000 đồng, và những mặt nạ màu đồng cổ gần 500.000 đồng. Phía sau xe, ông Bảy như chở một... gánh hát, đó là chưa kể giỏ xe phía trước có hơn 150 mặt nạ loại nhỏ. Thi thoảng có những nơi biết và tìm đến ông Bảy để đặt hàng, họ bán lại ở các bảo tàng hoặc để trang trí quán cà phê, biệt thự...

"Có ngày, tôi may mắn bán được 2-3 mặt nạ, có hôm ngồi cả buổi, rồi cả tuần không ai hỏi mua. Tôi nhớ nhất là tháng 11 năm rồi, đang đứng ở đường Điện Biên Phủ, một người khách đã mua hết cả xe mà không kỳ kèo một đồng giá cả. Tất cả được hơn 20 triệu đồng, trừ chi phí, công cán, tính ra còn gần 10 triệu. Tôi sướng lắm, đạp xe bon bon mà cứ mong nhanh về nhà để vẽ thêm nhiều nhân vật khác. Chẳng biết có phải hương hồn mấy vị đó phù hộ tôi?".

Mặt nạ thế nhân trên gánh hát xe đạp giữa phố Sài Gòn - Ảnh 4.

Những chiếc mặt nạ đã thành phẩm và còn dang dở của ông Bảy - Ảnh: N.H.

Nghèo nhưng vẫn giữ lửa nghề

Ở quận Tân Phú, căn nhà ông Bảy thuê chỉ hơn 20 m2. Nơi ấy, ông đang sống cùng vợ và hai con đang ở tuổi ăn học. Cuộc sống rất vất vả, nhưng ông vẫn lặng lẽ qua ngày với những chiếc mặt nạ thế nhân.

Nghe tôi hỏi có khi nào ông nản, muốn chuyển nghề khác, ông lặng lẽ quay đi, có vẻ như không hài lòng, rồi mãi mới trả lời: "Tôi có thể đi làm công nhân hoặc nghề khác kiếm cơm ổn định hơn, nhưng nhất quyết không. Tôi đã cầm cọ thì chỉ thích vẽ mặt nạ thế nhân! Dù ngày càng bị lãng quên, ế ẩm, tôi vẫn vẽ, vẫn đi bán. Người ta dù có không mua nhưng nhìn vào đó mà biết và nhớ đến hát tuồng. Vợ con tôi cũng không bao giờ phàn nàn, vì họ hiểu tôi đã quá đam mê những mặt nạ thế nhân này rồi"!

Buổi chiều, lúc tôi ghé nhà, vợ ông, bà Trần Thị Phương Ngọc, cũng chỉ cười thanh thản tâm sự về nghề của chồng mình: "Ổng mê và thích vẽ mặt nạ người ta thì ổng cứ làm. Mỗi khi thấy ổng vẽ xong một cái mặt nạ lại ngồi kể chuyện xưa, rồi một mình lẩm nhẩm đọc cả lời thoại nhân vật hát tuồng mà tôi cũng tức cười. 

Vợ chồng hay bảo nhau nghèo thì cũng nghèo rồ, cứ hết lòng với nghề, mai mốt đời sau có nhớ quên thì cũng an lòng".

Ông Vương Duy Biên, nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nhận xét: “Tôi đã xem các mặt nạ ông Bảy vẽ. Tuy đường nét còn nghiệp dư, không thể sánh với nghệ nhân, nhưng rất đáng quý. Trong xã hội phát triển công nghiệp hiện nay, vẫn còn người say mê và cố lưu giữ văn hóa truyền thống, giúp người trẻ bây giờ lẫn thế hệ mai sau biết đến loại hình biểu diễn dân gian là rất đáng trân trọng, phát huy”.
Nghệ nhân bài chòi... mua ve chai, bán vé số

TTO - Ban ngày bán vé số, mua ve chai để "nuôi" nghiệp hát bài chòi ban đêm. Đó là nghệ nhân ưu tú Minh Đức, tên thật là Nguyễn Thị Đức, người được xem là "báu vật nhân văn sống" của bài chòi Bình Định.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp