Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
TTO - Có một người thầy, đôi mắt chìm trong bóng tối đang ngày ngày dạy toán cho những học trò cũng không được nhìn thấy ánh sáng. Đó là thầy dạy toán Nguyễn Quyết Thắng.
Với thầy Thắng, mất đôi mắt nhưng không mất tất cả. Dù chìm trong bóng tối nhưng tình yêu thương luôn rực cháy. Đó là tình yêu với nghề, tình yêu học trò và tình yêu với gia đình.
Thầy giáo mù dạy toán
Hành trình không đầu hàng số phận để đến với nghề giáo của người thầy khiếm thị Nguyễn Quyết Thắng (33 tuổi) như một sự nhắc nhở không riêng gì với nghề giáo mà với bất kỳ ai. Rằng: Nếu đến với nghề bằng trái tim thì sẽ sống với nghề bằng cả tình yêu...
Thắng, lúc ấy là cậu học sinh trường làng ở huyện Di Linh (Lâm Đồng) một hôm khóc ngon lành trên lớp vì cô giáo xếp xuống ngồi hàng cuối.
Thắng không thấy được gì trên bảng nhưng cô giáo vẫn nhất quyết không đổi lên bàn đầu bởi Thắng quá mập.
Năm đó Thắng 7 tuổi. Bác sĩ bảo Thắng bị cận, nhưng đeo kính mọi thứ vẫn nhòe nhoẹt. Thực ra Thắng đâu bị cận, bệnh của Thắng nặng hơn nhiều.
Bác sĩ ở Hà Nội nói rằng: "Cháu bị thoái hóa võng mạc, mắt sẽ mờ dần đi cho đến khi không thấy được, ráng học được bao nhiêu thì học".
Dù đã ráng hết sức nhưng sự học của Thắng đứt gánh giữa chừng vào năm 1998, khi đó Thắng 13 tuổi. Đôi mắt mù mờ như chính tương lai vô định khiến những tháng ngày sau khi nghỉ học là cả một chuỗi ngày dài chìm đắm trong bóng đêm tuyệt vọng của cậu bé.
Ngọn nến hi vọng của Thắng đã thực sự vụt tắt, lời bác sĩ nói là sự thật. Ngày đôi mắt không còn nhìn thấy được gì nữa đã đến rất gần...
Thắng gọi đó là những tháng ngày ngục tù của số phận.
"Bản án chung thân" với mù lòa đến cậu học trò quá nghiệt ngã. Nhưng có một chiếc phao cứu sinh đã ném xuống cuộc đời cậu. Đó là một bản tin phát trên radio tuyển sinh học sinh khiếm thị.
Sau một thời gian nộp hồ sơ, xét tuyển, Thắng chính thức bước lên chiếc xe buýt từ Lâm Đồng xuống Sài Gòn.
Chiếc xe đổ những con đèo dốc quanh co qua muôn vàn thắng cảnh nhưng với Thắng nó là một chiếc xe đang luồn lách qua một con hầm tối dài hàng trăm cây số. Nhưng Thắng biết chắc chắn cuối đường hầm sẽ là ánh sáng, là mái trường!
Xuống Sài Gòn, Thắng được đi học trường dành cho người khiếm thị và cũng được học ở môi trường hòa nhập.
Lạ kỳ thay, ở thời buổi mà sách giáo khoa cho người khiếm thị là một thứ xa xỉ nhưng cậu học trò này vẫn tiếp thu như người sáng mắt, luôn giành học bổng xuất sắc toàn trường.
Trong số các môn học, cậu dành tình yêu đặc biệt với Toán học và nhẩm tính rất nhanh những bài toán hình học dù chỉ là... tưởng tượng.
Hết cấp 3, hành trình đến với toán học quả thực rất gian nan. Thắng đến Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đăng ký thi vào ngành Sư phạm Toán, mặc cho thầy cô, bạn bè can ngăn.
Làm sao một người mù lại có thể đi thi đại học môn toán cơ chứ? Ai cũng bảo thế. Riêng Thắng vẫn khăng khăng là phải chọn toán.
Vừa nghe ý định, thầy giáo ở phòng Đào tạo của trường đại học khước từ ngay bởi "xưa giờ chưa có ai mù đi học toán đâu".
Nhưng cậu học trò này vẫn năn nỉ rằng nếu thi rớt thì thôi, nếu đậu mà học không được thì học trò cũng tự xin nghỉ. Chỉ mong nhà trường chấp thuận cho phép được đi thi đại học như những học sinh sáng mắt.
Nghe vậy, thầy giáo đành gọi đến Trưởng khoa toán "xin ý kiến" bởi phòng Đào tạo chấp thuận cho thi, nhưng khoa không nhận dạy thì cũng... huề vốn. Không ngờ, cuộc gặp giữa Thắng và thầy giáo trưởng khoa là một cuộc gặp thay đổi số phận.
"Ở Việt Nam tôi chưa thấy ai khiếm thị mà học toán, nhưng ở Nga có giáo sư khiếm thị làm toán giỏi lắm, tôi tin em làm được". Câu nói đầu tiên ngay khi vừa mới gặp Thắng của vị thầy giáo đáng kính đã thổi bùng ngọn lửa hi vọng của cậu học trò lâu nay hiu hắt trước những rào cản.
Thầy giáo kiểm tra ngay học trò bằng 3 bài toán, chủ yếu là hình học rồi trả lời: "Em có khả năng học toán".
Khi đã sẵn sàng cho kỳ thi đại học thì ngành giáo dục Việt Nam áp dụng chính sách nhân văn, tuyển thẳng học sinh khuyết tật vào đại học. Nhưng nếu không có chính sách đó, Thắng vẫn đường đường chính chính bước vào ngành toán bởi năng lực thực sự của mình.
Nhưng đó chỉ là điểm khởi đầu cho hành trình gian nan của con đường học.
Thắng như một vận động viên chạy vượt rào để học toán bởi những rào cản cứ nối tiếp rào cản. Tài liệu không có, bài giảng phải ghi âm, có những bài toán mà lời giải dài cả mấy trang giấy...
Thắng nản. Thực sự anh muốn bỏ cuộc. Một lần nữa Thắng cảm thấy bế tắc, bốn phía đã thực sự là bóng đêm.
"Thôi cố lên. Đã phóng lao thì phải gắng theo lao" - những người bạn đại học đã động viên cậu học trò khiếm thị này như thế. Điều may mắn là những người bạn này luôn sát cánh, bày cho Thắng học bài và giảng lại bài cho bạn sau mỗi buổi học.
"Chỉ có vào lớp đó, đúng thời điểm đó mới có những người bạn quá tốt như vậy còn nếu học lớp khác, thời điểm khác chắc sẽ không có được" - Thắng nói.
Bốn năm đại học rồi cũng qua. Thắng rời giảng đường để đến với bục giảng của nghề giáo. Tấm bảng hiệu của trường ai cũng đọc được, nhưng Thắng và học trò của mình không thể, bảng hiệu đề: "Trường mù Nguyễn Đình Chiểu" (TP.HCM).
Hằng ngày, Thắng đến với lớp học không phấn trắng, chẳng bảng đen. Chỉ có tiếng thầy giảng bài, tiếng học trò viết chữ lọc cọc trên những cuốn tập chữ nổi.
Với môn hình học, thầy và trò cầm mô hình tam giác, lục giác, hình thang... cùng sờ và tưởng tượng. Nhờ sự đồng cảm với học trò mà Thắng cũng có những cách dạy riêng, thổi tình yêu toán học vào những người học trò khiếm thị.
Để tiếp cận với những tài liệu dành cho người khiếm thị, cách duy nhất là phải đọc tài liệu nước ngoài. Thế là Thắng lại đi học văn bằng 2 tiếng Anh. Có hai bằng đại học, Thắng được phân công dạy thêm tiếng Anh cho học sinh tiểu học.
Với Thắng, có 2 động cơ để bản thân dạy học, đó là động cơ trong và động cơ ngoài. Động cơ trong là tình yêu với toán học, dạy vì niềm đam mê của bản thân. Còn với tiếng Anh, đó là động cơ ngoài bởi học trò muốn được học tiếng Anh với riêng thầy Thắng.
Đến nay, tròn 8 năm thầy giáo khiếm thị này đứng trên bục giảng.
Một buổi chiều tan trường, Xuân (vợ Thắng) chở chồng lòng vòng ngắm Sài Gòn. Từ ngày cưới Thắng, đến nay đã bốn năm, Xuân kiêm luôn nhiệm vụ tài xế mỗi khi hai vợ chồng muốn đi dạo.
Ngồi trước xe, Xuân nhìn ngắm đường phố rồi tả lại cho chồng trên đường có gì, tòa nhà này như thế nào, đèn hoa trang hoàng ra làm sao.
Chính vì thế, dù mù lòa nhưng Thắng vẫn "nhìn" được cuộc sống bằng đôi mắt của vợ. Cứ những cái gì mà cần đến đôi mắt, Thắng lại "nhờ bà xã nhìn giùm".
Dù lạc quan lắm, nhưng cũng có những phút giây Xuân yếu lòng bởi xúc cảm đàn bà rất con người. Ai cũng ngồi sau xe ôm chồng, riêng Xuân thì ngược lại. Nhưng chẳng sao cả, Xuân bỏ qua được hết.
Xuân là giáo viên sinh học một trường vùng ven ở TP.HCM. Xuân nói đến với Thắng có lẽ là "Chúa sắp đặt". Cả hai học cùng trường, khác khoa nhưng lại mến nhau khi cùng tham gia một nhóm thiện nguyện.
Khi ra trường, dù đã về quê, chuẩn bị có công việc ổn định nhưng Xuân vẫn quyết định từ bỏ để vào Sài Gòn bên Thắng.
Như bất cứ một người bình thường nào dám yêu một người khuyết tật, rào cản lớn nhất của Xuân chính là gia đình. Dù yêu bởi cái lý con tim nhưng cha mẹ nào đành lòng để tương lai con chịu khổ cực.
Thắng phải chứng minh dù mình khuyết tật nhưng có công việc ổn định, được xã hội tôn trọng và quan trọng nhất là tự chăm sóc bản thân. Còn Xuân phải thuyết phục cho gia đình rằng Thắng chính là hạnh phúc của đời mình.
"Mình thương ảnh lắm, không bỏ được" - Xuân nói.
Năm 2014, gia đình Xuân gật đầu. "Hai tháng sau là cưới liền, không để lâu, sợ đổi ý" - Thắng nói. Khi đã chấp nhận Thắng, gia đình vợ xem chàng rể còn quý hơn cả con ruột. Không lâu sau đám cưới, hai vợ chồng chào đón một thiên thần.
Thắng đặt tên là Nguyễn Thái Sơn, đúng như tên của người thầy đã cho Thắng cơ hội đến với nghề giáo.
Đó vừa là sự quý mến với người thầy giáo, vừa là sự nhắc nhở hai vợ chồng và con trai biết sống nhân văn, tạo cảm hứng sống cho người khác như chính người thầy của chính mình!
***
Cuộc sống không toàn màu hồng, Thắng thừa nhận. Nhiều lúc ngồi trên chiếc xe buýt từ trường trở về nhà, Thắng cũng suy nghĩ giá như mình là người sáng mắt. Nhưng Thắng biết, cuộc sống nếu được cái này thì mất cái khác.
"Được cũng tốt mà không được cũng không sao hết bởi cái mình mong đợi nó xa vời quá thì dần dần mình sẽ tuyệt vọng, nên thôi những cái nào mình nhắm có khả năng thì mình mơ và làm, cái nào không có khả năng thì thôi. Đó cũng là tinh thần toán học, làm từng bước, từ từ giải quyết mọi vấn đề" - Thắng kể.
Với Thắng, nếu nhìn cuộc sống tích cực, lạc quan thì sẽ chẳng lúc nào cảm thấy bất hạnh cả. Dù thắng khiếm thị nhưng vẫn may mắn hơn những người mù bẩm sinh bởi ít ra Thắng đã từng có quãng đời nhìn thấy vạn vật.
Dù Thắng mù nhưng vẫn có công việc ổn định, vẫn còn sung sướng hơn những cụ già nắng mưa bên tờ vé số.
Và nếu nhìn một cách sòng phẳng, vị nhà giáo trẻ này vẫn có những người học trò trân quý mình, có một người vợ, cũng là đồng nghiệp hết mực thương yêu mình và hơn hết là có một đứa con trai mà Thắng hết mực yêu thương.
Đó là lý luận để Thắng - một người khiếm thị sống rất lạc quan với nghề giáo mỗi ngày.
Và, đó cũng là câu chuyện có ý nghĩa nhân kỉ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam, 18-4.
Tin cùng chuyên mục
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự