Phóng to |
Một số đồng tiền cổ thu được |
Thông tin bắt đầu từ lũ trẻ
Ba bốn thanh niên với công cụ dò tìm phế liệu quần tụ trên mấy mảnh ruộng rộng chừng 1ha ngay giữa khu vực Đồng Nghè. Khu vực này thuộc địa giới của xã Thạch Hoá nhưng lại sát sạt với xóm nhà dân của thôn Đồng Tâm, xã Nam Hoá. Có lẽ thế, nên chính quyền Nam Hoá không quan tâm những người lạ đang khai quật đồ cổ vì vùng này nằm trên đất xã bạn Thạch Hoá. Còn chính quyền xã Thạch Hoá lại ở quá xa vùng đất rừng heo hút nên cũng không biết gì. Chỉ có ông Hoà ở thôn Thiết Sơn làm rẫy cạnh đó, tò mò đến xem người lạ khai quật kho tiền cổ.
Ông Hoà kể: "Tui thấy họ dùng máy dò tìm rồi hối hả đào lên những chum, chĩnh, vại nhỏ đựng toàn tiền cổ. Nhiều đồng tiền màu hồng tươi, mới tinh. Những chum, vại, chĩnh đựng tiền cổ nhiều kiểu dáng khác nhau, có cả bốn quai xách, lạ lắm, tui chưa thấy bao giờ. Họ trút tiền cổ vào từng bao, khiêng vác qua ruộng nước, qua suối, vận chuyển lên mấy xe máy đợi sẵn và chở đi mất hút. Vì thấy có tôi ở đấy, họ cho tôi cái chum đựng tiền. Tôi mang cái chum về nhà. Rứa thôi. Tui thấy người lạ, không dám hỏi han chi".
Sau hai ngày đêm tìm kiếm, đào bới, những người lạ mặt đã bốc lên khỏi mặt đất một số lượng lớn tiền cổ và lập tức những thương lái ở Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ba Đồn, Đồng Lê xuất hiện. Việc mua bán nhộn nhịp. Việc đào bới cũng trở nên nhộn nhịp. Lũ trẻ con chạy ra xem và về kháo chuyện với người lớn trong làng. Thanh niên trong làng ào ào chạy ra. Anh Thắng kể: "Tui và anh em trong thôn ra, không cho họ đào nữa, thế là họ cũng im lặng rút lui. Tụi tui bắt đầu dò tìm và đào. Tụi tui đào tới đâu, người ta đến mua hết tới đó. Tụi tui ước tính, người lạ đã đào ở đây cũng được vài tấn tiền cổ. Còn tụi tui ăn theo mà cũng bán được gần cả trăm triệu bạc anh ạ, vì giá mua từ 75.000 đến 140.000 đồng/kg tiền cổ. Đang không có việc làm, đang ngồi chơi, tự dưng mỗi thằng trong thôn vớ được bạc triệu, sướng". Hỏi, ngoài tiền cổ, nghe nói còn có cả đồ cổ nữa, các anh biết không?", anh Thắng lắc đầu: "Chịu. Họ làm suốt đêm, ai biết. Cũng có nghe lũ chăn trâu lao xao rằng, người ta còn đào lên được những đồ vật lạ mắt lắm, quý lắm, nghe thôi, không ai thấy cả".
Chính quyền ở đâu?
Sát ngay khu vực đào bới tiền cổ là nhà của đồng chí trưởng công an xã Nam Hoá và công an thôn Đồng Tâm. Nhưng suốt gần ba ngày đêm, với cảnh đào bới gấp gáp, vận chuyển tiền cổ ồ ạt đi qua ngay trước ngõ nhà, nhưng hai vị này vẫn không hề quan tâm. Đến ngày 24.10, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá Hồ Duy Thiện về xã Thạch Hoá kiểm tra việc xây dựng đường giao thông nông thôn, nghe xôn xao chuyện đào tiền cổ đã trực tiếp lên tận hiện trường.
Ông Thiện cho biết: "Tôi nghe phản ánh có một số người nơi khác đến đây đã đào lên rất nhiều tiền cổ, nhiều chum vại, tôi đã chỉ thị cho chính quyền hai xã Thạch Hoá và Nam Hoá tổ chức bảo vệ ngay khu vực này, đồng thời cho phép địa phương hợp đồng với người trong xã tiếp tục khai quật, bán, được hưởng hoa hồng".
Sau khi có chỉ đạo của chủ tịch huyện, chính quyền hai xã vội vã ra tay. Anh Bình - cán bộ UBND xã Nam Hoá - kể: "Em ở trong tổ bảo vệ. Tụi em canh gác cả đêm. Nhưng nói thiệt với anh, khi đó, người ta đã khai quật và mang tiền cổ đi hết rồi, còn đâu nữa mà bảo vệ".
Còn anh Hồng - Chủ tịch UBND xã Thạch Hoá thì khẳng định: "Mặc dù xã đã hợp đồng với một số người để khai quật tiền cổ, bán ăn chia hoa hồng, nhưng không ai đào thêm được gì nữa". Tuy nhiên, anh Thắng ở thôn Đồng Tâm lại khẳng định: "Sau khi xã cho canh gác, hợp đồng đào bới, vẫn đào lên được mấy hũ tiền".
Phóng viên điện thoại với ông Lê Hồng Phi - Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Quảng Bình về việc này, ông Phi cho biết, không nhận được bất cứ báo cáo nào của địa phương. Tuy nhiên, vì có dư luận, ngày 26-10, ông Phi đã ký công văn gửi UBND huyện Tuyên Hoá và chính quyền hai xã Thạch Hoá, Nam Hoá đề nghị phối hợp và tạo điều kiện ngay với cán bộ bảo tàng tỉnh, nhằm xác định nguồn gốc, lý lịch của những đồng tiền cổ, bảo vệ chặt chẽ hiện trường.
Ngày 26-10, cán bộ bảo tàng đã lên tới hiện trường khi mà toàn bộ những hầm tiền cổ đã bị bốc đi hết. Khó khăn lắm, họ mới tìm kiếm được trong dân một ít đồng tiền và chum vại.
Những giả thiết
Phóng to |
Một cái nắp chĩnh còn sót lại |
Người ta đang đặt ra giả thiết rằng, có thể, đây là một trong những kho tiền của Vua Hàm Nghi trong sự biến nhà vua rời kinh thành Huế, tụ quân chống Pháp. Khu vực huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá là những nơi mà đoàn quân của Vua Hàm Nghi đã đi qua và hoạt động. Có thể, kho tiền cổ này là một trong những kho tiền mà nhà vua ban lệnh cất giấu để sử dụng cho cuộc kháng chiến. Điều dễ thống nhất hơn cả, chắc chắn đây là kho tiền cổ, rất có giá trị về mặt lịch sử và văn hoá.
Đáng tiếc, khi chính quyền ra tay thì kho tiền đã bị đào bới và bán hết cho lái buôn. Anh Sinh ở thị trấn Đồng Lê mua được 900kg, một người ở thị trấn Ba Đồn mua được trên 500kg, còn số người khác ở Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh vào mua cũng hàng trăm kilôgram. Chỉ riêng số thanh niên "ăn theo" tại thôn Đồng Tâm cũng đã đào bới được cả tấn tiền cổ và bán được cả trăm triệu đồng.
Khi chúng tôi có mặt tại hiện trường, trên mặt ruộng, chỉ còn lại những hố đào sâu hoắm, dày đặc, nằm cụm lại trong diện tích khoảng 1ha. Khu vực chôn tiền nằm giữa thung lũng của ba ngọn núi, cạnh một khe nước, vị trí địa hình rất dễ tìm, chứng tỏ người xưa khi chôn tiền đã cố ý tìm vị trí thích hợp để sau này dễ quay lại tìm kiếm.
Mặc dù kho tiền cổ đã biến mất, đồng tiền cổ đã không còn ở vùng này nữa, mọi chuyện đã yên ắng, nhưng chiều 27-10, ông Hồ Duy Thiện - Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá vẫn điện báo cho chúng tôi rằng, ông đang tiếp tục chỉ thị cho các cơ quan chức năng đình chỉ hoàn toàn việc khai quật và thu hồi những vỏ chum, vại, chĩnh nằm rải rác trong dân.
Chúng tôi rất cảm kích trước tinh thần làm việc của các cấp chính quyền nhưng đáng tiếc, mọi việc đã quá muộn; hơn thế, tầm hiểu biết về công tác quản lý nhà nước trong bảo vệ, gìn giữ vật thể văn hoá cổ thực sự là đáng báo động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận