Dù ông Vũ Bá Phú, phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), có nói cần tập quen dần trước các dạng khởi xướng điều tra thế này, nhưng quả là hơi khó cho ngành da giày VN khi việc điều tra được Brazil áp dụng vào cả trường hợp sử dụng nguyên phụ liệu và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bởi lẽ không chỉ có ngành da giày trong nước sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, mà hầu như những ngành công nghiệp xuất khẩu cơ bản khác của VN như dệt may, nhựa, đồ gỗ... đều phụ thuộc khá lớn vào nguồn cung nguyên liệu từ quốc gia này. Mà căn nguyên của việc bị lệ thuộc nói trên lại phải nhắc lại “trường ca”: không biết bao giờ các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng của VN mới có được các trung tâm sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu, dù về mặt lý thuyết nó đã tồn tại trên các quyết sách, quyết định, thậm chí là nghị quyết của Chính phủ trong quy hoạch ngành từ hàng chục năm qua.
Gần đây nhất khi được hỏi khi nào dự án trung tâm nguyên phụ liệu cho ngành dệt may VN dự định đặt ở Thủ Đức (TP.HCM) mới đi vào hoạt động, một phó chủ tịch Tập đoàn Dệt may VN ngần ngừ cho biết dự án này vẫn còn trong giai đoạn tiếp tục... bàn vì UBND TP chưa biết lấy quỹ đất ở đâu để làm! Ngành da giày cũng lâm vào tình trạng tương tự. Ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN, nói dù Chính phủ có chủ trương ủng hộ việc phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành da giày, nhưng khi đi đến các nơi để đặt vấn đề mở khu công nghiệp thuộc da thì lãnh đạo các tỉnh đều từ chối vì sợ ô nhiễm.
“Chúng tôi đã bảo đảm rằng nước thải sẽ được xử lý ở mức B, tức là có thể nuôi cá được, nhưng các vị lãnh đạo cứ đòi là phải ở mức A, tức là uống được mới chịu. Chúng tôi chỉ biết thở dài ra về và không biết đến bao giờ VN mới có được một khu công nghiệp thuộc da để thỏa sức phát triển” - ông Kiệt ngậm ngùi nói. Cũng cần nói thêm hiện nay ngành da giày hoặc túi xách đều phải nhập gần 50% da cấp trung và 100% da cấp cao.
Thế mới biết việc “quen dần” với các vụ kiện kiểu như Brazil chẳng hề đơn giản chút nào. Khả năng phòng vệ thương mại của các ngành dệt may, đồ gỗ, nhựa...cũng trong tình thế mong manh “như đèn trước gió” chẳng khác gì ngành da giày. Thiệt hại về mặt kinh tế của các doanh nghiệp sản xuất của các ngành nói trên, thậm chí lợi ích của quốc gia, cũng rõ dần. Nguy cơ mất cả chì lẫn chài sẽ đến nhanh hơn một khi những tồn tại căn cơ, vốn đã được “chỉ mặt, đặt tên”, vẫn không được các sở, ngành giải quyết một cách quyết liệt và thấu đáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận