Nhiều giải pháp được đưa ra tại hội thảo "Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng", do báo Tuổi Trẻ phối hợp Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 19-9.
Gian nan đòi lại tiền bị lừa đảo
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ trong quá trình làm luật sư cũng như làm công tác giảng dạy ở nhiều cơ sở pháp luật, đã nhận được rất nhiều phản ánh của nhiều người về việc bị lừa đảo tiền trên không gian mạng.
Gần đây nhất, một người quen của luật sư Thảo đã bị dẫn dụ vào làm công việc tương tác các clip trên Facebook, hứa hẹn nhận được khoản thu nhập tốt. Ban đầu người này được chuyển về tài khoản ngân hàng 10.000 đồng/lần tương tác clip. Sau đó bị dẫn dụ, mất tổng cộng hơn 25 tỉ đồng. Mặc dù đã tố giác tội phạm đến cơ quan công an, nhưng quá trình tìm kiếm kẻ lừa đảo rất gian nan.
Luật sư Thảo chia sẻ thời gian qua đã hướng dẫn rất nhiều khách hàng cũng như người thân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trình báo với Ngân hàng Nhà nước, cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan an ninh mạng…
Hiện có cơ chế xử phạt hành chính. Trường hợp nào may mắn thì có thể nhờ cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, tuy nhiên quá trình này cũng không khỏi gian nan. Trước thực trạng trên, luật sư Thảo kỳ vọng các cơ quan thông tấn báo chí thực hiện công tác truyền thông rộng rãi, để người dân tiếp nhận.
Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước phối hợp xóa tài khoản ngân hàng không chính chủ, tài khoản 'rác'
Ông Đoàn Thanh Hải - phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước) - chia sẻ một thực trạng là trong suốt thời gian dài vừa qua, có nhiều tài khoản ngân hàng không chính chủ, tài khoản "rác", gây khó khăn cho cơ quan chức năng.
Hiện Chính phủ có đề án 06, trong đó Bộ Công an làm đầu mối và Ngân hàng Nhà nước phối hợp, từ đó kết nối dữ liệu ngân hàng với dữ liệu quốc gia về dân cư, để làm sạch dữ liệu ngân hàng đang có. Hiện có 27 ứng dụng đang phối hợp làm việc này, thời gian tới tăng thêm.
Bộ Công an cũng đang hoàn thiện những cơ sở hạ tầng kết nối để tạo thuận lợi cho các ngân hàng kết nối vào nhằm xác thực dữ liệu. Việc làm sạch dữ liệu khách hàng sẽ làm giảm rất nhiều rủi ro trong hoạt động phòng chống tội phạm thanh toán, và giúp các cơ quan chức năng phòng chống tội phạm gian lận.
Áp dụng "3 không" để tránh bị lừa đảo mất tiền
Chia sẻ tại phiên thảo luận, ông Từ Tiến Phát, tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), cho rằng nếu áp dụng "3 không", người dân sẽ hạn chế tối đa việc bị lừa đảo, mất tiền trên không gian mạng.
Thứ nhất, cứ gặp link gửi đến là không click vào. Thứ hai, không tải app nếu không có trên kho ứng dụng của Google Play hay App Store. Thứ ba, những gì liên quan đến tư vấn tài chính qua điện thoại, mạng xã hội thì không nghe theo vì đa phần là lừa đảo, quấy rối.
Bên cạnh đó, ông Phát cũng đưa ra hai khuyến nghị để phòng tránh lừa đảo, cụ thể: Thứ nhất, những thông báo, cảnh báo lừa đảo qua các kênh chính thống như báo chí, thông tin từ ngân hàng, khách hàng nên đọc, tìm hiểu để phòng tránh. Thứ hai, khách hàng chậm lại vài giây để đọc những thông tin gửi về điện thoại, ví dụ mã OTP để đọc kỹ nội dung.
Theo ông Từ Tiến Phát, tội phạm trên không gian mạng không mới, tồn tại rất nhiều năm qua và liên tục biến hóa. Tần suất và quy mô liên tục tăng, thủ đoạn ngày càng phức tạp tinh vi hơn. Mỹ mỗi năm tổn thất hàng chục tỉ USD từ lừa đảo trực tuyến, còn Singapore từ đầu năm 2023 đến nay mất khoảng 70 triệu SGD. Thông tin mà ACB thu thập được thì trong một quý có khoảng 1,2 triệu trường hợp bị lừa, 23% trong đó liên quan đến tài khoản ngân hàng và thẻ ngân hàng.
Ở góc độ tổ chức tài chính, ACB làm 3 việc là phòng, chống và xử lý. Về phòng: Khi ghi nhận thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, cơ quan công an, báo chí… ngân hàng sẽ cảnh báo, truyền thông liên tục về thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tiền trên các kênh website, fanpage, Zalo, ứng dụng ACB ONE và gửi email trực tiếp đến toàn bộ khách hàng.
Ngoài truyền thông thủ đoạn lừa đảo, ACB có hướng dẫn những nguyên tắc khách hàng không nên thực hiện để đảm bảo an toàn khi giao dịch kênh ngân hàng số.
Về chống: Đây là vấn đề không hề đơn giản. Ngân hàng nghiên cứu hành vi và phối hợp với Bộ Công an, Cục Công nghệ thông tin Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp phát hiện sớm.
Theo đó, nếu khách hàng lỡ click vào link mà các đối tượng lừa đảo gửi đến, ngân hàng sẽ gửi tin nhắn SMS cảnh báo thiết bị của khách hàng đã đăng nhập vào link lạ. Chìa khóa cuối cùng là OTP. Trong tin nhắn OTP gửi đến khách hàng, ngân hàng có nội dung: "Đây là giao dịch chuyển tiền, nếu nhập mã OTP thì tài khoản sẽ bị trừ tiền".
Chính những giải pháp đó thời gian qua đã giúp cho các trường hợp khách hàng bị lừa đảo giảm đi, nhất là các app giả vì hiện nay khách hàng cài rất nhiều app. Ứng dụng ACB ONE có chức năng phát hiện giúp khách hàng những ứng dụng khả nghi có nguy cơ điện thoại của khách hàng bị chiếm quyền điều khiển từ xa do khách hàng bị lừa cài app giả mạo và đã có cấp quyền trợ năng.
Để đảm bảo an toàn giao dịch cho khách hàng, hệ thống ACB tạm khóa việc thực hiện giao dịch của khách hàng trên ứng dụng ACB ONE. Về việc xử lý khi khách hàng mất tiền: Tiền bị lừa đảo thường khó thu hồi. Tuy nhiên ngân hàng phối hợp truy vết với các ngân hàng liên quan và cơ quan công an, làm hết trách nhiệm của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận