27/03/2017 20:47 GMT+7

Mất cát là mất công thổ quốc gia

XUÂN LONG thực hiện
XUÂN LONG thực hiện

TTO - PGS.TS Vũ Thanh Ca - vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và hải đảo VN - nói như vậy khi đề cập đến việc hút cát từ Quảng Nam đưa ra bồi lấp ở Đà Nẵng.

“1m3 cát bị bán đi là công thổ quốc gia bị mất

PGS.TS Vũ Thanh Ca

* Ông từng nhiều lần lên tiếng không được bán cát biển, đặc biệt là cát biển ở Quảng Nam, những cảnh báo đó có được tiếp nhận?

- Từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị nghiêm cấm xuất khẩu cát nhiễm mặn, nhưng ở nhiều tỉnh vẫn bán cát nhiễm mặn ven biển. Đến năm 2013, trong một hội thảo do phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, tôi đã nói về nguyên nhân xói lở bờ biển Hội An là do các đập thủy điện chặn nguồn cấp cát từ thượng nguồn. Khi đó, tôi đề nghị Quảng Nam không bán cát nạo vét luồng vào Cửa Đại mà đưa cát này đổ ở độ sâu từ 3-5m phía ngoài bãi tắm công cộng Cửa Đại, chờ đến mùa bồi, sóng sẽ đưa cát từ ngoài vào bờ để bồi đắp cho bãi. Sau đó, nhiều lần họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo thành phố Hội An, tôi cũng đều đề nghị cấm bán cát nạo vét. Đến năm 2016 tôi lại nghe tỉnh Quảng Nam cấm bán cát nạo vét luồng.

Thất vọng nhất là thông tin hút cát biển từ Quảng Nam mang ra bồi lấp khu lấn biển ở Đà Nẵng. Cứ hút cát như thế này, chắc chắn toàn bộ hệ thống bãi biển tuyệt đẹp ở Hội An sẽ bị phá hủy. Thậm chí, bãi biển ở Đà Nẵng cũng không tránh được, xói lở sẽ kéo dần từ Nam lên Bắc, sau khi xói lở xong bãi Hội An sẽ đến lượt Đà Nẵng.

* Ý ông là cần hút cát bồi lắng ở cửa sông để thông luồng, nhưng không được bán mà phải sử dụng khối lượng cát đó để bồi lại cho những khu vực thiếu cát khiến bờ biển bị xói lở?

- Đúng vậy. Thực tế là khi có đập thủy điện, lưu lượng nước giảm đi nên một lượng cát, dù khá ít, lẽ ra được vận chuyển ra bờ biển thì lại bị lắng đọng ở cửa sông. Các cửa sông sau đó có nông lên, nhưng nếu hút cát đó để bán thì sẽ rất nguy hiểm, vì nó sẽ làm gia tăng thiếu hụt cát tại bờ biển.

Trong thực tế, tôi biết nước ngoài sẵn sàng cho tàu hút cát để chở về nước họ và họ trả ngay tiền cho mình. Có vẻ kiếm tiền quá dễ dàng, không cần dùng tàu hút cát nhưng vẫn thông được luồng và được tiền ngay, nhưng cách nghĩ đó quá ngắn, hám lợi. 1m3 cát bị bán đi là công thổ quốc gia bị mất. Bán cát ven biển có thể thu được vài ba tỉ đồng hôm nay thì sẽ mất hàng trăm tỉ mai sau, do không tái tạo được những bãi cát biển bị xói lở, phải xây công trình bảo vệ bờ.

Xói lở bãi tắm Cửa Đại là bài học đau xót, tỉnh Quảng Nam đã tốn rất nhiều tiền để khắc phục và cũng thất thu rất nhiều tiền từ du lịch. Bài học này có vẻ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An vẫn chưa học được.

* Trên thế giới đã có nước nào dùng cát nạo vét ở cửa sông, sau đó đổ ra ngoài biển để sóng bồi cát đó vào bãi biển như ông nói?

- Ý tưởng dùng cát hút được khi nạo vét luồng để bồi đắp lại bãi biển không mới. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một giáo sư người Hà Lan đề xuất một hệ thống gọi là máy cát. Ông đề xuất đổ cát tại một khu vực ở thượng nguồn, tức là phía đầu của hướng vận chuyển chính trong 1 năm của cát tại khu vực bãi biển. Sóng và dòng chảy sẽ dần mang cát xuống phía hạ nguồn để bồi đắp cho bãi biển.

Ví dụ tốt nhất về việc sử dụng cát nạo vét luồng để bồi lại bãi là bãi biển Palm tại Florida, Mỹ. Ở đây, hằng năm người ta vận chuyển cát bị lắng đọng tại cảng khu vực hạ nguồn của bãi để đổ lên thượng nguồn. Sóng và dòng chảy sẽ vận chuyển dần lượng cát này để bồi đắp bãi.

Ở Nhật Bản, họ nhận thức rằng muốn bảo vệ bờ thì phải có bãi cát. Với một quốc gia có tiềm năng kinh tế mạnh, họ làm công trình ở ngoài biển chắn bớt sóng và đổ cát bên trong, để công trình bên ngoài giữ cát, tạo bãi.

* Theo ông cần có những giải pháp gì để giữ lại và khôi phục bãi tắm Cửa Đại?

- Việc đầu tiên cần phải làm là cấm hút cát để bán. Không chỉ ở Quảng Nam, mà Chính phủ cũng nên cấm hút cát biển để bán trên phạm vi cả nước. Chỉ có cách đó mới làm chậm được quá trình xói lở bờ biển đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta.

Tôi nghĩ tỉnh Quảng Nam nên chi một lượng tiền nhất định trong kinh phí bảo vệ bờ biển hằng năm để hút cát tại luồng vào Cửa Đại và đem cát này đổ tại độ sâu khoảng từ 3-5m phía bên ngoài bãi tắm công cộng Cửa Đại. Các nghiên cứu của riêng tôi cho thấy dòng vận chuyển bùn cát chính trong 1 năm tại Cửa Đại là từ Bắc xuống Nam. Đổ cát ở đây thì vào mùa đông cát sẽ được chuyển 1 phần xuống Nam, mùa hè cát sẽ được chuyển vào bờ để bồi đắp bãi.

Cần chú ý rằng không được phép đổ cát tại khu vực có rạn san hô đang sống. Trước khi đổ cát cần điều tra xem khu vực đổ cát có rạn san hô hay không. Tôi cho rằng hiện tại khu vực gần bờ bãi Cửa Đại không có san hô nhưng vẫn cần kiểm tra để khẳng định lại việc này.

XUÂN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp